'Vỡ tiến độ', vì đâu?

TP - Hàng loạt giải pháp về giảm ùn tắc giao thông, quản lý phương tiện của Thủ đô đang gặp nhiều vướng mắc.

Thống kê của Sở GTVT Hà Nội vừa qua cho thấy, trong 37 điểm ùn tắc đang tồn tại nhức nhối thì có đến 13 điểm là tái diễn ùn tắc, trong đó có các điểm đã từng được giải tỏa bằng cầu vượt thép như Lê Văn Lương - Láng Hạ, Láng - Nguyễn Chí Thanh…Tình trạng ùn tắc xảy ra liên miên trên hàng loạt các tuyến phố. Mỗi năm khoảng 27 nghìn phương tiện đăng ký mới gồm ô tô, xe máy, xe đạp điện. Đó là chưa kể lượng phương tiện rất lớn từ các tỉnh đổ về Hà Nội mỗi ngày.

Trong khi đó, hàng loạt giải pháp về giảm ùn tắc giao thông, quản lý phương tiện của thành phố đang gặp nhiều vướng mắc. Ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Hà Nội cho biết trong hàng loạt nội dung của Đề án Quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc được HĐND TP thông qua cách đây 1 năm đang “vỡ tiến độ”.

Trong đó, 7 nhóm giải pháp UBND thành phố vừa phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội xem xét điều chỉnh Luật, quy định. Tiến độ của các nhóm giải pháp này, trong đó có một số nội dung rất quan trọng là thu phí lưu hành phương tiện vào nội đô, phí phụ thu ô nhiễm môi trường thông qua đăng kiểm, quản lý các loại xe điện như phương tiện giao thông… hoàn toàn phụ thuộc vào các cơ quan cấp trên phê duyệt khi nào! 

Trao đổi với PV Tiền Phong, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính khẳng định, nếu phương tiện cá nhân gia tăng như hiện nay, bộ mặt đô thị của Thủ đô sẽ hết sức nhếch nhác và ùn tắc sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Hà Nội phải quyết liệt hơn trong phát triển giao thông công cộng như tàu điện ngầm, xe buýt nhanh và các công trình hạ tầng giao thông. “Tôi rất buồn vì hàng loạt dự án đường sắt đô thị triển khai cả chục năm vẫn chưa thể đón khách, chậm tiến độ liên miên”, ông Chính cho hay. 

Còn nhớ, trong phiên họp Ủy ban thường vụ quốc hội vào tháng 12/2016, cho ý kiến về việc ban hành nghị định mới của Chính phủ thay thế 2 Nghị định 123 và 112 về cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù với Thủ đô, đại diện lãnh đạo Hà Nội cho biết, 5 năm trước TP tăng trưởng kinh tế bình quân 9,23%, đầu tư vào hạ tầng chỉ 4%, di dân tự do trung bình 1,4%. Năm nay di dân tăng 1,9%, tốc độ phương tiện tăng 17%.

Vị này nhận định, ùn tắc giao thông trong những năm tới đang như một “thảm họa tiến gần”. Theo lãnh đạo Hà Nội, lâu nay dư luận phê phán Hà Nội xây nhà cao tầng gây ùn tắc nhưng nếu không xây thì không có đất cho dân ở. Vấn đề chính ở đây là hệ thống giao thông, tàu điện ngầm. Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo thành phố cũng cho biết Hà Nội đã quy hoạch 8 tuyến tàu điện ngầm chiều dài hơn 300km nhưng tiến độ triển khai rất chậm so với yêu cầu.

Khắc phục ùn tắc giao thông là công việc hết sức khó khăn, cần sự tham gia của nhiều cơ quan, bộ ngành. Tuy nhiên, với thực trạng triển khai như vừa qua, liệu có tình trạng nửa vời trước "thảm họa" cận kề? Ai phải chịu trách nhiệm trước thực trạng chậm trễ này?

MỚI - NÓNG