Việt Nam - Trung Quốc đồng thuận thúc đẩy dòng chảy thương mại song phương

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sẽ có những giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xây dựng thương hiệu tại thị trường Trung Quốc cũng như đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho các loại nông sản của Việt Nam… là một trong những nội dung được Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc bàn thảo, thống nhất tại Kỳ họp lần thứ 12 Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc, diễn ra tại Hà Nội ngày 27/11 .

10 tháng, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt gần 2 tỷ USD

Phát biểu tại kỳ họp, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đưa ra một số đề xuất liên quan hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xây dựng thương hiệu tại thị trường Trung Quốc; đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho các loại nông sản của Việt Nam; thúc đẩy ký kết thỏa thuận khung về thương mại gạo giữa hai nước.

Bộ Công Thương cũng đề nghị các cơ quan chức năng Trung Quốc dành thời gian quá độ cho tôm hùm bông khi nhập khẩu vào Trung Quốc đồng thời mở rộng danh sách các cửa khẩu biên giới Trung Quốc với Việt Nam được phép nhập khẩu nông sản, thủy sản, lương thực cũng như hoàn tất các thủ tục thành lập Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hải Khẩu (Hải Nam, Trung Quốc) trong năm nay.

Hai bên cũng thống nhất tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và phối hợp công tác giữa Bộ Công Thương, các địa phương Việt Nam với các địa phương Trung Quốc và triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã ký kết như “Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa Việt - Trung”. Ngoài ra, hai bên ủng hộ, tạo thuận lợi và dành ưu đãi để doanh nghiệp Việt Nam tăng cường hiện diện, thuê kho bãi và xuất khẩu qua các Khu thí điểm thương mại điện tử hay Khu thí điểm thương mại tự do của Trung Quốc.

Phát biểu tại kỳ họp, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào bày tỏ sẵn sàng phối hợp với phía Việt Nam giải quyết các vấn đề hai bên quan tâm. Phản hồi về các vấn đề Việt Nam quan tâm trong lĩnh vực nông sản xuất khẩu, ông Vương Văn Đào cho hay, thị trường Trung Quốc có nhu cầu lớn và hoan nghênh nông sản chất lượng cao của Việt Nam.

Việt Nam - Trung Quốc đồng thuận thúc đẩy dòng chảy thương mại song phương ảnh 1

Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến mở cửa cho hàng hóa xuất khẩu giữa hai nước.

Theo Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, sau 10 tháng kể từ khi sầu riêng được Trung Quốc mở cửa thị trường (cuối năm 2022), kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đã đạt gần 2 tỷ USD và dự kiến sẽ vượt xa con số này trong cả năm. Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ tiếp tục điều phối, thúc đẩy Hải quan Trung Quốc mở cửa thị trường đối với nông sản Việt Nam.

Với vướng mắc trong xuất khẩu tôm hùm bông, Bộ trưởng Vương Văn Đào cho biết, doanh nghiệp Việt Nam cần khẩn trương đăng ký cơ sở sản xuất và đóng gói với Hải quan Trung Quốc. Các cơ quan chủ quản hai nước cần sớm triển khai công tác kiểm tra đánh giá doanh nghiệp, vùng trồng theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến để tôm hùm bông có thể được xuất khẩu vào Trung Quốc.

Nhiều đề xuất mở cửa cho hàng hóa hai nước

Về đề nghị phối hợp phân luồng thông quan nhằm tránh tái diễn ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới, Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định rất coi trọng và sẵn sàng phối hợp triển khai các biện pháp tạo thuận lợi thông quan nhằm đảm bảo lợi ích của người nông dân Việt Nam. Về việc hỗ trợ phát hiện thương hiệu Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, phía Trung Quốc sẽ cung cấp môi trường kinh doanh thuận lợi và tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam xây dựng được chỗ đứng trên thị trường Trung Quốc.

“Việt Nam đã xây dựng được gian hàng quốc gia trên một số nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc. Nhiều sản phẩm của Việt Nam rất được ưa chuộng và bán rất chạy. Quan hệ kinh tế thương mại với các địa phương đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại hai nước phát triển lành mạnh, ổn định”, ông Vương Văn Đào cho hay.

Việt Nam - Trung Quốc đồng thuận thúc đẩy dòng chảy thương mại song phương ảnh 2

Theo Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, sau 10 tháng xuất khẩu chính ngạch, sầu riêng Việt Nam đã đạt kim ngạch gần 2 tỷ USD xuất sang Trung Quốc.

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cũng cho biết, tiếp tục ủng hộ việc thành lập các Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, đề nghị phía Việt Nam tăng cường trao đổi, đạt được thống nhất với các địa phương dự kiến thành lập Văn phòng Xúc tiến thương mại thời gian tới như Giang Tô, Tứ Xuyên; đồng thời đề nghị 2 bên cùng trao đổi, thúc đẩy Bộ Ngoại giao đẩy nhanh các thủ tục liên quan để có thể thành lập Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hải Khẩu (tỉnh Hải Nam, Trung Quốc).

Về các đề xuất của phía Trung Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ hoan nghênh và mong muốn Trung Quốc cùng phối hợp chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực phòng vệ thương mại và thương mại điện tử. Bộ Công Thương sẵn sàng phối hợp thúc đẩy các bộ ngành và địa phương liên quan trong việc mở, nâng cấp các cửa khẩu, xây dựng cửa khẩu thông minh tại Lạng Sơn, nâng cao mức độ thuận lợi hóa thông quan cũng như tăng cường hợp tác về nông nghiệp.

Về đầu tư, hai bên chia sẻ những quan tâm của nhau trong lĩnh vực đầu tư đặc biệt là tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư. Theo đó, phía Việt Nam đề nghị Trung Quốc tiếp tục triển khai các dự án sử dụng Quỹ hợp tác đặc biệt Mê Công - Lan Thương trong đó mở rộng quy mô và lĩnh vực cung cấp viện trợ không hoàn lại cho phía Việt Nam và đẩy nhanh tiến độ triển khai gói viện trợ không hoàn lại. Ở chiều ngược lại, phía Trung Quốc cũng chia sẻ mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế số, phát triển xanh; tăng cường hợp tác công nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...

Theo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi - Bộ Công Thương, Việt Nam và Trung Quốc đã và đang là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của nhau. Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất, nguồn cung ứng hàng hóa lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Việt Nam cũng đã trở thành quốc gia có quy mô trao đổi thương mại lớn thứ 4 với Trung Quốc trên thế giới (năm 2022). Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, quy mô thương mại Việt Nam - Trung Quốc năm 2022 đạt 175,56 tỷ USD, tăng 5,47% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 57,7 tỷ USD, tăng 3,18%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 117,8 tỷ USD, tăng 6,63%. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ.

MỚI - NÓNG
ĐIỂM TIN 9/10: Người xưng ‘sư thầy Thích Tâm Phúc’ rút kháng cáo; Chuyên gia lo ngại siêu bão Milton
ĐIỂM TIN 9/10: Người xưng ‘sư thầy Thích Tâm Phúc’ rút kháng cáo; Chuyên gia lo ngại siêu bão Milton
TPO - TIN NÓNG: Người tự xưng ‘sư thầy Thích Tâm Phúc’ bất ngờ rút kháng cáo; Sở GD&ĐT Nghệ An yêu cầu làm rõ trách nhiệm vụ việc 6 trẻ mầm non bị bạn đánh; Lý do khiến giới chuyên gia khí tượng lo ngại siêu bão Milton; Điện Kremlin nói về thông tin ông Trump nhiều lần gọi điện cho Tổng thống Putin.