Vở kịch chiều

Minh họa: Huỳnh Ty
Minh họa: Huỳnh Ty
TP - Chiều chạng vạng, vừa từ ngoài đồng trở về, tay chân lấm bùn còn chưa kịp xối qua gáo nước, Miền lại tất tả chăm cám đàn heo chục con đang rống thống thiết vì đói. Xong đàn heo, Miền xách hai thùng nước, nai lưng lau 40 mét vuông cái nền nhà xi măng đen thui bụi bẩn. Mỗi lần đem đổ nước đều vẩn đen kìn kịt. Vậy mà nền nhà xem chừng vẫn chưa thực sự mát mẻ.

Lưng đã đau rã rời nhưng Miền chỉ có thể tự mình vòng tay ra sau, đấm đấm bùm bụp mấy cái để đánh lừa cảm giác chùm dây thần kinh nơi đốt sống thắt lưng. Chưa kịp ngơi nghỉ, Miền tiếp tục xoay qua “vận nội công” la ó, tắm táp hết hơi cho hai đứa con đang tuổi nghịch ngợm. Bị mẹ la mắng, hai đứa trẻ lên năm và lên ba sù sụ mặt mày. Nhưng chỉ mươi phút sau chúng lại hớn ha hớn hở cười đùa.

Đàn lợn đã no, nhà đã sạch, hai con cũng đã tạm thơm tho, ấy cũng là lúc Miền bắt đầu dọn mâm cơm tối cho cả nhà quần tụ. Có khi vừa dọn cơm Miền vừa tự so sánh rồi thấy phận mình làm vợ, làm mẹ mà sao lại khổ giống thân trâu, ngựa chứ có giống con người. Và ở chính cái nơi mà người ta vẫn gọi là tổ ấm, Miền lúc nào cũng chỉ thấy tóc tai mình bườm xườm, tả tơi như cái tổ quạ.

Chồng Miền thì khác hẳn. Sau cùng vợ từ đồng ruộng về nhà thì việc đầu tiên là anh tắm rửa rất kỹ lưỡng. Tắm xong mặc bộ quần áo sạch sẽ, xách xe honda lao đi. Nào nhà thằng bạn thân, nhà ông anh họ, quán cà phê tụ tập mấy ông nghiện đánh cờ tướng ở đầu làng. Nói chung ở đâu vui vẻ là anh có mặt, góp cho thiên hạ những câu chuyện tếu táo bất tận.

***

Ngày xưa, lúc 17 tuổi, cũng vì Miền ham thích nghe anh luyên thuyên hết chuyện này đến chuyện vui kia mà thành ra thương nhớ. Anh biết điều đó, lại thấy Miền xinh nhất nhì trong làng nên nói mẹ mang cầu trau ngỏ lời hỏi cưới. Hai nhà cũng neo đơn như nhau, nghèo khó bằng nhau nên chuyện tình của họ chẳng cần vượt qua bất kỳ thử thách chông gai nào.

Hồi chưa con cái, lúc đó Miền cũng chưa tăng gia sản xuất thêm đàn lợn, mà lúc đó mẹ chồng Miền cũng còn khỏe hơn giờ một chút, Miền chẳng mấy khi để ý, so bì công kia việc nọ với chồng. Bố mẹ Miền từng dạy con gái rằng làm đàn bà, chuyện lăn vào việc bếp núc, nhà việc cửa cho chồng được rảnh rang giao du làng xóm một chút cũng là nhẽ thường tình.

Khi đẻ đứa con đầu lòng, Miền mới chợt để ý nhận ra chồng mình dường như chỉ thích giao du, tếu táo với ai đó ngoài căn nhà mình. Đó tuyệt đối không phải Miền, cũng không phải mẹ chồng của Miền. Rồi khi Miền đẻ thêm đứa nữa, nuôi thêm đàn lợn, mẹ chồng yếu đi, Miền chợt nhận ra chồng mình quá sức vô tâm, công việc mình phải làm sao mà nhiều một cách vô lý.

Có lần Miền mới mở miệng, chưa kịp than vãn hết câu thì chồng đã lập tức nạt nộ:

- Đàn bà sao lại toàn đi than vãn những công việc của đàn bà. Đúng là rách việc!

Mười lần như một, nói xong câu là chồng Miền tót lên xe gắn máy, lao đi.

***

Nhà không quá đông người để phải chờ đợi lẫn nhau. Nhưng tất tần tật việc nhà dồn cả trên đôi vai xương xẩu của Miền nên chị chỉ có thể rảnh rang bày biện bữa cơm tối cho cả nhà quây quần vào quãng bảy giờ rưỡi tối.

Tối nay cũng vậy. Nhưng có điều lạ hơn là khi Miền điềm nhiên giở nắp nồi cơm mới chợt phát hiện cả nồi cơm hãy còn sống nhăn sống nhở. Mọi người thoáng chút hụt hẫng, ngơ ngác nhìn nhau. Miền không muốn, không bao giờ muốn nhưng chả hiểu sao Miền không thể kiềm lại một ánh nhìn sang mẹ chồng. Ánh nhìn đầy ái ngại, có hơi chút trách hờn.

Thường thì người ta trở nên vô lý, sẵn sàng phán xét người khác khi bản thân quá sức mệt mỏi, bực tức đến không thể kiềm chế cảm xúc. Nhưng cũng có những người như chồng Miền, dù chẳng hề mệt mỏi gì cũng hắng giọng, phán xét kẻ khác như đấng bề trên. Bất chấp đó là bà mẹ yếu ớt, thở còn không muốn ra hơi mình thì anh cũng nổi nóng đùng đùng:

- Có mỗi nồi cơm mà cũng nấu cho nó sống nhăn nhở!

Từ mấy năm qua, mẹ chồng Miền bị gai cột sống, thoát vị đĩa đệm nên không còn đủ sức làm bất cứ việc gì khác ngoài việc nấu giúp hai vợ chồng Miễn bữa cơm trưa và tối. Vậy mà nồi cơm tối hôm nay lại thành ra thế này. Bà vì thế cảm thấy tủi thân, không dám ngước mắt nhìn thẳng mặt con trai với con dâu nữa. Nhưng bà vừa sực nhớ ra một chi tiết gì đó, bà lí nhí nói nhát ngừng:

- Hình như lúc chiều có cúp điện một lúc… Nồi cơm khi ấy hãy đang nấu dở mà mẹ quên không kiểm tra lại.

Miền đã cố kìm nén nhưng chẳng hiểu sao miệng vẫn cứ bật ra những lời trống không:

- Cơm thiếu nước, khô khốc thế này dù không cúp điện cũng sống nhăn thôi.

Vừa nói xong câu ấy, Miền đã lập tức có đôi chút hối hận. Bởi Miền nhìn sang thì thấy rõ cái vẻ tủi thân của mẹ chồng. Từ ngày  bệnh trở nặng hơn, Miền biết bà rất xúc động, hay tủi thân. Miền hiểu rằng mình cần dừng lại. Miền lẳng lặng xách nồi cơm xuống gian bếp, lấy bình thủy rưới qua bề mặt cơm một ít nước nóng, đậy nắp rồi bật lại công tắc điện, lặng lẽ ngồi chờ đợi.

Mẹ chồng nhìn theo từng cử chỉ của con dâu, thở ra rất nhẹ. Hai đứa trẻ với hai cái bụng đã đói ngấu cũng đã đành phải ngoan ngoãn nghe lời bà nội chúng khuyên, thôi nhõng nhẽo đòi ăn mà ngồi chống tay lên cằm chờ đợi. Với chồng Miền lại khác. Dường như việc ngồi đợi nồi cơm chín trở lại với anh là một nỗi cực hình ghê gớm lắm. Anh thản nhiên chêm thêm một câu trách cứ:

- Đàn bà đúng vô dụng.

Nói rồi anh đứng dậy, uể oải đi tìm chai rượu ngâm tắc kè để dưới ngăn tủ thờ. Anh trở lại bàn ăn thì tự rót cho mình một cút rượu đầu tiên. Uống hết lại rót tiếp cút rượu thứ hai. Hình như uống rượu nhanh quá khiến anh đắng miệng. Vậy là anh thò đũa gắp lấy một trong ba con cá rô đồng to bằng ba đầu ngón tay, chúng đã được mẹ anh chiên giòn tan bỏ vào bát ăn của mình.

Cá giòn và thơm, tan nhanh trong miệng khiến anh khoan khoái. Anh cứ thể vừa rót thêm cút rượu thứ ba, thứ tư, vừa uống rượu vừa nhắm mồi không ngừng nghỉ. Người mẹ già nhìn con trai đầy sốt ruột, bà cố tình bộc lộ rõ cái vẻ sốt ruột cho ấy qua từng ánh mắt cho anh trông thấy. Nhưng anh con trai vẫn cứ điềm nhiên gắp cá làm mồi nhậu, nhai nuốt càng tỏ rõ cái vẻ ngon lành, ngấu nghiến đầy vẻ trêu ngươi mẹ mình.

Bà mẹ không chịu thua nhưng chả nhẽ lại nói ra những lời nhắc nhở đầy tế nhị trong một bữa ăn như thế này. Cho đến khi chiếc đũa của con trai vừa chớm đụng đến con cá thứ hai trong cái đĩa cá, bỗng dưng bà hoàn toàn đánh mất sự kiểm soát. Miệng bà như thể bị ai đó cạy cho mở ra thật rộng. Bà không chỉ nói mà còn nói to tiếng, nói có vần có điệu, có thơ có tứ hẳn hoi:

- Mày nhắm rượu thì gắp miếng xương. Miếng thịt cá mày liệu liệu mà nhường phần vợ con. Vợ mày thì vất vả từ việc đồng đến việc nhà, con mày thì gầy ốm xanh xao…

Anh con trai lần này không tảng lờ lời mẹ nữa.

Anh ngưng một giây để nghe thấu lời mẹ nói.

Lại ngưng thêm một giây nữa để hiểu những lời nói ấy có ý nghĩa gì.

Khi đã hiểu thấu lời mẹ, anh con trai vẫn tỏ ra vô cảm. Thậm chí, khi có chút hơi men trong mình, nó còn sai khiến anh dấn thêm một bước đầy thách thức, là anh gắp luôn con cá ấy vào bát ăn của mình. Rồi lại điềm nhiên rót và nốc thêm cút rượu thứ năm, thứ sáu… vào miệng.

Mẹ chồng Miền tái mặt vì giận nhưng chẳng thể thốt thêm bất cứ lời nào nữa.

***

Hai đứa nhỏ thấy cha gắp nguyên con cá bỏ vô chén cũng bắt chước bố. Con chị gái chẳng chịu thua thằng em trai, hai đứa gần như cùng lúc xọc ngay đầu đũa ăn vào giữa cái đĩa cá để giành lấy con cá cuối cùng còn lại trong đĩa về phía mình. Ngay lập tức, bà nội lên tiếng quát mắng chúng như thể đó là một phản xạ không cần thêm bất cứ điều kiện nào nữa:

- Hỗn vừa! Chờ mẹ dọn cơm lên rồi ăn cơm với cá chứ. Còn nhỏ không được ăn uống mất nết.

Chồng của Miền cũng ngưng uống rượu, ngưng ăn con cá trong bát của mình. Anh ta dùng đôi đũa gắp cá của mình vụt không thương tiếc vào hai bàn nhỏ xinh của hai đứa trẻ, miệng quát tháo:

- Bắt chước bố mày nhắm rượu à? Trẻ ranh mà ăn uống mất dạy!

Tiếng khóc của chúng ré lên, xé toang bầu không khí u uất nãy giờ vây quanh bữa cơm. Mâm cơm trở nên đặc biệt hỗn loạn! Bà chúng thấy con trai mạnh tay quá, vội dỗ cháu bằng những lý lẽ rất tự nhiên, nhưng thực ra đứng ở xa nhìn lại, Miền lại thấy trong lời nói đó có phần ngoa ngoắt, đầy gian xảo của người lớn trước bọn trẻ:

- Hai đứa ăn uống mất trật tự! Ăn uống thế là hỗn nghe chửa. Bị bố đánh cho là phải lắm. Không được khóc lóc ăn vạ nữa.

Chồng Miền được đà, tiếp tục “dỗ” bọn trẻ bằng những cái trợn ngược mắt với ánh nhìn đầy hăm dọa, thiếu điều muốn ăn tươi, nuốt sống hai đứa trẻ. Miền thấy vậy, vội từ dưới gian bếp chạy lên. Miền không dám trách cứ chồng sao nỡ đánh con nhỏ mạnh tay. Miền biết, một khi chồng đã nốc vào họng vài cút rượu mà Miền còn đứng đó mở miệng nói phải trái sẽ chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa.

Miền chọn cách dang tay, ôm hai con vào lòng, dùng lời mềm mỏng nhất có thể để dỗ hai đứa trẻ, cố gắn lành vết nứt của bữa cơm đang ngày một toác.

- Ngoan, mẹ thương. Đợi tị nữa là cơm chín rồi tha hồ ăn cá nhé.

Hai đứa trẻ nghe lời mẹ, bớt dần những cơn ho khóc đầy hậm hực.

***

Cuối cùng thì cơm cũng đã được nấu chín trở lại.

Và bữa cơm đã được bắt đầu bằng cái vẻ yên lặng đến rợn người. May là trong nhà này còn có đến hai đứa trẻ. Khi đã hết uất ức với vụ đòn roi của bố, chúng đã lại nhanh chóng tíu tít đòi mẹ gỡ xương con cá cuối cùng còn sót lại trên dĩa. May là người nhậu rượu hiếm khi dùng đến canh rau nên trên mâm vẫn còn đó tô canh rau muống nấu với tép đầy ăm ắp.

Bữa cơm trôi đi được một nửa thì Miền nhìn sang thấy mẹ chồng có dấu hiệu nuốt cơm không trôi! Miền thừa hiểu đó là bởi bà vừa phải trải qua cái thứ tâm trạng ức chế bởi đủ thứ chuyện, trong đó việc phải đối đầu với con trai trong thinh lặng thực sự khiến bà đang kiệt sức chịu đựng. Nghĩ đến đây, Miền hoàn toàn mất kiểm soát, miệng Miền cứ như bị ai nạy ra buộc phải nói, không ngừng được.

Miền nói như hét vào mâm cơm:

- Con người ta ăn uống cũng phải biết trông nồi, trông hướng chứ. Có miếng cá ngon thì đem nhậu rượu cho kỳ tiệt. Giờ thì mẹ và con anh lấy gì để nuốt trôi cơm?

Nghe con dâu, mẹ chồng dường như cũng có phần hả dạ, bà quên hẳn những lời làu bàu của cô con dâu dành cho mình về nồi cơm sống dở ban nãy. Không những vậy, bà muốn khơi mào lại cái cuộc chiến trong yên lặng của mình với con trai bằng việc công khai dành cho con dâu thứ ánh mắt đầy cảm thông, đồng thuận. Ánh nhìn của bà xuyên ngang mặt chồng Miền, bởi anh ta đang ngồi ở khoảng giữa hai người họ.

Nhưng gần như chỉ chờ có vậy, chồng Miền đứng phắt dậy. Cặp mắt ngà say của anh long lên sòng sọc. Anh dừng lại đôi phút, nhưng không phải để kìm nén mà là để tìm cho mình một hành động gì đó biểu lộ sự phản kháng đích đáng với việc cùng lúc bị hai người đàn bà liên kết lại chống đối, dồn anh vào chân tường.

Quả nhiên vậy! Anh đã lặng lẽ luồn tay xuống dưới mép mâm cơm rồi nhấc lên nhẹ bẫng. Bữa cơm lập tức hỏng vì chiếc mâm mỏng mảnh vừa bị hất tung lên không trung rồi rớt xuống nền nhà một cái “rầm”, rồi “beng”, rồi tiếng bát đũa vỡ nát chan chát.

Cơm canh rơi vãi tứ tung, xương cá văng ra tung tóe, cút rượu đổ chỏng chơ, bình rượu vỡ chơ chỏng, tan tành. Hai đứa trẻ khóc ré lên. Những người đàn bà nhìn nhau đầy uất ức, ứa nước mắt nghẹn lời. Riêng chồng Miền thì khác, anh vung hai tay quá đầu, trợn ngược mắt mũi, miệng thét lên:

- Đủ lắm rồi. No rồi. Không ăn nữa, nuốt không trôi nữa…

Chồng Miền vụt lao ra khỏi gian bếp. Rồi từ khoảng sân trước nhà, tiếng nổ của chiếc xe gắn máy lại vang lên giòn tan. Anh còn cố tình rú ga rầm rập một hồi lâu rồi mới lao vụt đi. Tiếng xe nổ giòn cứ thế rú lên rồi lại nhỏ dần, rồi lại rú lên rồi lại nhỏ dần, nhỏ dần đến mất hút.

***

Bên mâm cơm rơi vãi chỏng chơ dưới nền xi măng, hai người đàn bà vẫn chưa hết bàng hoàng. Họ nhìn nhau bằng những ánh nhìn thảm não rồi lại quay qua nhìn hai đứa trẻ vẫn còn đang khóc thét vì sợ hãi. Vài giây trôi qua thì mẹ chồng Miền cũng bắt đầu nhận diện được sự thực gì vừa diễn ra. Bà ngồi xuống, ôm cả hai đứa nhỏ vào lòng.

Bà rấm rức ta thán cái sự vô dụng đến thành ra yếu mềm của chính mình trong nước mắt với hai đứa trẻ ngây thơ:

- Giá mà bà không phải là người bà vô dụng. Giá như bố các cháu chẳng phải là con trai của bà. Giá như nó cũng chẳng phải là cha của mấy đứa thì tốt biết mấy. Trời ơi là trời, sao tôi lại vô phước vậy này trời!

Miền nghe mẹ chồng ta thán mà thảng thốt, đớn đau. Vì thực ra Miền cũng từng có ý nghĩ giống hệt như mẹ chồng mình vậy. Rằng giá như chồng Miền đã chẳng phải là chồng của Miền! Rằng giá như trong căn nhà này chỉ có toàn đàn bà và trẻ nhỏ sống chung với nhau thì chắc sẽ đỡ đau đớn thế này. Vậy rồi hôm nay, chính tai Miền lại nghe thấy những gì mình ao ước được thốt lên bởi chính mẹ chồng mình.

Nhưng Miền vẫn chưa đủ can đảm thừa nhận, đồng tình, vào hùa với bà. Miền biết mình vẫn còn phải học cách câm nín, chịu đựng nhiều hơn nữa của một người con dâu, một người vợ, một người mẹ khi bạc phước lấy nhầm một người chồng như chồng của Miền đây. Bởi Miền biết những đứa trẻ vẫn còn quá nhỏ, chúng không đáng phải gánh chịu bất cứ sự chia cắt nào của người lớn.

Và đấy, chúng giờ đây vẫn còn đang gào khóc và còn liên tục hỏi mẹ và bà của chúng rằng:

- Bố đi, tí nữa bố về sẽ lại đánh, lại chửi mẹ như mọi lần mẹ hả mẹ?

- Tí nữa bố về lại làm cho bà lại khóc suốt đêm phải không bà?

Ở căn nhà này, Miền không muốn đó sẽ là những kinh nghiệm duy nhất mà hai con mình học được. Và Miền đang hối hận. Miền nghĩ là chúng sẽ không học được những điều đó nếu như ban nãy Miền học được cách im lặng tốt hơn. Im lặng ăn cho hết bữa cơm thay vì trách cứ chồng mình như đã làm thì tốt biết mấy.

 Trước mắt Miền lại phải tìm những lời ngoa ngoắt của người lớn để mà dỗ dành con trẻ. Miền dịu dàng nói:

- Nói xằng nào! Bố đi, tí nữa bố sẽ kiếm cá về cho cả nhà mình đấy! Giờ thi hai đứa ngoan, nghe lời mẹ, rửa mặt mũi chân tay rồi đi ngủ sớm đợi bố về các con nhé. 

Vở kịch chiều ảnh 1

Cái tên của truyện ngắn dưới đây khiến liên tưởng đến “Tấn trò đời”. Cái thú vị trong truyện ngắn này là nó như một vở kịch một màn một cảnh với những vai không ra không vào. Cuộc sống khổ ải lầm than nhiều khi không phải ở cái thiếu thốn vật chất, mà nó ở cái sự quan tâm người - người. Mễ Thành Thuận cũng cho thấy khả năng của nhà văn trong những mô tả biến đổi tâm lý nhân vật rất tế vi. Anh cho thấy một bi kịch có thể hình thành như thế nào từ những xung đột rất nhỏ.

Nhà văn trẻ sống và làm việc tại TP HCM.      

L.A.H

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.