“Vào cuộc quyết liệt như thế nhưng vì sao chỉ trong hơn 1 năm đã có trên 50 căn nhà được xây cất trái phép, chính quyền địa phương có nhận trách nhiệm gì trước tình trạng này không?”, báo Tiền Phong đặt vấn đề.
Trả lời câu hỏi này, ông Lê Nguyên Hoàng nói: “Huyện không vô cảm đến mức không nhận trách nhiệm. Thời gian tới sẽ xem xét, xử lý, rà soát trách nhiệm của các cán bộ có liên quan”.
Ông Hoàng còn cho biết, UBND huyện đang chỉ đạo ban ngành chức năng xây dựng kế hoạch giải tỏa toàn bộ các công trình xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp.
Chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra
Trả lời câu hỏi của phóng viên Tiền Phong vì sao Điện lực Đà Lạt cấp điện cho các hộ ở ngôi làng này khiến việc xây dựng trái phép trở nên rầm rộ, phức tạp hơn; ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lâm Đồng nói: “Ông T.H.H (người được cấp điện) đã có hành vi kê khai gian dối trong hồ sơ xin cấp điện”.
Cụ thể, ông T.H.H xin cấp điện để sản xuất nông nghiệp tại thửa đất ở Phường 3, TP.Đà Lạt (có giấy xác nhận của UBND Phường 3) nhưng lại thuê Công ty Minh Cường thi công đường dây và trạm biến áp trên địa bàn xã Hiệp An (huyện Lạc Dương).
Trước khi lắp đặt điện kế để bán điện cho ông T.H.H, Điện lực Đà Lạt có đi kiểm tra thực địa nhưng đây là khu vực giáp ranh giữa TP.Đà Lạt và huyện Lạc Dương nên không phát hiện ra hành vi gian dối của khách hàng. Sau đó, ông T.H.H còn cho trồng trụ hạ thế và kéo đường dây hạ thế phía sau điện kế để cung cấp điện cho các hộ có hành vi xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp.
Trước tình hình đó, đơn vị đã chấm dứt hợp đồng mua bán điện với ông T.H.H; mặt khác, chuyển toàn bộ hồ sơ cho công an để điều tra làm rõ, nếu phát hiện người trong ngành điện sai phạm sẽ xử lý nghiêm.
Theo ông Nguyễn Đức Phúc, Giám đốc Công ty Du lịch sinh thái Phương Nam (đơn vị chủ rừng), sau khi mua đất bất hợp pháp của hàng chục hộ đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ người Kinh đã xây dựng trái phép ngôi làng này, sau đó còn xúi đồng bào dân tộc thiểu số khiếu nại tranh chấp đất với công ty nhằm hợp pháp hóa các thửa đất nói trên.
Ông Nguyễn Văn Minh, Đội trưởng Đội quản lý rừng của công ty tố khổ rằng, khi ngăn 1 hộ dân có tên Nguyễn Thanh H. mua đất bất hợp pháp của một hộ dân, ông đã bị người này dọa đánh. Tương tự, trong lúc ngăn cản Võ Trọng N. mua đất, ông cũng bị vị này đe dọa. Đội trưởng Minh đã viết đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng nhưng không được giải quyết.
Huyện ủy Đức Trọng đã đề nghị UBND huyện yêu cầu công an khẩn trương rà soát, kiểm tra, xử lý các đối tượng cầm đầu kích động, lôi kéo người dân ngăn chặn việc giải tỏa, cưỡng chế các công trình xây dựng trái phép tại khu vực trên. UBND huyện cũng đã chỉ đạo Công an huyện Đức Trọng điều tra làm rõ việc kích động người dân của Nguyễn Thanh H.
Hành vi lấn chiếm đất rừng đã xảy ra trong thời gian dài, còn việc xây nhà trái phép xảy ra phổ biến trong gần một năm nay. UBND xã Hiệp An chỉ mới cưỡng chế giải tỏa 4-5 căn, số còn lại đang lập hồ sơ để giải quyết trong thời gian tới.