Vỡ mộng giao rừng cho doanh nghiệp

Cao su trồng tại huyện Ea Súp (Đắk Lắk) bị chết khô
Cao su trồng tại huyện Ea Súp (Đắk Lắk) bị chết khô
TP - Từng kỳ vọng tạo cú hích phát triển kinh tế, nhiều tỉnh ở Tây Nguyên ồ ạt chuyển đổi hàng trăm nghìn ha rừng nguyên sinh sang trồng cây công nghiệp. Bút phê chưa kịp ráo mực, rừng tự nhiên đã bị triệt hạ…

"Giao trứng cho ác"

Tại huyện Ea Súp (nơi có nhiều dự án chuyển đổi rừng khộp sang cây cao su nhất nhì tỉnh Đắk Lắk), PV Tiền Phong tận thấy nhiều diện tích cao su kém phát triển, có nơi cây chết đứng trơ trọi. Ông Nguyễn Ngọc Luật, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Bung (huyện Ea Súp, Đắk Lắk) cho biết, trên địa bàn có hơn 10 doanh nghiệp tư nhân được UBND tỉnh cho thuê đất, thuê rừng thực hiện dự án trồng rừng; trồng cao su, cây ăn quả; khoanh nuôi bảo vệ. Đến nay sau gần 10 năm, nhưng dự án triển khai rất chậm, không mấy khả quan. Diện tích trồng cao su, keo lai kém phát triển hoặc chết; doanh nghiệp không chăm sóc, trồng lại.

Tình cảnh trên cũng xảy ra tại xã Ia Jlơi (huyện Ea Súp). Ông Đoàn Trọng Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Jlơi thông tin, trên địa bàn hiện có 4 doanh nghiệp được giao quản lý bảo vệ rừng và trồng cây công nghiệp dài ngày (cao su, cây ăn quả). Trong đó, Cty TM-DV-XNK Hoàng Gia Phát (Cty Hoàng Gia Phát) hoạt động kém hiệu quả nhất. Qua kiểm tra thực tế, nhiều diện tích rừng giao cho đơn vị này quản lý bị xâm chiếm. Công tác phối hợp bảo vệ rừng giữa Cty với chính quyền rất hạn chế.

Số liệu mới nhất từ Đoàn kiểm tra số 188 (thuộc UBND huyện Ea Súp) về công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn năm 2020 cho thấy, huyện này có 9 dự án trồng cao su và quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, lũy kế đến nay, các dự án trồng được 1.628,4 ha cây cao su (giảm 300 ha so với năm 2016); trong năm 2019 không có diện tích trồng mới. Có 3 dự án cây cao su đã chết hoàn toàn. Hầu hết diện tích cao su trồng sinh trưởng thấp. Cá biệt tại một số dự án, chủ đầu tư bỏ mặc hoặc chuyển sang cây trồng khác.

Ngoài ra, huyện Ea Súp có 10 dự án trồng rừng cải tạo và quản lý bảo vệ rừng nhưng đến nay mới được 1.365,4 ha (đạt 31,8% so với quy hoạch); năm 2019, không có diện tích trồng mới. Có diện tích rừng bị chết nhưng doanh nghiệp được giao quản lý không trồng lại như trường hợp dự án của Cty Cổ phần Bảo Ngọc và Cty Hoàng Gia Phát. Diện tích rừng trồng (cây keo lai) sinh trưởng và phát triển ở mức thấp, tỉ lệ cây chết cao, thậm chí một số dự án còn để rừng trồng bị cháy.

Đoàn kiểm tra số 188 đánh giá, hầu hết dự án triển khai chậm tiến độ; nguồn vốn đầu tư rất thấp; đa phần các dự án buông lỏng công tác quản lý bảo vệ rừng, làm ngơ và không ngoại trừ việc có dấu hiệu tiếp tay cho nạn khai thác lâm sản trái phép… Nhiều doanh nghiệp chưa bố trí đủ lực lượng để quản lý, bảo vệ rừng; thậm chí bỏ không từ năm 2016 đến nay. Một số dự án buông lỏng để rừng bị xâm hại, diện tích rừng bị suy giảm lớn, giảm trữ lượng rừng nhưng không báo cáo. Có tình trạng các cổ đông tự ý chia nhau diện tích, sử dụng sai mục đích.

Tại Đắk Nông, bức tranh giao đất, giao rừng cho doanh nghiệp làm dự án cũng ảm đạm không kém (được thể hiện rõ tại Kết luận của Thanh tra chính phủ cuối năm 2019). Theo đó, tỉnh này đã giao hơn 44.520 ha đất cho 52 doanh nghiệp thuê thực hiện 54 dự án nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp buông lỏng quản lý để rừng bị tàn phá, xâm chiếm lớn (Diện tích rừng giao cho các doanh nghiệp trên bị phá tính đến tháng 5/2018 là 6.735,25 ha; 6.501,2 ha đất bị lấn chiếm).

Mất rừng mới lo kiểm điểm

Điều đáng nói, lúc rừng tự nhiên còn nhiều, doanh nghiệp “vẽ” đủ cách để được làm dự án. Khi thất bại, nhiều doanh nghiệp buông lỏng, tìm cách lờ trách nhiệm. Đơn cử, Cty Hoàng Gia Phát được UBND tỉnh Đắk Lắk giao hơn 474 ha rừng (thuộc xã Ea Bung) và hơn 977 ha rừng (tại xã Ia Jlơi) để cải tạo trồng, khoanh nuôi bảo vệ và phát triển rừng. Thế nhưng từ khi được giao đến nay (từ năm 2009), doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả (như Đoàn kiểm tra số 188 chỉ ra). Mới đây, chủ dự án trên cho 1 doanh nghiệp khảo sát, lập hồ sơ làm điện mặt trời.

Cách đây 3 tháng, UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý chấm dứt hoạt động dự án Trồng bông tập trung có tưới tại xã Ya Tờ Mốt của Cty TNHH sản xuất kinh doanh nguyên liệu dệt may Việt Nam (Cty Dệt may). Nguyên nhân do doanh nghiệp không thực hiện như cam kết ban đầu. Chính quyền tỉnh đã giao Sở NN&PTNT tham mưu xử lý trách nhiệm về việc để giảm 92,5 ha rừng tự nhiên. Sự việc kéo dài gần chục năm, dự án bị thu hồi, mất 92,5 ha rừng tự nhiên, Sở NN&PTNT mới vào cuộc. Sở này vừa yêu cầu Cty Dệt may chịu trách nhiệm chính phối hợp địa phương và các đơn vị liên quan lập phương án thu hồi diện tích rừng bị lấn chiếm; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan…

Trong lúc chính quyền đang yêu cầu Cty Dệt may khắc phục hậu quả thì Cty CP Đầu tư và chăn nuôi Ea Súp bất ngờ xuất hiện xin gánh trách nhiệm.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn chây ỳ nộp nghĩa vụ tài chính sau khi dự án bị thu hồi. Điển hình tại Đắk Nông, Thanh tra Chính phủ chỉ ra các Cty nợ hàng tỷ đồng, như: Cty CP đầu tư xây dựng 59 (nợ hơn 1,1 tỷ đồng); Cty TNHH Bảo Lam (nợ hơn 2,7 tỷ đồng); Cty TNHH Greenfeed (nợ hơn 1 tỷ đồng).

Dự án trồng bông của Cty TNHH sản xuất kinh doanh nguyên liệu dệt may Việt Nam thất bại, 92,5 ha rừng tự nhiên cũng mất theo. Đáng nói, rừng bị chặt phá, lấn chiếm từ năm 2010-2011 (theo Biên bản kiểm tra ngày 18/3/2013) của Đoàn kiểm tra, gồm: Đại diện Sở NN&PTNT, UBND huyện Ea Súp, Hạt kiểm lâm huyện Ea Súp… Kỳ lạ, đoàn kiểm tra không đề xuất cũng như tiến hành các biện pháp xử lý triệt để đối với hành vi vi phạm pháp luật.

MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.