Đua tung vốn rẻ
Theo đại diện một số NHTM, nguồn vốn trong hệ thống ngân hàng hiện đang dư thừa cả trăm ngàn tỷ đồng. Với những khách hàng lý lịch tốt, ngân hàng sẵn sàng cho vay với chính sách đặc biệt, chỉ từ 5%-8,5%/năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải đáp ứng một số tiêu chí nhất định như phải chuyển dòng tiền mua bán hàng hóa sang giao dịch tại ngân hàng hoặc phải cam kết bán lại ngoại tệ sau khi thực hiện xuất khẩu.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết, đã dành 2.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất thấp nhất 8%/năm đối với khách vay tiền VNĐ hoặc 3,8%/năm đối với USD trong 3 tháng đầu tiên. Để hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với khách hàng, ngân hàng BIDV dành 5.000 tỷ đồng cho vay các khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh vay sản xuất kinh doanh với mức lãi suất 8%/năm trong tháng đầu tiên hoặc lãi suất 9,5%/năm trong 3 tháng đầu tiên.
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng tung gói tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và hộ kinh doanh cá thể với số tiền 4.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay tối thiểu từ 8,5%/năm.
Cùng với các gói cho vay ưu đãi, nhiều ngân hàng tiếp tục giảm thêm lãi suất huy động. Như tại Eximbank, sau hai lần cắt giảm lãi suất huy động ngắn hạn, Eximbank bắt đầu giảm lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6-13 tháng. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm từ 7,1%/năm xuống 7%/năm, 9 tháng từ 7,3%/năm xuống 7%/năm.
Ngân hàng Sacombank thông báo giảm lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 – 3 tháng xuống còn 6 – 6,6%. Techcombank cũng giảm lãi suất kỳ hạn một tháng lãnh lãi cuối kỳ còn 6,55%/năm. Với nhóm kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng, Vietcombank hiện là ngân hàng có mức lãi suất huy động thấp nhất, 5% - 6,8%năm. Tuy nhiên, mức lãi suất huy động ở mức cao hơn vẫn được áp dụng tại các ngân hàng nhỏ và một số ngân hàng vừa mới thực hiện tái cơ cấu như Nam Á Bank, PvcomBank, An Bình Bank...
Giảm lãi suất do thừa vốn
Về việc ngân hàng hạ lãi suất huy động và tung ra các gói lãi suất thấp, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, NHNN cho biết, vốn dư dả nhưng việc cho vay lại của các ngân hàng đang rất chậm. Tính đến ngày 20/2, tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế giảm 1,66% so với cuối năm 2013. Trong đó, tín dụng bằng VND giảm 1,94%.
“Lãi suất cho vay của các ngân hàng phụ thuộc vào giá vốn đầu vào, chiến lược lợi nhuận cũng như chiến lược kinh doanh của từng ngân hàng. Vì vậy trong bối cảnh nguồn vốn dư dả, các ngân hàng có thể điều chỉnh lãi suất cho phù hợp”, bà Hồng cho biết.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các ngân hàng mạnh tay hạ lãi suất huy động xuất phát từ việc các ngân hàng được hưởng lợi từ nguồn vốn giá rẻ nằm trong tài khoản của các chủ thẻ. Điều này thể hiện qua các số liệu từ Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, Việt Nam có khoảng 46,8 triệu tài khoản thanh toán - tài khoản tiền gửi cá nhân không kỳ hạn, tăng hơn 2 triệu tài khoản trong 3 tháng cuối năm.
Đến cuối quý IV/2013, số dư tiền gửi của toàn hệ thống đạt hơn 115.000 tỷ đồng. Tính trung bình mỗi quý, số dư tiền gửi của các tài khoản thanh toán thường đạt khoảng 100.000 tỷ đồng và chỉ được hưởng lãi suất tối đa 2% (lãi suất không kỳ hạn). Nhờ nguồn vốn rẻ này, các ngân hàng có thêm điều kiện giảm lãi suất.
Tiếp cận vốn rẻ: Không dễ
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan cho biết, từ khá lâu Cty không thực hiện những khoản vay với số tiền lớn, kỳ hạn dài. Do được xếp vào diện “lý lịch sạch”, thời gian gần đây, Cty liên tục được các ngân hàng chào mời vay vốn với lãi suất cho vay rất ưu đãi. “Có những ngân hàng chào Cty cho vay lãi suất ở mức chỉ 6%/năm. Đây là mức mà không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận được. Chúng tôi được chào giá rẻ như vậy do ngân hàng nắm đằng chuôi, biết chúng tôi có khả năng trả nợ nhanh, nguồn tài chính lành mạnh. Còn với doanh nghiệp có “tiền sử” nợ xấu, đây chỉ là mức lãi suất trong mơ”, ông Mười cho biết.
“Trừ phi ngân hàng chấp nhận không cần tài sản đảm bảo, thế chấp thì doanh nghiệp mới có thể tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ này. Nhưng chắc chắn điều này là không thể”.
Ông Đỗ Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch hội doanh nghiệp trẻ Hải Dương
Ông Đỗ Mạnh Tuấn, Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Hải Dương cho rằng, việc đưa ra các gói tín dụng giá rẻ trong bối cảnh hiện nay không giúp được nhiều cho các ngân hàng trước áp lực dư vốn. Dù giá cho vay có rẻ nhưng doanh nghiệp hầu như không có nhu cầu vay do hàng hóa sản xuất ra, nhưng không bán được vì sức mua yếu.
“Với doanh nghiệp có hồ sơ tốt cũng khó có thể tiếp cận do phần lớn hàng hóa, tài sản đã được thế chấp trước đó ở các ngân hàng. Vậy, dù nhìn thấy nguồn vốn giá rẻ nhưng doanh nghiệp vẫn khó có thể tiếp cận được”, ông Tuấn phân tích.
Đại diện một ngân hàng cổ phần vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng ở Hà Nội cho rằng, việc cho vay vẫn chặt do nhiều yếu tố. Lãi suất cho vay không còn là vấn đề cốt yếu do vốn đang dư dả và ngân hàng không thể ôm mãi tiền để chờ cho vay giá cao. Chính vì vậy, dù có các gói tín dụng giá rẻ nhưng điều kiện vay rất khắt khe.
Vị này cũng cho rằng, vốn huy động của các ngân hàng từ đầu năm đến nay có tăng nhưng chỉ tập trung chủ yếu ở nhóm ngân hàng có tiềm lực mạnh. “Với các ngân hàng nhỏ, áp lực huy động vốn, cạnh tranh giữ khách vẫn có nên mức lãi suất huy động của các ngân hàng nhóm này vẫn cao hơn hẳn. Cùng đó, việc tăng trích lập dự phòng cũng buộc các ngân hàng này phải giữ mức lãi suất huy động cao để gọi vốn”, ông phân tích.