“Khi yêu nhau, chồng tôi có nói ghét nhất là phải sống với người vợ lắm lời hay than thở, chính vì vậy khi cưới nhau rồi nhiều lúc gặp chuyện bực bội, khó khăn, tôi cũng không dám nói với chồng” - Chị D. (quận Gò Vấp, TP HCM) trả lời khi vị thẩm phán xét xử vụ ly hôn giữa chị và anh T. hỏi vì sao khi gặp khó khăn trong cuộc sống, chị không tâm sự cùng chồng?
Ảnh minh họa. |
Đồng sàng dị mộng
Chi D. kể: Vợ chồng chị là công nhân, lương chỉ đủ sống. Hằng tháng, chồng chị đều đưa lương cho chị tự lo liệu mọi việc. Khi mới cưới, chỉ có vợ chồng thì mọi việc đều ổn nhưng khi có 2 mặt con và vật giá ngày càng leo thang, chi phí gia đình luôn thiếu hụt.
Đã vậy, vài ba năm, gia đình chị lại về thăm quê chồng ở Thanh Hóa một lần. Mỗi lần về, chị đều âm thầm vay mượn bạn bè, người thân rồi trả dần nhưng chồng chị không biết, cứ nghĩ tiền vợ mình dành dụm được.
Hồi đầu năm, gia đình chị về mừng thọ bố chồng. Chị cứ nghĩ 6 anh em trong gia đình sẽ chung tay lo liệu, vậy mà chồng chị lên tiếng lo toàn bộ tiệc mừng. Chị can ngăn thì anh nổi giận, chửi vợ tính toán, lòng dạ hẹp hòi. “Giờ tôi rất mệt mỏi, tôi nghĩ ly hôn là giải pháp tốt nhất lúc này” - chị D. buồn rầu nói.
Gặp chị N. bên ngoài phòng tham vấn tâm lý của Nhà Văn hóa Phụ nữ TP HCM, chị tâm sự: “Mỗi ngày khi tan sở, tôi tất bật đi đón con, cơm nước, dọn dẹp, rồi dạy con cái học hành; chồng tôi thì luôn có lý do để về muộn.
Hôm nào về sớm, anh ăn uống, đọc báo, xem tivi trong khi tôi không có phút giây nghỉ ngơi. Mỗi khi nhờ anh giúp việc nhà hay dạy con học, anh lại nói “đó là việc của đàn bà”.
Đã vậy, gia đình chị sống chung với mẹ chồng, đôi khi giữa mẹ chồng nàng dâu có va chạm, chị tâm sự với anh. Chưa kịp nghe hết câu chuyện, anh đã nổi nóng rồi mắng chị. Sau những lần gặp “sự cố” đó, chị hạn chế tâm sự với chồng. Giờ thì chị bị stress, hay cáu gắt vô cớ.
Cần được chia sẻ
Sau phiên tòa, anh T., chồng chị D., chia sẻ: Trước đây anh khá vô tâm, không quan tâm đến việc nhà và cảm xúc của vợ. Vợ anh cũng ít khi than thở nên anh nghĩ mọi việc trong nhà đều ổn. Cho tới hôm vợ đưa đơn ly hôn anh mới bất ngờ nhưng lúc đó đang nóng giận và tự ái nên ký luôn.
“Khi ra tòa, nghe lời nói của vợ, tôi mới hiểu bao năm chung sống, mình chẳng lo lắng được gì, một mình vợ phải gánh vác mọi việc trong gia đình. Tôi chợt nhận ra mình đã không hiểu nhiều về người phụ nữ bao năm sống bên cạnh. Cô ấy vui gì, buồn gì, bận rộn gì, gặp chuyện khó khăn gì... hầu như phải tự mình bươn chải. Trước đây, tôi cứ nghĩ mình lo đi làm, hằng tháng đưa tiền về cho vợ là đã đầy đủ bổn phận.
Ngay cả số tiền đó thiếu đủ thế nào tôi cũng ít quan tâm. Giá như tôi sớm nhận ra vợ chồng nên chia sẻ mọi thứ trong gia đình để hiểu nhau hơn thì có lẽ gia đình tôi không đi đến bước đường này. Cũng may tòa bác đơn ly hôn để tôi còn có cơ hội sửa sai” - anh T. tâm sự.
Bà Nguyễn Bích Thủy, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ tổ 110, phường 12, quận Gò Vấp, cho rằng: “Một đặc điểm của phụ nữ là dù vất vả mấy nhưng chỉ cần có lời nói, cử chỉ thể hiện sự quan tâm của chồng là quên hết mệt nhọc.
Họ muốn được trò chuyện với chồng, còn đàn ông lại thường tìm sự yên tĩnh, thảnh thơi khi về với vợ con. Các ông chồng coi việc nhà, chuyện ứng xử giữa các mối quan hệ trong gia đình là chuyện nhỏ nhặt không đáng quan tâm.
Có người còn thấy bực bội, cáu gắt, thậm chí bỏ đi khi vợ muốn tâm sự, chia sẻ. Điều này khiến người vợ cảm thấy tổn thương, lại suy diễn rằng chồng không yêu, không quan tâm đến mình khiến vợ chồng ngày càng xa nhau”.
Ông Phạm Anh Duy, giám đốc Công ty Tư vấn tâm lý Duy Anh: “Than” cũng phải có nghệ thuật Để có được tiếng nói chung, cả vợ chồng cần có sự điều chỉnh và hiểu về tâm lý của người kia. Với chị em, cũng nên bày tỏ tâm tư, tình cảm của mình để được chồng hiểu, chia sẻ, cùng vun đắp hạnh phúc gia đình và tránh bị ức chế khi một mình ôm khư khư mọi việc. Tâm lý đàn ông thường không thích nghe than thở, kể lể; chính vì vậy, đôi khi các chị phải có một chút nghệ thuật “than”: phải biết than đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách. |
Theo Người Lao Động