Đã có những công trình nghiên cứu cho thấy Việt Nam từng là quê hương từ nghìn xưa của nhiều loài voi. Theo tiến sĩ khảo cổ Vũ Thế Long, ngày nay thế giới chỉ còn 2 nhóm voi chính là voi châu Á và voi châu Phi.
Tuy nhiên, những hóa thạch xương voi thu thập được trên khắp khu vực Đông Nam Á, các địa phương Lạng Sơn, Yên Bái, Hòa Bình, Nghệ An, Hải Phòng, Hà Nội, Thanh Hóa… cho thấy, ít nhất từ 10 đến 30 vạn năm trước, nơi đây đã từng tồn tại nhiều loài voi khác nhau, như voi răng kiếm, voi mặt răng hình quả trám và voi châu Á cổ. Đó là tổ tiên trực tiếp của voi nhà hiện nay.
Độc đáo nghề thuần dưỡng voi
Một điều đặc biệt, là tới nay, voi châu Phi vẫn chưa từng được thuần dưỡng. Chỉ có voi châu Á (Elephas maximus) với đức tính thông minh, trung thành, từ hàng nghìn năm trước voi đã chịu dạy dỗ để trở thành bạn quý của con người. Sử Việt từng đánh dấu ít nhất 2 thiên niên kỷ cho nghề thuần dưỡng voi ở nước ta, bằng việc ghi công những đoàn tượng binh tham gia chiến trận, vận chuyển quân lương suốt từ thời Hai Bà Trưng (năm 40-43 sau Công nguyên), cho đến thời Bà Triệu, rồi đời Lê, đời Trần, gần hơn là nghĩa quân Tây Sơn, sang 2 cuộc kháng chiến trường kỳ với những đoàn voi cõng đạn chở pháo nghìn dặm trên đường mòn Hồ Chí Minh, góp công không nhỏ vào Đại thắng mùa xuân, thống nhất đất nước.
Chiến tranh kết thúc, voi vẫn tiếp tục kéo gỗ, cày ruộng, xuyên rừng với kiểm lâm, cùng con người xây dựng cuộc sống ấm no trong những buôn làng hẻo lánh. Vóc dáng đồ sộ, thế bước mềm mại uy nghi của voi tạo nên vẻ trang trọng cuốn hút cho các lễ hội sôi động từ vùng cao cho đến đồng bằng. Voi còn có thể trổ tài khéo trong vai diễn viên xiếc, dù bất đắc dĩ, lưu diễn khắp phố thị, miền quê.
Tiếc thay, sự gia tăng dân số quá nhanh cùng những nhu cầu sinh sống, hưởng thụ ngày càng phá vỡ thế cân bằng sinh học do con người gây ra, đã ngày càng lấn át quyền được cộng sinh của muôn loài, mà voi đứng đầu danh sách. Số voi còn lại ngày càng co cụm lên cao nguyên miền Trung. Và rồi ngay tại Tây Nguyên, một trong những cái nôi của nghề săn bắt thuần dưỡng voi rừng, đàn voi cũng ngày càng thưa thớt. Năm 1985, Tây Nguyên còn hơn 500 con voi nhà. Sau 3 thập kỷ, danh sách voi thuần dưỡng đến giờ chỉ còn vẻn vẹn 45 con. Trong đó, phần lớn là voi già yếu, bệnh tật, không còn khả năng sinh sản.
Trong ký ức nhiều già làng Tây Nguyên, thời trai trẻ oai hùng của họ gắn liền với những chuyến săn voi long trời, lở đất. Điển hình là chuyện đời Ama Kông gắn liền với con số 298 thớt voi mà ông đã từng săn bắt. Lễ sinh nhật mừng ông tròn trăm tuổi, phóng viên báo Tiền Phong về dự, không khỏi cám cảnh khi thấy người được mệnh danh là Vua Voi buồn bã ngắm những con voi lớn nhỏ tô đắp bằng xi măng cả trước lẫn sau nhà. Tại bởi sau quãng đời dài hào phóng ăn chơi với những cuộc tình éo le tốn kém, ông phải bán lần lượt hết số voi săn được, Vua Voi cũng chả còn sở hữu con voi nào!
Lần đầu tiên một lễ hội lớn tổ chức tại xứ voi Đắk Lắk mà công chúng không còn thấy đàn voi uy nghi diễu hành, chính là Lễ hội cà phê lần thứ V vừa diễn ra vào tháng 3/2015 tại Buôn Ma Thuột. Du khách đến với lễ hội chỉ nhìn thấy 4 con voi huyện Lắk về phố lầm lũi quảng bá cho mặt hàng cà phê voi. Sự bất thường này càng làm tăng phần nghi ngại, e rằng không bao lâu nữa, voi nhà chỉ còn trong truyền thuyết…
Trả đại ngàn an lành cho voi hoang dã
Kết quả thu thập, nghiên cứu của nhóm tác giả “Đề án tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013-2020” cho thấy nếu không có những biện pháp bảo tồn tích cực, voi châu Á sẽ bị tuyệt chủng.
Năm 1980, ước tính số voi hoang dã còn khoảng trên 1.500 con, vùng phân bố hầu như khắp cả nước. Đến nay, trên phạm vi toàn quốc hiện chỉ còn khoảng 10 khu vực được xác định có voi sinh sống với số lượng ước tính khoảng 70 - 130 con. Phần lớn số voi này phân bố trong các vùng rừng giáp biên dọc biên giới Việt - Lào và Campuchia. Số lượng cá thể và quy mô đàn lớn nhất chủ yếu tập trung tại Vườn quốc gia Pù Mát (tỉnh Nghệ An), Vườn quốc gia Yok Đôn (tỉnh Đắk Lắk) và Vườn quốc gia Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai).
Con mắt hỏng của voi cái Y Khun. Ảnh: HTN
Đề án ghi nhận báo cáo gần nhất về sự xuất hiện sau cùng của 1 con voi lẩn vào rừng sâu huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La là từ năm… 2004. Tỉnh Lâm Đồng từ sau vụ 2 con voi hoang phá hoại chốt bảo vệ rừng Tiểu khu 581B phía Nam huyện Đạ Hoai năm 2008, không tìm thấy dấu vết gì của đôi voi này nữa. Tại Hà Tĩnh, lãnh đạo Vườn quốc gia Vũ Quang cho rằng, nếu không có biện pháp khẩn cấp giúp 3 con voi cái cuối cùng tái nhập đàn, thì không tránh khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Đầu năm 2011, tỉnh Quảng Nam cấp báo phát hiện tại vùng Nà Lau, huyện Nông Sơn 2 voi chết thối.
Ngay đối với 3 tỉnh được Đề án tập trung đầu tư, tình trạng voi hoang dã cũng không hẳn khả quan. Tại Nghệ An, thông tin về voi được cập nhật cho tới tháng 6 năm 2011, với sự cố đàn voi 5 con xuất hiện tấn công 3 người trồng rừng ở huyện Anh Sơn, làm 1 người chết. Số voi hoang dã của tỉnh Đồng Nai nhiều hơn, khoảng 10 đến 15 cá thể, liên tục xảy ra xung đột giữa voi với người trên địa bàn nhiều xã thuộc các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, gây nên những cái chết thương tâm của cả người lẫn voi.
Vùng rừng giáp biên giới phía Tây tỉnh Đắk Lắk được các nhóm chuyên gia khảo sát xác nhận là nơi còn nhiều voi nhất, khoảng 10 đàn, tổng số ước 100 con sống trong Vườn quốc gia Yok Đôn, Cty Lâm nghiệp Ea H’ Mơ, Cty Lâm nghiệp Chư Pả. Điều đáng lo ngại là số voi đực trưởng thành còn rất ít, do hàng chục con trong vài năm gần đây bị bắn chết lấy ngà. Các vụ bắn voi đều không tìm ra thủ phạm, khiến dư luận bức xúc, bất bình.
Làm sao cho voi đẻ?
Voi cái trẻ nhất đàn voi nhà có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần và dị tật ở chân. Ảnh: HTN
Là người yêu voi, am hiểu nghề săn bắt, nuôi dạy voi từ truyền thống gia đình lập nghiệp ở Buôn Đôn qua nhiều thế kỷ, từng nhiệt tình đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho nhóm chuyên gia thực hiện đề tài nghiên cứu bảo tồn voi nhà do giáo sư Lê Huy Bá làm chủ nhiệm theo đặt hàng của tỉnh Đắk Lắk 9 năm trước, nhưng đến nay, ông Voong Nhi Ksơr - Bí thư Huyện ủy huyện Buôn Đôn lại không chút hào hứng khi nghe tôi hỏi nghĩ gì trước tin vui đề án bảo tồn voi sắp nhận được nguồn kinh phí đầu tiên từ trung ương rót về. Là đồng nghiệp thân thiết từ thời công tác Đoàn, trên đường ra sân bay vội vã, ông chỉ nhắn lại ngắn gọn: “Anh đã nói rồi, dự án này khó khả thi, vì đàn voi nhà đã mất khả năng sinh sản”.
Theo số liệu của Trung tâm Bảo tồn Voi, hơn nửa số voi nhà của tỉnh Đắk Lắk hiện vẫn còn ở độ tuổi “tráng niên”, từ 35 đến 45 tuổi. Và trong ba thập kỷ trở lại đây, voi nhà vẫn có 7 lần sinh hạ. Tuy nhiên, nhận định khá bi quan của ông Voong Nhi Ksơr là có cơ sở, căn cứ vào thực trạng đàn voi bây giờ.
Bốn mươi lăm con voi nhà tại Đắk Lắk hiện nay, tất cả đều chịu cảnh xiềng xích. Phần lớn trong số này thuộc các hộ cá thể, ngày ngày phải chở khách tham quan du lịch, hoặc vận chuyển hàng hóa nông sản. Chẳng có con nào diện mạo hoàn hảo, bởi chót đuôi nếu không bị lũ trộm chặt đứt thì cũng bị cắt trụi lông, ngà thường xuyên bị cưa ngắn để tránh tầm dòm ngó của bọn bất lương sẵn sàng giết voi để trục lợi. Voi cái Y Khun đang làm bảo mẫu cho voi Cu Sứt Em đã già, lại hỏng 1 mắt.
(Còn nữa)
Thạc sĩ thú y Nguyễn Công Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, cho biết, con voi trẻ khỏe từng được hy vọng về khả năng sinh sản trong lũ voi nhà là một nàng voi về từ Đồng Tháp, hiện sống ở khu du lịch sinh thái Đray Sap. Tháng 8/2014, bà Chủ tịch Hiệp hội Voi Mỹ, tiến sĩ thú y Susan, khám sức khỏe cho nàng voi này, phát hiện không những nó đã bị tật nặng ở cổ chân bên phải, mà còn có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, có thể do hoàn cảnh sống quá nghiệt ngã trước đây.