Việt Nam thu hàng tỷ USD nhờ xuất khẩu rau quả

Đến giữa tháng 12.2014, xuất khẩu thủy sản đạt kim ngạch gần 7,5 tỉ USD, cao hơn năm trước hơn 1 tỉ USD. Ảnh: Chí Nhân.
Đến giữa tháng 12.2014, xuất khẩu thủy sản đạt kim ngạch gần 7,5 tỉ USD, cao hơn năm trước hơn 1 tỉ USD. Ảnh: Chí Nhân.
Từ một nền kinh tế ngập trong nhập siêu, Việt Nam đã xuất siêu hàng tỉ USD. Đây cũng là năm thứ 3 Việt Nam xuất siêu liên tiếp với con số xuất siêu tăng dần. Từ tháng 1 - 11/2014, xuất khẩu rau quả đạt 1,36 tỉ USD, tăng 40,3%.

Năm 2012, VN xuất siêu 284 triệu USD, qua năm 2013 con số này đạt 863 triệu USD và tính đến giữa tháng 12/2014, xuất siêu đạt gần 2,4 tỉ USD.

Hàng tỉ USD từ xuất khẩu rau quả

Nhiều mặt hàng quan trọng như thủy sản, nhân điều, cà phê, hạt tiêu và thậm chí là cả rau quả đều có mức tăng từ 20 - 40%. Các thị trường xuất khẩu lớn của VN như Mỹ, Nhật, châu Âu đều có mức tăng trưởng tốt, từ 10 - 21%.

Chỉ tính riêng thủy sản, theo Tổng cục Hải quan, tính đến 15/12/2014, xuất khẩu ngành hàng này đạt gần 7,5 tỉ USD, tăng gần 1,5 tỉ USD so với năm 2013, đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 19%, cao nhất trong 3 năm qua.

Lý giải về tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu thủy sản, ông Nguyễn Văn Kịch, Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Cafatex (Hậu Giang) cho biết công ty này chọn cách đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng cao, đúng nhu cầu của các thị trường giàu có nhưng khó tính như Nhật, EU, Mỹ. Nhờ vậy mà giá trị xuất khẩu tăng trưởng ổn định. Về khách quan, việc sản xuất tôm của Thái Lan vẫn chưa hồi phục cũng là một thuận lợi cho VN. Xuất khẩu tôm đã tăng vọt trong tháng 11, đến giữa tháng 12 kim ngạch đạt 3,7 tỉ USD, tăng 31% so với cùng kỳ và dự kiến năm nay sẽ đạt 4 tỉ USD.

Một điểm sáng khác là mặt hàng rau quả, khi năm 2013 có giá trị xuất khẩu đạt 9,6 triệu USD đã được xem là sự thành công lớn, thì từ tháng 1 - 11/2014, con số đạt được lên đến 1,36 tỉ USD, tăng 40,3%, tương ứng tăng 390 triệu USD.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) Huỳnh Quang Đấu cho biết: Năm 2014 riêng công ty xuất khẩu trên 11.000 tấn rau quả đông lạnh và đóng hộp đi nhiều nước như Mỹ, Nhật, Canada, châu Âu... đạt doanh thu trên 12 triệu USD với tốc độ tăng trưởng khoảng 17% so với năm 2013. Ông Đấu cho rằng: “Xét về con số cụ thể thì kim ngạch của ngành rau quả so với các ngành khác cũng không phải lớn, song nó mang nhiều ý nghĩa. Đó là thế giới có nhu cầu lớn về rau quả nhiệt đới của chúng ta. Trong nước, bà con nông dân dần quen với hình thức sản xuất sạch. Việc này sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái cơ cấu nền nông nghiệp diễn ra nhanh và thuận lợi hơn”.

Doanh nghiệp nội nỗ lực hồi phục

TS Lê Đăng Doanh nhận định xuất siêu là điều đáng mừng. Chỉ có điều là phần lớn do các doanh nghiệp (DN) nước ngoài thực hiện, cho nên giá trị gia tăng của VN đạt được không cao. Nhưng các mặt hàng nông sản, thủy sản, khoáng sản là chúng ta tự xuất. Phần xuất của DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là điện thoại, máy tính... Đối với mặt hàng điện thoại di động chúng ta tham gia được chỉ khoảng 8%. Còn ở các ngành khác như dệt may, da giày cũng là gia công là chủ yếu nên phần giá trị gia tăng cũng chỉ khoảng 25%.

Nhưng không thể phủ nhận, bức tranh xuất khẩu cho thấy sự nỗ lực của các DN trong nước để vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất. Cụ thể: năm 2013, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của các DN FDI đến 26,3% trong khi khu vực nội địa tăng trưởng chỉ vỏn vẹn có 1,5%. Nhưng năm 2014, xuất khẩu của các DN FDI tăng 14,1% (kể cả dầu thô) còn khu vực nội địa là 13%. 

Như vậy tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của hai khối DN đã tương đương nhau. Còn so với con số tăng trưởng 1,5% của năm 2013 và 13% của năm 2014 thì rõ ràng là các DN trong nước đã có sự nỗ lực rất lớn. Đó là chưa kể, kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành nhiên liệu và khoáng sản vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn ở những năm trước thì sang năm 2014 đã âm 4,2%, đạt 8,4 tỉ USD, chiếm tỷ trọng 6,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhìn "toàn cục" như vậy có thể thấy, hoạt động sản xuất của khối DN trong nước đã dần hồi phục và phát triển. Họ đã có những đóng góp tích cực cho thành tích xuất siêu của năm 2014.

Với "nền tảng" như vậy, ông Nguyễn Văn Kịch cho rằng năm 2015 này, xuất khẩu của công ty sẽ tốt hơn và tiếp tục đà tăng trưởng của năm 2014. Vì theo các chuyên gia dự đoán, giá dầu sẽ tiếp tục giảm hoặc duy trì ở mức thấp ít nhất đến giữa năm. Những nước nhập khẩu, sử dụng dầu sẽ lợi hơn và họ cũng chính là thị trường xuất khẩu lớn của VN nên khả năng tăng trưởng ở các thị trường này là rất tốt.

Với tư cách là Phó chủ tịch Hiệp hội rau quả VN, ông Đẩu cũng tự tin về hoạt động xuất khẩu rau quả trong năm 2015. Thị trường rau quả thế giới trị giá cả trăm tỉ USD mỗi năm nên con số hơn 1 tỉ USD của VN là hết sức nhỏ bé. Đặc biệt, việc nhiều hiệp định thương mại tự do sắp được ký sẽ mở ra cơ hội rất lớn về mặt thị trường.

Theo Chí Nhân

Theo Thanh Niên
MỚI - NÓNG