Vỡ bia đá cổ hàng trăm năm tuổi ở Bắc Giang: 'Hành xử thô bạo với di sản văn hóa'

0:00 / 0:00
0:00
Bia bị vỡ thuộc loại bia tứ diện bằng đá xanh niên hiệu Vịnh Trị (1679) ghi tên những người công đức và quá trình xây dựng gác chuông chùa Thổ Hà. Ảnh Báo Bắc Giang
Bia bị vỡ thuộc loại bia tứ diện bằng đá xanh niên hiệu Vịnh Trị (1679) ghi tên những người công đức và quá trình xây dựng gác chuông chùa Thổ Hà. Ảnh Báo Bắc Giang
TPO - “Làm hỏng bia cổ chùa Thổ Hà là huỷ hoại di sản văn hoá. Đây việc làm đáng tiếc, tắc trách, không theo quy trình, không đúng kỹ thuật và vi phạm Luật Di sản văn hoá”, PGS. TS. Trần Trọng Dương, Trưởng phòng Nghiên cứu Minh văn, Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho hay.

PGS. TS. Trần Trọng Dương cho rằng, việc đơn vị thi công, chủ đầu tư dự án di chuyển bia mà không xin phép cơ quan chức năng theo quy trình là vi phạm về quy trình quản lý văn hóa.

“Dù giải thích thế nào thì việc làm hỏng văn bia cổ chùa Thổ Hà là việc làm đáng tiếc, tắc trách, không theo quy trình, không đúng theo kỹ thuật và vi phạm Luật Di sản văn hoá”, PGS. TS. Trần Trọng Dương nói.

Vỡ bia đá cổ hàng trăm năm tuổi ở Bắc Giang: 'Hành xử thô bạo với di sản văn hóa' ảnh 1

Theo PGS. TS. Trần Trọng Dương, cần xác minh rõ nguyên nhân cụ thể của sự việc. "Địa phương, bản tự (nhà chùa - PV) và chủ đầu tư tự ý thực hiện thì trách nhiệm thuộc về những người này; còn lãnh đạo thôn, xã và Sở VHTT&DL là những người liên quan. Trong trường hợp địa phương có báo cáo lên cấp trên thì lỗi thuộc lãnh đạo Sở VHTT&DL" - PGS Trần Trọng Dương nói.

Để khắc phục, PGS. TS. Trần Trọng Dương cho rằng: “Thứ nhất, cần tổ chức buổi họp (mời các cơ quan quản lý như Cục Di Sản, Sở VHTT&DL…, cùng các cơ quan chuyên môn như Viện NC Hán Nôm, Viện Sử học, Viện NC Văn hóa,… và các chuyên gia) để đề xuất các phương án phục chế văn bia, kĩ thuật phục chế, quy trình phục chế, kinh phí phục chế, để làm sao khôi phục lại nguyên trạng của văn bia ở mức tốt nhất có thể.

Thứ 2, bảo quản tất cả các mảnh vỡ để phục vụ cho việc phục chế trong tương lai. Thứ 3, lên phương án xây dựng nhà bia để đặt lại bia sau khi phục chế (cùng những văn bia khác chưa có mai che), tránh tình trạng để phơi nắng phơi mưa ngoài trời”.

Vỡ bia đá cổ hàng trăm năm tuổi ở Bắc Giang: 'Hành xử thô bạo với di sản văn hóa' ảnh 2
Bia đá cổ trong chùa Thổ Hà khi còn nguyên vẹn.

Một chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực di sản cho rằng, qua hình ảnh về sự cố vỡ bia chùa Thổ Hà có thể thấy, khi di chuyển bia đá, đơn vị thi công mới chỉ đào một bên mà chưa đào hết xung quanh. Hơn nữa, cách buộc dây vào thân bia đá để nhổ lên, trong khi chân móng rất nặng, lại không có giá đỡ, nên dễ đứt gãy.

"Đây là cách hành xử thô bạo, rất ẩu với hiện vật, di tích và trong cách trùng tu. Bia đứt gãy không thể đổ cho các yếu tố khách quan, thiên nhiên, ảnh hưởng của lửa, nước… Sở VHTT&DL Bắc Giang có giải thích là bị nứt do bị đốt là không hoàn toàn chính xác. Nếu bị đốt, đá xanh sẽ bị vôi hoá, sẽ bị hỏng văn tự và văn bia. Tuy nhiên, thực tế bia vẫn còn đẹp, có thể bị nứt nhưng kết cấu bia vẫn còn toàn vẹn, nguyên thể. Một bia đá với lịch sử văn hoá dân tộc gắn liền với các tuyến sông, văn hoá của người dân Kinh Bắc không thể vì một sơ suất mà làm hỏng đi một giá trị hàng trăm năm của lịch sử dân tộc”, vị chuyên gia này cho biết.

Vỡ bia đá cổ hàng trăm năm tuổi ở Bắc Giang: 'Hành xử thô bạo với di sản văn hóa' ảnh 3

PGS. TS. Trần Trọng Dương cho biết thêm, việc làm hỏng bia từng xảy ra nhiều nơi. Chẳng hạn, năm 2014, có người còn dùng bàn chải sắt để vệ sinh bia Sùng Thiện Diên Linh (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) để đón bằng công nhận bảo vật Quốc gia. “Mỗi một vi phạm ở từng thời điểm lại khác nên cần phải có văn bản tư vấn tổng thể, chi tiết, vạch rõ cái nào được làm, cái nào không được làm”, PGS. TS. Trần Trọng Dương đề nghị.



Trước đó, Tiền Phong đã thông tin, trong quá trình dịch chuyển phục vụ công tác tu bổ, tôn tạo di tích chùa Thổ Hà (Việt Yên, Bắc Giang), khối bia cổ 342 năm tuổi bị vỡ thành nhiều phần.

Để dịch chuyển bia đá, đơn vị thi công đã đào móng xung quanh bia, dùng dây vải buộc thân bia, sử dụng xe cẩu để nâng (nhằm luồn dây qua phần bia để buộc bó toàn bộ bia). Tuy nhiên, khi tiền hành nâng thì thân bia bị tách rời thành nhiều mảng.

Ông Trần Minh Hà, Giám đốc Sở VHTT&DL Bắc Giang cho rằng: "Bia đá trải qua quá trình om lửa, om nước (do lũ lụt) nên đã bị nứt sẵn. Do nhà thầu chủ quan, sơ suất, trước lúc di chuyển chưa đánh giá việc bia bị nứt nên khi nâng lên thì bị vỡ. Đây là sự việc rất đáng tiếc".

Theo ông Hà, trong hồ sơ thỏa thuận tu bổ chùa Thổ Hà với Bộ VHTT&DL không có hạng mục di chuyển bia này nhưng do nền thấp, cần nâng cốt nền nên địa phương nhờ nhà thầu làm.

Dự án tu bổ tôn tạo chùa Thổ Hà (Việt Yên, Bắc Giang) được khởi công ngày 19/12/2019 do Ban Quản lý dự án đầu tư huyện Việt Yên làm Chủ đầu tư và giám sát công trình. Công ty Cổ phần bảo tồn di sản văn hóa kiến trúc Việt là đơn vị thi công.

MỚI - NÓNG