Vòng quanh xứ “Làm chơi ăn thiệt”

“Nước mặn chát, không còn tôm, cá”.
“Nước mặn chát, không còn tôm, cá”.
TP - Trong chuyến vòng quanh ĐBSCL cùng các chuyên gia Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN) thế vào trong suy nghĩ của chúng tôi những hình ảnh rất khác.

Mưa đầu mùa mà dai dẳng có khi cả ngày, sau nhiều tháng thiên tai hạn hán trăm năm mới có một lần, ĐBSCL dường như đang trong cơn chuyển mùa thế kỷ. Ý nghĩ hằn sâu về một vùng sông nước hiền hòa “làm chơi ăn thiệt” bỗng đâu bật gốc. Trong chuyến vòng quanh ĐBSCL cùng các chuyên gia Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN) thế vào trong suy nghĩ của chúng tôi những hình ảnh rất khác.

Hành trình khởi từ vùng rốn Đồng Tháp Mười, dưới bầu trời găn gắt nắng chợt mưa, xuôi vùng nuôi tôm dưới tán rừng ở tỉnh Bạc Liêu, vòng bờ biển để dừng chân tại cống đập Ba Lai của dự án ngọt hóa lừng danh tỉnh Bến Tre.

Sen nở hoa ruộng lúa

Ông Trần Văn Kịch ở ấp 1, xã Mỹ Hòa (Tháp Mười, Đồng Tháp) đang mướn máy đào, đưa nước vào ruộng sen. Dừng tay, ông giới thiệu: “Vùng này là rốn Đồng Tháp Mười, từ đây ra xã khoảng ba cây số chưa có đường bộ. Năm nay hạn nặng quá, may đã có mưa đầu mùa”.

Hồn hậu nhìn quanh, ông Kịch kể chuyện vùng đất cũng là quãng đời 61 năm của ông. Hồi nào mênh mông rừng tràm. Tuổi thanh xuân mơ ước thoát đói của ông cùng bao người dọn sạch rừng tràm để trồng lúa. Cây lúa nơi mùa lũ ngập sâu 1-2 mét, tồn tại trong triền miên sức người đào kinh, đắp đê. Mấy chục năm ngoảnh lại, thoát đói nhưng vẫn nghèo.

Sang thế kỷ 21, ông Kịch bỏ lúa trồng sen và từ năm 2015, luân canh sen-lúa. “Không phải sen ta mà là sen Đài Loan, tôi kiếm giống ở nhà người bà con huyện bên. Sen ta ít hoa, gương ít hạt, còn sen Đài Loan nhiều hoa và gương nhiều hạt”, ông cười. Giống sen năng suất cao luân canh lúa hợp đất nên nhẹ phân bón và thuốc trừ sâu, hiệu quả kinh tế khá. Hằng năm, khi lũ rút, trục đất phá sen để sạ lúa và thu hoạch lúa xong, lũ về thì củ sen chìm sâu dưới đất vươn mầm biến ruộng lúa thành ao sen nở đầy hoa. Vài ngày một lần bẻ gương sen bán.

“Cần cán bộ quản lý nhà nước có kiến thức đảm bảo an ninh sinh thái (không chỉ nghĩ đến lúa), làm nền tảng đảm bảo an ninh môi trường và xã hội để ĐBSCL phát triển bền vững”. 

Tiến sỹ Lê Anh Tuấn

Cũng ở ấp 1, ông Nguyễn Ngọc Hơn có gần chục héc-ta chuyên canh sen, nuôi cá làm nên khu du lịch Đồng Sen Gò Tháp. Khuôn mặt đầy nếp nhăn nhọc nhằn. Ông nhớ lại quãng đời 64 tuổi trải rừng tràm nghèo đói, chuyên lúa gian truân, chuyên canh sen phập phù giá cả thị trường, từ năm 2013 mở du lịch thì ổn hơn cả. Ông vui vẻ, để đón được hàng trăm khách mỗi ngày, ông học cách trồng sen cho hoa nở quanh năm và đương nhiên phải học làm du lịch.

Vòng quanh xứ “Làm chơi ăn thiệt” ảnh 1

Sen nở hoa ruộng lúa. Ảnh: Sáu Nghệ

Thì ra, thiên nhiên cho con người thứ gì cũng có giá trị. Khi con người không vô tình, vô cảm với thiên nhiên sẽ nhận được những giá trị tốt đẹp ấy. Ở rốn Đồng Tháp Mười xa xôi trắc trở cũng thơm ngát hương sen, quyến rũ khách gần xa. Tiến sỹ Dương Văn Ni, chuyên gia đa dạng sinh học ở Trường Đại học Cần Thơ nói, Đồng Tháp Mười trồng sen còn có giá trị rất lớn ở việc trữ nước mùa lũ để tưới tắm ĐBSCL mùa khô.

Ông tính được, luân canh sen-lúa hoặc chuyên canh sen, trữ lũ gấp đôi làm 3 vụ lúa. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, diện tích sen còn ít, như xã Hòa Mỹ rộng hơn 3.800 ha mà sen chưa được một phần mười. “Nếu bớt được đê bao làm lúa vụ 3, Đồng Tháp Mười và cả Tứ giác Long Xuyên phát triển canh tác trữ lũ, ĐBSCL sẽ nhẹ lo hạn hán”, ông Ni mơ ước.

Mặn chát rừng ven biển

Ông Trần Mạnh Tính dậy khi trời chưa sáng, ra mương nuôi tôm dưới tán rừng, thẫn thờ ngồi bệt xuống. Trước mặt ông, trong ánh đèn vàng vọt, tôm đang ngoi lên nháo nhác hớp không khí. Suốt mấy tháng đầu năm nay, sáng nào ông cũng thẫn thờ trong nỗi bất lực nhìn tôm giống chết dần trước mắt như thế. Ông ở ấp 15, xã Vĩnh Hậu A (Hòa Bình, Bạc Liêu), thảng thốt: “Năm nay, người nuôi tôm dưới tán rừng ở đây thua lỗ hết, chuyện chưa bao giờ xảy ra mấy chục năm qua”.

Nuôi tôm dưới tán rừng, một phương thức nuôi sinh thái từng khẳng định tính bền vững. Rừng ven biển sau lớp xung yếu, đến rừng sản xuất được giao khoán cho người dân để kết hợp nuôi tôm 30% diện tích. Ngày trước, mở cống lấy nước biển đón luôn tôm giống tự nhiên, đóng cống chờ tôm lớn lên, vớt bán. Nhờ đó, ông Tính làm được nhà cửa, nuôi hai con ăn học. Dăm năm lại đây, tôm giống tự nhiên cạn kiệt, ông phải mua tôm giống thả và để ổn định thu nhập, ông nuôi thêm cua. Thu hoạch cua có năm cao hơn tôm.

“Nhưng năm nay nắng hạn, nước dưới tán rừng bị bốc hơi nên mặn chát hơn nước biển, tôm không lớn được, cua không thể lột vỏ. Lại chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm quá lớn, thường nửa đêm về sáng nước tĩnh lặng thiếu ô xy, tôm và cua thiếu khí tức tưởi chết”, ông Tính buồn bã.

Dải rừng ven biển tỉnh Bạc Liêu, từ huyện Hòa Bình xuôi huyện Đông Hải và ngược thành phố Bạc Liêu, hơn 4.000 ha đã giao cho 397 hộ dân nuôi tôm. Trong đó, huyện Hòa Bình chiếm già nửa. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, ông Dương Thành Trung cùng tâm trạng: “Tôm chết do sốc môi trường ở nuôi quảng canh cải tiến kết hợp chiếm tới 83% tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại đầu năm nay”.

 Thiên nhiên là một thể thống nhất, nước mặn đắng ven biển có nguồn cơn từ lượng nước thượng nguồn sông Mê Công về ít ỏi, đã hạn còn thiếu dự trữ. Lại khi biến đổi khí hậu mà theo ông Tính, so với chục năm trước, nước biển bây giờ cao hơn khoảng 0,4 mét. Triều cường là sóng dữ dội, dải rừng xung yếu rộng trăm mét trước biển, bị xói lở mất 20%. 

Vợ chồng ông từ tỉnh Nam Định vô đây lập nghiệp, mấy chục năm dựa vào rừng và biển mà gầy dựng nên một gia đình hạnh phúc, yên ấm. Ông thấp đậm, vâm vạc dáng đương đầu sóng gió, còn bà xinh đẹp nét đảm đang quán xuyến. Khuôn mặt của ông chợt buồn thăm thẳm: “Nếu rừng mất thì chúng tôi chẳng còn biết đi đâu?”.

Lo an ninh sinh thái

Xã hội đang bàn nhiều đến giải pháp công trình. Ở xã Thạnh Trị (Bình Đại, Bến Tre) cách biển chục cây số, năm 2000-2002 đã xây dựng cống đập Ba Lai hơn 84 tỷ đồng, chặn một trong chín cửa sông Mê Công để “ngọt hóa” vùng đất phía trên. Tổ trưởng quản lý cống đập Trần Hữu Hiệp cho biết, năm nay, nước trên cống đập cũng có độ mặn 5,5 g/lít, do nước biển vô từ nhiều ngả “tập hậu”.

Ở chân cống đập có ông Đinh Hồng Điệp 38 tuổi, dân xã Thạnh Trị, đang vung chài bắt cá. Ông chỉ bắt cá mạn dưới, không lên phía “ngọt hóa” mạn trên và giải thích: “Trên đó ít cá lắm”. Xa xa theo dòng sông, mạn dưới thấy có thuyền đánh cá còn mạn trên, vắng hoe. Ở vùng “ngọt hóa” lại nhiều ao nuôi tôm.

 Qua xã Thạnh Trị đến xã Bình Thới, gia đình bà Nguyễn Thị Thu Hà ở ấp 4, nuôi tôm công nghiệp gần 2 ha. Bà kể, nuôi tôm đã 18 năm, trước kia thuận lợi nhưng từ ngày “ngọt hóa” lại khó khăn, phải khoan giếng lấy nước mặn. “Nước sinh hoạt thì chúng tôi xây bể trữ nước mưa, còn nước sông tù đọng nhơn nhớt, tanh tanh không xài được”, bà nói.

Tiến sỹ Dương Văn Ni cho rằng: “Với giải pháp công trình, muốn xây cống, đắp đê ở đâu cần hỏi dân và nếu khuyến khích được tư nhân đầu tư càng tốt”. Thiên tai hạn mặn khốc liệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã thẳng băng sát hạch “công cuộc chinh phục ĐBSCL” mấy chục năm qua, tốt xấu rõ ra cả. 

Nhận thức về tài nguyên thiên nhiên, quản lý và xử lý nó qua thử thách cũng mở ra những không gian hoạt động mới. Tiến sỹ Lê Anh Tuấn ở Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu của Trường Đại học Cần Thơ nói, cần cán bộ quản lý nhà nước có kiến thức đảm bảo an ninh sinh thái (không chỉ nghĩ đến lúa), làm nền tảng đảm bảo an ninh môi trường và xã hội để ĐBSCL phát triển bền vững.

Vòng quanh xứ “Làm chơi ăn thiệt” ảnh 2

Ông Đinh Hồng Điệp tung chài dưới cống đập Ba Lai.

Theo phà vượt cửa Trần Đề, từ tỉnh Sóc Trăng sang Trà Vinh, Tiến sỹ Tuấn cho biết cửa sông rộng 18 km, thiên nhiên thật hùng vĩ, cũng đồng nghĩa tan biến giấc mơ cống đập ngăn mặn.

 Ông Tuấn giải thích: Năng lượng thủy triều ở đây rất lớn vì chênh lệch đến 4 mét, nhưng vẫn thua dòng sông Mê Công có lượng phù sa khổng lồ đã bồi đắp nên ĐBSCL vựa lúa và thủy sản của thế giới. 

“Chục năm qua, khi Trung Quốc xây đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công và các nước khác xây đập dòng nhánh thì lượng phù sa về ĐBSCL đã giảm hơn 50%”, ông Tuấn thở dài.

“Thiếu nước sông còn có nước mưa chứ thiếu phù sa bồi đắp là ĐBSCL sẽ bị thủy triều đánh tan rã. Hình thành qua 6.000 năm nhưng xói lở mất có khi chỉ vài trăm năm”, chuyên gia nghiên cứu sông Mê Công Nguyễn Hữu Thiện nói.

ĐBSCL là một phần của cơ thể lưu vực sông Mê Công ngàn dặm, để giữ gìn cần nỗ lực của các quốc gia liên quan. Trong hành trình gian nan tồn tại thời chuyển mùa thế kỷ, ĐBSCL càng phải thận trọng tác động vào thiên nhiên, để tăng sức chống chịu cho nó, theo nguyên tắc “không hối tiếc”, ông Thiện
nhấn mạnh. 

Theo các chuyên gia IUCN, vùng ĐBSCL thanh bình nhờ sự điều hòa của 3 túi trữ lũ mùa mưa, tưới tắm mùa khô: Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên và Biển Hồ bên Campuchia. Quá trình phát triển lúa vụ 3 đã đắp hàng nghìn ô đê bao khép kín, làm giảm khả năng trữ lũ và chống hạn. Chẳng hạn, trữ lũ của Tứ giác Long Xuyên năm 2000 là 9,2 tỷ mét khối, đến năm 2011 chỉ còn 4,7 tỷ. Bây giờ nghĩ về tương lai, không nên chống lũ và mặn bằng những giải pháp tình thế nữa mà cần thích ứng với thiên nhiên để bền vững.


MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.