Vinamilk đang viết tiếp câu chuyện của mình với vinh quang và cả những đam mê chinh phục mới.
Những con số biết nói
Những ngày gần đây trên trang mạng xã hội, clip nhạc “Vinamilk 40 năm - Vươn cao Việt Nam” trên kênh YouTube được nhiều người chia sẻ kèm những lời bình luận đầy lạc quan: “Đời bỗng nhiên tươi hẳn ra, tự hào quá Việt Nam ơi”. Tính đến ngày 23/8/2016, chỉ sau hơn 20 ngày phát hành, clip này đã vượt gần 28 triệu lượt xem trên tất cả các kênh. Có thể nói không dễ có một thương hiệu Việt được nhiều người tiêu dùng đón nhận và chia sẻ với đầy niềm tự hào. Clip nhạc được Vinamilk thực hiện dù không có người nổi tiếng, không hài cường điệu mà vẫn được người dùng internet chia sẻ rộng rãi với cảm xúc lâng lâng chạm vào trái tim của người xem.
Đáng tự hào hơn vì trong số nhiều thương hiệu Việt gặp khó khăn, thậm chí biến mất thì Vinamilk vẫn trụ vững và ngày càng tạo ra những dấu ấn đầy ấn tượng. Năm 1976, Vinamilk tiếp quản 3 nhà máy: Thống Nhất, Trường Thọ, Dielac. Và sau 40 năm, Vinamilk đã trở thành một thương hiệu vững mạnh. Theo thống kê, năm 2015, doanh thu Vinamilk đạt 40.223 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 4.000 tỷ đồng.
Trong ngành sữa, hiện nay Vinamilk chiếm 55% thị phần sữa nước, 85% thị phần sữa chua, 80% thị phần sữa đặc, 40% thị phần sữa bột và với 212.000 điểm bán lẻ và 575 cửa hàng phân phối trực tiếp. Sản phẩm của Vinamilk cũng có mặt ở gần 1.500 siêu thị lớn nhỏ và gần 600 cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc. Đến nay, Vinamilk đã được xuất khẩu đi 43 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những quốc gia yêu cầu rất cao về chất lượng trong sản phẩm dinh dưỡng như Nhật, Canada, Mỹ, Úc....
Tầm nhìn một thương hiệu
Trong vòng đời của một doanh nghiệp, có những thương hiệu phát triển tốt, có thương hiệu xuất hiện, nổi lên rồi…nhạt nhòa. Với Vinamilk, có thể thấy dấu ấn thương hiệu này ngày càng rõ nét và không ngừng cải tiến, hội nhập để duy trì vị thế trên thị trường.
Trong những ngày đầu thành lập, Vinamilk gặp không ít khó khăn, thiết bị công nghệ cũ kỹ, không có nguồn ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu nên Vinamilk đã chủ động liên doanh với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, ra mắt nhãn hiệu sữa đặc Ông Thọ để xuất khẩu tại chỗ, giúp Vinamilk thu ngoại tệ. Sau hơn 1 thập niên, từ vài trăm triệu đồng ban đầu, Công ty đã nâng vốn tự có lên 20 tỷ đồng, gia tăng được sản lượng, doanh thu vượt kế hoạch trong năm 1987.
Không ngừng ở đó, Vinamilk liên tục hoàn thiện mình, tìm tòi phát triển sản phẩm mới và đầu tư máy móc thiết bị công nghệ để chuẩn bị cho sự tăng trưởng mạnh trên thị trường.
Có thể nói, ở Vinamilk, tinh thần “vươn lên” luôn luôn được ban giám đốc Vinamilk truyền cảm hứng cho toàn đội ngũ và trở thành phương châm để Vinamilk không ngừng đổi mới, sáng tạo. Đây là lý do khiến Vinamilk không dậm chân tại chỗ mà luôn luôn đi kịp cùng nhu cầu thị trường và ngày càng có nhiều sản phẩm đáp ứng với thị trường. Đỉnh điểm đánh dấu sự tăng trưởng mạnh vượt bậc của Vinamilk được xác định vào 2013 khi Vinamilk quyết định đầu tư vào 2 siêu nhà máy có tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng tại Bình Dương. Nhà máy sản xuất sữa nước rộng hơn 20 ha tại Bình Dương, công suất 800 triệu lít sữa mỗi năm. Còn nhà máy sữa bột có công suất 54.000 tấn mỗi năm, ngay khi vận hành trong tháng 4/2013 đã giúp Vinamilk đạt doanh thu khoảng hơn 31.000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2012. Hiện tại, riêng Vinamilk đã chiếm khoảng 40% thị phần sữa bột.
Tầm nhìn xuất sắc của Vinamilk còn thể hiện ở chỗ ban lãnh đạo Vinamilk không chỉ nhìn thị trường sữa gói gọn trong nước mà đặt mục tiêu và khát vọng cao hơn: vươn tầm thế giới thông qua mở rộng và đầu tư các nhà máy tại Việt Nam lẫn các khu vực trọng tâm. Tính đến nay Vinamilk đã 13 nhà máy tại Việt Nam và 3 nhà máy tại Mỹ, New Zealand, và Campuchia. Vinamilk còn có 10 trang trại trải dài khắp Việt Nam với toàn bộ bò giống nhập khẩu từ Úc, Mỹ và New Zealand.
Vươn tầm quốc tế
Sự thành công của Vinamilk gắn liền với vai trò của dàn lãnh đạo, đặc biệt là “bông hồng thép” - bà Mai Kiều Liên. Nữ thuyền trưởng này đã chứng minh những quyết định của bà luôn mang về lợi ích tốt đẹp cho công ty.
Năm 2012 khi làn sóng M&A đổ bộ vào Việt Nam thì cũng là lúc Vinamilk nhận ra phải có chiến lược toàn cầu hóa đúng đắn cho thương hiệu của mình. Nhờ có một ê kíp đam mê, học hỏi không ngừng và được trui rèn lớn mạnh qua thực tế thị trường, Vinamilk được các nhà đầu tư tin tưởng và không ngừng ủng hộ những quyết sách của mình. Những chiến lược phát triển trong nước, cũng như sự dũng cảm và quyết đoán của CEO Mai Kiều Liên được chứng minh trong chiến lược toàn cầu hóa của thương hiệu này. Không chỉ đầu tư trong nước, Vinamilk còn mạnh tay “mang chuông đi đánh xứ người”. Sở hữu 100% cổ phần Driftwood hồi tháng 5/2015, mỗi năm Vinamilk có thêm vài ngàn tỷ đồng doanh thu từ công ty đặt tại Mỹ này. Trước đó, năm 2012, Vinamilk góp vốn vào nhà máy Miraka tại New Zealand, đã mang về tổng cộng hơn 2 triệu NZD cho Vinamilk. Công ty cũng tiên phong xây dựng nhà máy sữa đầu tiên tại Campuchia, khi tháng 5/2016 Vinamilk đã khánh thành nhà máy Angkor Milk 23 triệu USD tại tại đây.
Nhìn lại 40 năm, có thể thấy Vinamilk lớn mạnh nhờ có một tầm nhìn xuyên suốt và kiên trì bám sát thị trường. Chính bản thân ban lãnh đạo và đội ngũ của Vinamilk đã là một nguồn tài sản quý giá mà không phải doanh nghiệp nào cũng có được. Cơ chế quản trị khoa học, sự minh bạch của hệ thống cùng với kinh nghiệm và phong cách lãnh đạo ở Vinamilk…, là những nền tảng chắc chắn để những nhà đầu tư trong ngoài nước tin tưởng, yên tâm giao phó sứ mệnh lèo lái con tàu Vinamilk vượt những hải trình xa xôi. Vinamilk biết tự thiết lập cho mình “khoảng trống” để tự hoạch định và phát triển. Vinamilk còn tự thúc ép mình, không ngủ quên trên chiến thắng mà luôn đón bắt những thay đổi để thích nghi và hội nhập. Chính vì thế mọi nguồn lực của Vinamilk đều được đầu tư cho sự phát triển ngành sữa. Từ đó, thương hiệu này ngày càng và tự tin, dẫn đầu và không ngừng chinh phục những cột mốc mới.
Những con số ấn tượng
· Là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với hơn 9 tỷ USD (theo số liệu ngày 11/8/2016).
· Tổng đàn bò hiện nay (bao gồm các trang trại của Vinamilk và bà con nông dân có ký kết): 120.000 con, cung cấp khoảng 750 tấn sữa tươi nguyên liệu mỗi ngày. Dự kiến số bò của Vinamilk sẽ có khoảng 160.000 con vào năm 2017 và 200.000 con vào năm 2020 với sản lượng sữa tươi nguyên liệu đến năm 2020 sẽ tăng lên hơn gấp đôi.
· Vinamilk xếp thứ 49 toàn cầu về doanh thu các sản phẩm sữa trong năm 2015 (ước tính theo số liệu từ Euromonitor).
Vinamilk đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba
Ngày 20/8/2016, tại Hà Nội, Vinamilk đã tổ chức chương trình “Giấc mơ sữa Việt” và lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập công ty.
Tại lễ kỷ niệm, Vinamilk đã hỗ trợ 20 tỷ đồng cho chương trình sữa học đường thuộc 14 tỉnh khó khăn và 6 tỉnh thực hiện tốt chương trình này. Tổng số tiền được Vinamilk hỗ trợ trong năm 2016 tương đương khoảng 4 triệu hộp sữa cho các em học sinh mầm non và tiểu học.
Với những đóng góp của Công ty Vinamilk trong nhiều năm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thay mặt lãnh đạo Đảng, nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho Vinamilk. Đây là lần thứ hai Vinamilk nhận được giải thưởng cao quý này.
“Vinamilk được xem như một minh chứng cho sự năng động và sự vượt khó, trỗi dậy, vươn ra thế giới của con người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam” - Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh