Vĩnh biệt cha đẻ Biệt động Sài Gòn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhà văn, nhà biên kịch Lê Phương-cha đẻ kịch bản điện ảnh kinh điển Biệt động Sài Gòn- vừa rời cõi tạm ở tuổi 90. Ông để lại nhiều tác phẩm nổi bật cả về văn chương lẫn điện ảnh, truyền hình.

Sự nghiệp đáng nể

Nhà biên kịch Lê Phương tên thật Nguyễn Văn Tiến, sinh năm 1933 tại Đông Anh, Hà Nội. Ông thường được đóng đinh là cha đẻ Biệt động Sài Gòn-gồm bốn tập kịch bản viết cùng tác giả Nguyễn Thanh. Tuy thế, sự nghiệp của ông rộng mở hơn cả ở trải nghiệm chiến trường lẫn sự nghiệp văn chương và phim ảnh.

Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam-người chịu trách nhiệm viết điếu văn- nhận định, tác giả Lê Phương sớm bộc lộ tư chất văn chương, tuy nhiên hiện thực khốc liệt đã cuốn ông và nhiều thanh niên cùng thời vào nhiệm vụ gian khó và cao cả hơn. Ông tạm gác mộng văn chương để đi theo cách mạng từ năm 16 tuổi, tham gia công tác địch vận. “Thuở thiếu thời có máu trinh thám nên sau này điều đó ảnh hưởng rất rõ tới các sáng tác văn học lẫn điện ảnh của ông”, ông Nguyễn Văn Tân nói.

Vĩnh biệt cha đẻ Biệt động Sài Gòn ảnh 1

Nhà biên kịch Lê Phương

Lê Phương tham gia khảo sát những tuyến đường tiếp tế cho trận chiến Điện Biên Phủ vào năm 1953. Chính những kinh nghiệm này đã giúp ông viết truyện Thử lửa đăng trên báo Cứu quốc. “Câu chuyện kể về anh chiến sĩ vận dụng kiến thức để đánh lừa phi công Pháp, cứu đoàn công vận được viết ra đầy mới mẻ, giàu tri thức. Điều này khiến cho cây viết mới mẻ này lọt vào mắt xanh các cán bộ chính trị viên, muốn bổ sung Lê Phương vào đội ngũ những cây viết cho kháng chiến. Tuy thế hiện thực kháng chiến khốc liệt kéo ông khỏi sự nghiệp văn chương. Ông được điều về Cục Bảo vệ Chính trị, được phân công làm tình báo trong chiến dịch 300 ngày đấu tranh thi hành Hiệp định Genève. Trong quá trình công tác, ông lấy nhiều thông tin quý giá từ các Hoa kiều”, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh cho biết.

Vĩnh biệt cha đẻ Biệt động Sài Gòn ảnh 2

Biên kịch Lê Phương đi xa để gặp bạn thân-nhạc sĩ Hồng Đăng Ảnh: LÊ ANH THÚY

Tác giả Lê Phương từng công tác ở Tổng Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), trở thành nhà báo nổi tiếng với bút danh Lê Phương-bút danh theo ông suốt sự nghiệp sau này. “Ông là người am tường, có nhiều kiến thức chuyên môn sâu ở nhiều lĩnh vực. Là người đọc nhiều và có ý thức thu nạp kiến thức rất nghiêm túc, chính nhờ sự dày công thu thập tư liệu và đời sống thực tế để đưa vào tác phẩm nên ông có nhiều tác phẩm nổi trội trong các lĩnh vực khác nhau”, ông Nguyễn Văn Tân nhận định.

Năm 1963, Lê Phương viết tiểu thuyết đầu tay Bất khuất-sau được chuyển thể thành phim điện ảnh Cơn lốc biển. Tiểu thuyết đầu tay đầy màu sắc phiêu lưu và kịch tính về vùng mỏ. Từ 1963-1978, tài năng văn học nở rộ với bảy tiểu thuyết ở các đề tài khác nhau với dấu ấn đáng kể ở nhiều dạng đề tài và lĩnh vực đòi hỏi kiến thức chuyên ngành sâu. Có thể kể tới Pháo đài 44 (pháo binh bảo vệ cầu Hàm Rồng), Thung lũng Cô-tan (nổi tiếng nhất về địa chất), Bạch đàn (lĩnh vực lâm nghiệp) hay Ngã ba thời gian (về ngành thủy lợi), Vết xích đường mòn.

Sau cơ duyên với điện ảnh, từ năm 1977 ông rẽ sang sự nghiệp biên kịch điện ảnh. Đồng nghiệp đánh giá Lê Phương vốn là nhà văn thông minh nên khi chuyển sang viết kịch bản điện ảnh ông nắm bắt rất nhanh. Tác phẩm để lại dấu ấn ở điện ảnh như Nơi gặp của tình yêu, Biệt động Sài Gòn, Câu lạc bộ không tên. Đến thời kỳ manh nha phát triển phim truyền hình, Lê Phương cũng đóng góp nhiều tác phẩm nổi bật như Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ, Sống mãi với Thủ đô, Con nhện xanh, Ngã ba thời gian…

Hào hoa, phóng khoáng

Nhà biên kịch Nguyễn Anh Dũng-cấp phó của tác giả Lê Phương ở Hãng phim truyện Việt Nam trước đây- đang điều trị trong viện, nghe tin Lê Phương mất cũng nghẹn ngào. Do điều kiện sức khỏe không cho phép, ông bày tỏ ngắn gọn với Tiền Phong: “Tôi là đàn em của anh Lê Phương, khi ấy anh làm Xưởng trưởng, tôi là xưởng phó. Chúng tôi là những người đồng nghiệp hiểu ý nhau. Anh Phương rất chân thành, là bậc đàn anh tôi rất tôn trọng. Có lẽ do đều từng khoác áo lính trên chiến trường nên chúng tôi luôn thông cảm cho nhau. Từ ngày đầu làm việc cho tới khi anh ấy về hưu và cả những năm tháng tuổi già, chúng tôi vẫn giữ quan hệ tốt đẹp”.

Triết lí sống của Lê Phương khá khiêm nhường, đại ý con người sinh ra lặng lẽ, mất đi cũng không để lại dấu vết gì. Ông không thích nói nhiều về tác phẩm của mình, coi đó là việc đã xong. Mặc dù có nhiều tác phẩm nổi bật nhưng dường như Lê Phương đứng ngoài các giải thưởng. Dường như ông chỉ cần tác phẩm có sức sống lâu bền trong tâm trí người đọc, người xem. “Anh Phương là người hóm hỉnh, có duyên nói chuyện, dễ cuốn hút người nghe. Chính tài dẫn dắt đó khiến mọi người luôn yêu mến ông trong nhiều cuộc vui”, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Nguyễn Văn Tân nói.

NSND Khải Hưng, nguyên Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam VFC kể: “Chúng tôi vẫn nói Lê Phương là “cáo cụ” trong nghề viết kịch bản. Ông cộng tác với chúng tôi từ khi thành lập hãng phim truyền hình. Khi nào gặp khó khăn nhất chúng tôi đều phải tìm đến Lê Phương. Có lần hãng cần phim về ngày kỷ niệm cụ Hồ, chúng tôi gặp khó khi tìm câu chuyện nên đã đến gặp ông Phương. Ông bảo cho suy nghĩ một tiếng, sau đó nói “có rồi”. Đúng hai hôm sau ông đưa kịch bản rất tốt cho ê-kíp. Ông luôn sẵn sàng chữa cháy cho mọi người khi cần. Lê Phương cùng với biên kịch Trịnh Thanh Nhã tạo nên cặp bài trùng- người này đưa ý tưởng, người kia thực thi. Anh Lê Phương là người phóng khoáng, hào hoa và luôn giúp đỡ mọi người, luôn được mọi người yêu”.

Trong quá trình phụ trách xưởng ở Hãng phim truyện Việt Nam, ông là nhà biên kịch kỳ cựu, có công phát hiện và xây dựng cho hãng kho kịch bản rất chất lượng. Lê Phương là người thầy, người dìu dắt nhiều biên kịch trẻ như Hoàng Nhuận Cầm, Trịnh Thanh Nhã...

Biên kịch Trịnh Thanh Nhã từ chỗ sợ Lê Phương “như sợ cọp” sau này cảm mến, ngưỡng mộ và trở thành người bầu bạn, chăm sóc cho tác giả Lê Phương suốt mấy chục năm, tới tận giây phút ông nhắm mắt xuôi tay. Trong giới làm phim, biên kịch Trịnh Thanh Nhã khiến nhiều người cảm phục bởi tình yêu, sự hi sinh thầm lặng cho Lê Phương mà không cần danh phận. Họ nắm tay nhau trải đủ cung bậc của cuộc đời phong phú.

Trong mắt người đồng hành Trịnh Thanh Nhã, nhà văn-biên kịch Lê Phương là người đàn ông “đáng yêu vô cùng” và khiến bà kinh ngạc về sự hiểu biết. Ông ham đọc, cho tới những năm cuối đời dù sức khỏe yếu nhưng không bỏ thói quen đọc. Ông Lê Phương có thể dự hội thảo khoa học của nhiều ngành từ địa chất, thủy lợi, sử học.

MỚI - NÓNG