Hơn mười năm trước, khi ngành thủy sản nhập giống cá nước lạnh từ nước ngoài về nuôi thử nghiệm, Lâm Đồng là một trong số ít địa phương trong cả nước được chọn để triển khai. Kết quả, Lâm Đồng được đánh giá là vùng đất phù hợp nhất của Việt Nam trong việc triển khai nuôi cá nước lạnh thương phẩm với 2 giống cá chủ yếu là cá tầm và cá hồi vân.
Theo quy hoạch, đến năm 2015 này, Lâm Đồng sẽ đạt sản lượng cá nước lạnh 1.500 tấn (gồm 500 tấn cá hồi và 1.000 tấn cá tầm), diện tích mặt nước nuôi thả khoảng 75ha; và, con số này của năm 2020 sẽ là 3.000 tấn (gồm 1.000 tấn cá hồi và 2.000 tấn cá tầm), diện tích mặt nước tăng gấp đôi so với năm 2015. Với sự tham gia tích cực của nhiều doanh nghiệp, sản lượng cá nước lạnh của Lâm Đồng từ con số không ban đầu đã nhanh chóng đạt 500 tấn vào năm 2013.
Nếu thuận buồm xuôi gió thì con số 1.500 tấn vào năm 2015 theo quy hoạch không phải là mức phấn đấu ngoài tầm tay với của tỉnh. Thế nhưng, 2014 vừa qua lại là năm có nhiều biến động bất lợi cho nghề nuôi cá nước lạnh ở Việt Nam.
Có nhiều thời điểm, cá nước lạnh cùng chủng loại của Trung Quốc được nhập về ồ ạt với giá chỉ bằng một phần ba, hoặc thấp hơn nữa, so với giá cá trong nước khiến cho nhiều doanh nghiệp điêu đứng. Từ đây, nghề nuôi cá nước lạnh của Việt Nam và của Lâm Đồng có dấu hiệu khựng lại và bắt đầu... lao xuống dốc đến tận nay.
Suốt năm 2014, Lâm Đồng phấn đấu mãi cũng chỉ đạt sản lượng 550 tấn cá nước lạnh. Tiếp đến, từ đầu năm 2015 đến nay (cuối tháng 4 đầu tháng 5/2015), nhiều doanh nghiệp đã phải “bỏ của chạy lấy người” vì càng nuôi càng lỗ - hiện ước tính đã có khoảng trên dưới 15 doanh nghiệp nuôi cá nước lạnh ở Lâm Đồng đã “bỏ nghề” hoặc chỉ nuôi cầm chừng.
Như vậy, mục tiêu 1.500 tấn cá nước lạnh của Lâm Đồng theo quy hoạch đang dần trở thành con số xa vời; và 3.000 tấn vào năm 2020 có thể sẽ là con số viển vông. Rất có thể dự án cá nước lạnh của Lâm Đồng sẽ bị phá sản!
Hiện ước tính đã có khoảng trên dưới 15 doanh nghiệp nuôi cá nước lạnh ở Lâm Đồng đã “bỏ nghề” hoặc chỉ nuôi cầm chừng.