Theo Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, hiện tại 5 cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn là Chi Ma, Hữu Nghị, Tân Thanh, Cốc Nam và ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng đang duy trì ổn định hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, với trên 1.000 phương tiện xuất nhập khẩu thông quan mỗi ngày.
Qua thống kê của lực lượng chức năng, trung bình mỗi ngày có khoảng 350-400 phương tiện chở mặt hàng hoa quả tươi các loại lên khu vực cửa khẩu của tỉnh để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. |
Liên quan tới hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, theo thông tin từ UBND tỉnh Lạng Sơn, Đề án thí điểm nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu Chi Ma được Chính phủ phê duyệt và có hiệu lực trong 2 năm, bắt đầu từ ngày 1/10/2021 đến 1/10/2023.
Từ khi triển khai Đề án đến nay, mới chỉ có 1 lô hàng dược liệu của Công ty CP dược liệu Việt Nam, trị giá trên 430.000 USD, trọng lượng hơn 23 tấn, tiền thuế thu được gần 510 triệu đồng, được thông quan qua cửa khẩu này. Do vậy, Đề án chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng.
Một trong những lý do là hạ tầng kho bảo quản ở cả hai bên cửa khẩu đều chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp nhập khẩu dược liệu. Mặc dù UBND tỉnh Lạng Sơn đã tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành của địa phương phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, tuy nhiên việc nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu Chi Ma rất ít.
Trước thực tế đó, UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Thủ tướng xem xét cho phép dừng triển khai thực hiện Đề án theo Nghị quyết số 111/NQ-CP ngày 23/9/2021. Đồng thời, trên cơ sở nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp, tỉnh Lạng Sơn sẽ nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng việc nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu song phương Chi Ma (Việt Nam) - Ái Điểm (Trung quốc) vào thời điểm thích hợp.
UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, ngoài việc dược liệu nhập khẩu không như mong muốn thì tình hình xuất nhập khẩu ở Lạng Sơn diễn ra bình thường.