Khi nghe tiếng kêu khóc từ một người dân địa phương báo tin chủ hụi bỏ trốn, tôi vội mang theo chiếc máy ảnh rồi lao đi. Đến nơi, cả xóm túm tụm trước một căn nhà nhỏ có gác lửng, cũ nát bên bờ kênh. Mọi người cho biết, đó là nhà chủ hụi. Cửa đóng, chủ nhà đã cao chạy xa bay. Có tiếng ai đó nói: “Nó trốn mất tiêu mấy hôm rồi”. Nhiều tiếng khóc lóc, gào thét vì tiếc của và vì đau. Không ít gương mặt thất thần, tóc tai rũ rượi, mắt đỏ hoe vì khóc cho những đồng tiền khó nhọc ky cóp bao lâu nay đã theo chủ hụi biến mất.
Những bức ảnh tôi chụp ngày ấy về xóm nghèo vỡ hụi nay vẫn còn. Thi thoảng mở ảnh ra xem, nhất là khi có vụ vỡ hụi đình đám xảy ra ở đâu đó, lòng lại cảm thấy bần thần, nhoi nhói. Có điều, số lần tôi đã xem lại ảnh khá nhiều. Nghĩa là, không ít vụ vỡ hụi mà tôi từng biết đã xảy ra. Hôm nay, một lần nữa miễn cưỡng xem lại những bức ảnh năm xưa, khi một loạt vụ vỡ hụi lớn vừa xảy ra tại Bình Thuận.
Trong hai tháng vừa qua, cơ quan chức năng tại tỉnh này đã nhận được hàng trăm đơn tố cáo của người dân tham gia các đường dây hụi ở Phan Thiết. Tổng số tiền trong đơn tố cáo 4 cá nhân là chủ hụi bỏ trốn chiếm đoạt gần 200 tỷ đồng, nhưng đó chưa phải là con số cuối cùng. Điều ám ảnh tôi bao năm qua lại hiện về trong đầu khi phần lớn những người tham gia chơi những đường dây hụi này đều nghèo khó. Nhiều người bị trọng bệnh nhưng nhịn ăn, nhịn tiêu để chơi hụi với hy vọng có ít tiền chữa trị. Có người dành tất cả số tiền con cái cực khổ làm ăn xa gửi về với hy vọng đổi đời, song điều nhận họ lại là sự thất vọng.
Với đòn bẩy lãi suất cao ngất ngưởng, các chủ hụi dễ dàng chiêu dụ con mồi dốc hầu bao để tham gia. Công thức chung vận hành các đường dây hụi là chủ hụi huy động vốn của người sau trả người trước với lãi suất cao. Đến một lúc nào đó, không đủ khả năng trả lãi hoặc gom được một số tiền đủ lớn, chủ hụi nổi lòng tham liền “bùng” và biến mất, để lại những con hụi trong sự hoang mang cùng cực.
Nhìn ở góc độ nào thì các nạn nhân vẫn đáng thương hơn đáng trách. Tự đặt và trả lời câu hỏi vì sao những người nghèo khó thường tham gia chơi hụi sẽ hiểu được điều đó. Không khó để nhận thấy họ, phần lớn là những người hoặc thiếu hiểu biết, hoặc không có nhiều cơ hội để tiếp cận các nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng để giải quyết khó khăn hay đầu tư phát triển. Họ buộc phải chọn những cách như chơi hụi hay vay nặng lãi để giải quyết khó khăn trước mắt, sau đó rơi vòng xoáy nợ nần, mất mát. Và đó là rất điều đáng suy nghĩ.
Hụi đã nhanh chóng bị biến tướng theo chiều hướng tiêu cực và để lại nhiều hệ lụy nhưng các cơ quan quản lý không thể “nắn chỉnh” hay ngăn chặn. Cho nên, đi theo những đường dây hụi luôn là nước mắt của những người nghèo khó.