Voi Cu Sứt và kế hoạch cứu hộ lần thứ hai

Cảnh cắt dây trói để thả Cu Sứt về rừng năm 2013
Cảnh cắt dây trói để thả Cu Sứt về rừng năm 2013
TPO - Sau hơn 6 năm được cứu hộ rồi thả về rừng, voi Cu Sứt gần đây đã tái hiện giữa vùng rừng 2 tỉnh Đắk Lắk-Đắk Nông với cái chân đau. Hiện Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk đang chuẩn bị triển khai kế hoạch cứu hộ lần thứ 2 chú voi hoang dã này trong tháng tới.
Voi Cu Sứt và kế hoạch cứu hộ lần thứ hai ảnh 1

Cu Sứt uống nước ngày 22/5/2013. Nước trào qua lỗ thủng trên chiếc vòi bị thương 

Đúng vào ngày Quốc tế về Đa dạng sinh học 6 năm trước (22/5/2013), voi Cu Sứt ở tuổi lên 5 đã được lực lượng phối hợp giữa Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk (TTBTV) và Vườn Quốc gia Yok Đôn (VQG) tổ chức thả về rừng sau 1 tuần chăm sóc đặc biệt.

Voi Cu Sứt khi đó khoảng 5 tuổi, vòi bị bẫy cặp kẹp cứng. Bàn chân trái của voi cũng bị sợi cáp của một chiếc bẫy thòng lọng siết chặt, nhiễm trùng nặng. Voi sợ hãi lẩn trốn nên đoàn cứu hộ gồm cả chục cán bộ nhân viên của 2 đơn vị VQG, TTBTV cùng các nài voi giỏi và 1 cặp voi to lớn đã thuần dưỡng phải lùng sục, bao vây cả tuần lễ mới dong được voi bị thương về, cột vào thân cây cổ thụ sau trạm kiểm lâm số 9 để cứu chữa, và gọi nó một cách âu yếm là voi Cu Sứt. 

Voi Cu Sứt và kế hoạch cứu hộ lần thứ hai ảnh 2
Voi Cu Sứt và kế hoạch cứu hộ lần thứ hai ảnh 3 Nài voi Y Mức dũng cảm cưỡi lên lưng voi rừng Cu Sứt để cắt đứt các múi dây trói

Cuộc điều trị công phu được 8 ngày, các vết thương chưa lành hẳn, thì lại có 1 đàn voi hoang kéo về. Cảnh giác khả năng đàn voi rừng có thể tấn công khu điều trị để cứu Cu Sứt, lực lượng phối hợp đã phải quyết định thả lại Cu Sứt về rừng, với hy vọng môi trường tự nhiên có thể giúp Cu Sứt lành hẳn các vết thương.

PV Tiền Phong được chứng kiến và chụp ảnh toàn bộ quá trình nài voi Y Mức dũng cảm cưỡi lên lưng Cu Sứt để cắt đứt các múi dây trói trên gáy nó trong sự bảo vệ và dỗ dành khôn ngoan của bà voi bảo mẫu Bun Khăm. Rồi Cu Sứt chạy nhanh vào rừng sau khi được thả.

Voi Cu Sứt và kế hoạch cứu hộ lần thứ hai ảnh 4
Voi Cu Sứt và kế hoạch cứu hộ lần thứ hai ảnh 5 Cu Sứt chạy nhanh vào rừng sau khi được thả

Từ tháng 3 năm 2019, Trung tâm bảo tồn voi lại phát hiện Cu Sứt lại quay về, thường kiếm ăn trong rừng với một bà voi già khoảng 60 tuổi tên H’Non, thuộc sở hữu của một hộ dân ở huyện Buôn Đôn. Voi hoang Cu Sứt hiện khoảng 10 tuổi, là voi đực trưởng thành, có ngà. Với vết thương vẫn còn đau ở chân, nếu bị gây khó chịu, voi Cu Sứt có thể  xung đột tấn công người.

Trung tâm bảo tồn Voi đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền tới chính quyền và dân cư các xã nơi voi Cu Sứt thường về như xã Ea Wer- huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk), xã Ea Pô, xã Đăk Wil- huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông) thường xuyên cảnh giác và đề phòng voi rừng tấn công hoặc phá hoại hoa màu, nhằm giảm thiểu thiệt hại hoặc nguy hiểm có thể xảy ra.

Voi Cu Sứt và kế hoạch cứu hộ lần thứ hai ảnh 6
Voi Cu Sứt và kế hoạch cứu hộ lần thứ hai ảnh 7 Ảnh voi Cu Sứt được TTBTV chụp được trong rừng ngày 8/4/2019

Từ cuối tháng 4 đến nay, TTBTV đã phối hợp với các chuyên gia của Tổ chức Động vật châu Á, nhóm VEI (Sáng kiến cho voi VN) lên Kế hoạch cứu hộ Cu Sứt để chữa thương, vận động các tổ chức tài trợ kinh phí để triển khai kế hoạch cứu hộ.

Chiều ngày 24/11/2019, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Huỳnh Trung Luân-Giám đốc TTBTV cho biết nếu mọi việc thuận lợi, kế hoạch cứu hộ voi Cu Sứt lần thứ hai được lãnh đạo tỉnh thông qua, thì cuộc cứu hộ này sẽ được thực hiện ngay trong tháng 12, bằng cách lập khu điều trị dã chiến giữa rừng, các chuyên gia quốc tế sẽ tham gia bắn thuốc mê, chữa vết thương cho voi Cu Sứt ngay tại vùng rừng mà nó thường lui tới.

Voi Cu Sứt và kế hoạch cứu hộ lần thứ hai ảnh 8 So với ảnh Cu Sứt đã có cặp ngà cân xứng dài hơn 2 tấc từ năm 2013
So sánh những bức ảnh Cu Sứt mới được TTBTV chụp gần đây, với bộ ảnh "Thả voi Cu Sứt về rừng" tôi chụp năm 2013, tôi phát hiện chi tiết lạ là cặp ngà voi từ đó tới bây giờ vẫn không dài hơn trước. Liệu đây có đúng là Cu Sứt năm 2013 đã được thả về rừng không? Tôi hỏi lại cán bộ nhân viên TTBTV, ai cũng công nhận điều này thật lạ lùng, nhưng vì sao thì hiện chưa ai lý giải được, phải chờ đến đợt giải cứu tháng tới, các chuyên gia mới có thể xem xét vì sao, liệu có sự nhầm lẫn nào hay không.
MỚI - NÓNG