Việt Nam ủng hộ Trung Quốc 100.000 USD chống lũ lụt

Nước lũ dâng cao gần ngập cột đèn ở TP Trùng Khánh, Trung Quốc. (Ảnh: AP)
Nước lũ dâng cao gần ngập cột đèn ở TP Trùng Khánh, Trung Quốc. (Ảnh: AP)
TPO - Xuất phát từ tình hữu nghị truyền thống và tinh thần tương trợ lẫn nhau giữa hai nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam quyết định ủng hộ Chính phủ và nhân dân Trung Quốc 100.000 USD nhằm hỗ trợ khắc phục hậu quả lũ lụt, động đất, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết.

Từ đầu tháng 6/2020 đến nay, mưa lớn, lũ lụt và động đất đã xảy ra tại nhiều địa phương của Trung Quốc, gây tổn thất và thiệt hại to lớn về người và tài sản cho nhân dân vùng bị nạn. 

Những vùng rộng lớn ở miền trung và miền đông Trung Quốc tiếp tục quay cuồng trong trận lũ lụt tồi tệ nhất trong nhiểu thập kỷ. 

Các tỉnh thành miền trung như Vũ Hán, An Huy, Giang Tây và Chiết Giang hôm nay đã nâng cảnh báo lên mức đỏ, khi mưa lớn đã khiến nước trên các sông hồ tràn bờ. 

Vũ Hán, thành phố nằm bên sông Trường Giang và là nơi đầu tiên trên thế giới bùng phát đại dịch COVID-19, vừa cảnh báo người dân thận trọng khi mực nước đang tiến nhanh lên mức tối đa có thể bảo đảm an toàn. 

Nước ở hồ chứa của đập thủy điện Tam Hiệp đang cao hơn 10m so với mức cảnh báo, với tốc độ chảy vào đạt hơn 50.000m3/s. 

Nước ở hồ Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất của Trung Quốc ở tỉnh Giang Tây, đang cao hơn 2,5m so với mức cảnh báo. Hồ đã mở rộng hơn 2.000km2 trong mùa lũ và một số khu vực dân cư xung quanh đã bị ngập.

Ở phía đông, hồ Tai gần Thượng Hải cũng đã được ban hành cảnh báo đỏ sau khi nước tăng lên gần nửa mét so với ngưỡng an toàn. 

Các hoạt động kinh tế ở nhiều khu vực của Trung Quốc tiếp tục bị gián đoạn vì lũ lụt, ảnh hưởng xấu đến triển vọng phục hồi kinh tế của nước này trong quý 2, sau khi trải qua quý 1 suy thoái vì khủng hoảng COVID-19.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.