Vietnam Airlines có thể thất thu 50.000 tỷ đồng do dịch COVID-19

Máy bay của VNA "đắp chiếu" kín sân bay Nội Bài do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Máy bay của VNA "đắp chiếu" kín sân bay Nội Bài do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
TPO - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho biết, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, dự kiến năm nay, đơn vị phải giảm tải khoảng 60% so với kế hoạch, doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng. Cùng đó, có 50% người lao động của VNA phải ngừng việc, tất cả người lao động phải giảm thu nhập.

Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, hoạt động hàng không phải cắt giảm, chỉ còn khai thác vài chuyến bay mỗi ngày, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines (VNA) Dương Trí Thành đã có thư gửi toàn thể cán bộ, công nhân viên.

Theo ông Thành, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Đảng, Chính phủ và các địa phương đang áp dụng nhiều biện pháp mẹnh mẽ để phòng chống dịch. Đặc biệt, Thủ tướng đã tuyên bố dịch COVID-19 trên toàn quốc và thực hiện biện pháp cách ly toàn xã hội từ 0h00 ngày 1/4.

Ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát, VNA đã có nhiều biện pháp để chủ động ứng phó. Trong đó mục tiêu cao nhất là đảm bảo sức khoẻ của người lao động, hành khách và cộng đồng xã hội, thực hiện sứ mệnh hãng hàng không quốc gia.

Trong thời gian qua, VNA đã có hơn 2.000 cán bộ nhân viên, trong đó có hơn 400 cán bộ là lãnh đạo tổng công ty, cán bộ các cấp phải cách ly, thậm chí đã có 4 cán bộ nhân viên của VNA nhiễm bệnh. Tuy nhiên, tất cả đã không chùn bước, hơn 3 tháng qua, VNA đã tổ chức nhiều chuyến bay giải cứu, đưa công dân về nước, có cả chuyến bay vào thẳng tâm dịch Vũ Hán (Trung Quốc).

Từ 7h ngày 25/3, VNA đã dừng khai thác toàn bộ đường bay quốc tế, và từ 0h00 ngày 1/4 chỉ thực hiện một số chuyến bay/ngày nối Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng.

“Đây là một quyết định đặc biệt khó khăn và có tính lịch sử trong quá trình hình thành và phát triển ngành hàng không Việt Nam nói chung và Hãng hàng không quốc gia nói riêng.  Bởi trong quá trình hoạt động của mình, chưa bao giờ chúng ta phải đột ngột dừng gần như toàn bộ hoạt động với gần 100 máy bay trong tổng số 106 máy bay hiện có. Dự kiến, năm 2020, VNA sẽ giảm tải cung ứng khoảng 60%; doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng, tương đương giảm 65% so với kế hoạch. Cũng như các Hãng Hàng không khác, chúng ta đang đối mặt với những thách thức mang tính sống còn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình”, ông Thanh chia sẻ.

Do đó, VNA sẽ thực hiện một số giải pháp đột phá, như: tái cơ cấu lao động, tinh giản biên chế; tổ chức lại bộ máy, dây chuyền sản xuất; điều chỉnh thu nhập; cắt toàn bộ các khoản chi chưa thực sự cấp bách; giãn/hoãn các khoản chi có thể; đàm phán để giảm đơn giá, giảm giá đối với các hợp đồng đã ký kết…

Những điều chỉnh trên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tất cả cán bộ công nhân viên trong toàn tổng công ty, khi hơn 50% người lao động của VNA phải ngừng việc; toàn bộ người lao động phải giảm lương thậm, chí cán bộ từ cấp Ban trở lên tự nguyện không nhận lương.

“Lãnh đạo tổng công ty ghi nhận và xin chia sẻ những khó khăn này với các đồng chí, các anh, chị, em và gia đình trong hoàn cảnh đặc biệt này”, ông Thành viết.

Theo lãnh đạo VNA, giai đoạn đến tháng 6 hoặc lâu hơn nữa sẽ rất khó khăn, nhưng VNA sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp đã có cùng với việc tiếp tục chủ động trong phòng, chống dịch bệnh. Cùng đó, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ theo lệnh của Chính phủ, và chuẩn bị sẵn sàng cho sự phục hồi của thị trường hàng không trong tương lai.

Theo thống kê, Vietnam Airlines Group hiện có khoảng hơn 20.000 cán bộ, nhân viên, trong đó lực lượng phi công là 1.200 người, kỹ sư máy bay có 2.500 người, đội ngũ tiếp viên 3.000 người. Với tỷ lệ 50% phải ngừng việc, tức sẽ có hơn 10.000 người VNA tạm thời phải nghỉ việc trong giai đoạn hiện nay.

Tháng 3 vừa qua, Cục Hàng không dự tính các hãng hàng không Việt Nam thiệt hại khoảng 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua con số thất thu dự kiến của VNA kể trên, có thể thấy con số thiệt hại của toàn ngành hàng không Việt Nam sẽ rất lớn do dịch COVID-19.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.