Các cơ quan chức năng và khu vực quốc doanh chỉ còn lại 3 tháng để thực hiện kế hoạch cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2014 - 2015. Quá trình này dường như đang đi chậm hơn so với kế hoạch khi 6 tháng đầu năm nay, cả nước mới cổ phần hóa được 61 đơn vị, tiếp theo 143 doanh nghiệp trong năm 2014. Báo cáo mới đây của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phân tích trở ngại lớn đối với công tác này là thiếu nhà đầu tư chiến lược sẵn sàng tham gia mua cổ phiếu chào bán ra công chúng lần đầu (IPO).
"Dù Việt Nam đã nới lỏng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng các nhà đầu tư vẫn chưa hào hứng do còn quan ngại về vấn đề quản trị doanh nghiệp và minh bạch tài chính", ADB nhận định.
Giữa bối cảnh đó, từ nhiều tháng qua, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã rốt ráo thực hiện các cuộc xúc tiến đầu tư cả ở trong nước và nước ngoài để đẩy nhanh quá trình bán vốn, như hội nghị với nhà đầu tư quốc tế tại New York (Mỹ) hồi tháng 7, hay giữa tuần này, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cùng Tạp chí Euromoney đồng tổ chức mời 700 doanh nghiệp, nhà đầu tư trên toàn cầu tới Hà Nội để gặp gỡ các nhà quản lý Việt Nam, trao đổi về cơ hội làm ăn.
"Việt Nam luôn trăn trở làm sao để nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của doanh nghiệp Nhà nước có hiệu quả và thu được lợi nhuận", ông Phạm Viết Muôn - nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, người nhiều năm gắn bó với công tác cổ phần hóa bày tỏ chia sẻ. Ông tiếc rằng quá trình làm việc giữa hai bên nhiều khi còn khúc mắc nên kết quả đạt được chưa như mong muốn.
“Tại sao bán được ít? Tôi cũng muốn hỏi nhà đầu tư tại sao lại mua ít thế? Chúng tôi và các bạn như hai mặt của tờ giấy, nếu thiếu một mặt không thể tạo thành một tờ giấy được", ông Muôn nói.
Theo ông, nhà đầu tư rất quan tâm xem liệu họ có được nắm cổ phần chi phối và có tiếng nói tại doanh nghiệp hay không, nên quy định Chính phủ sẽ mở bao nhiêu "room" là rất cần thiết. Ngay cuối năm 2014, một danh mục phân loại cụ thể ngành nào Nhà nước cần nắm toàn bộ vốn, 75%, 50-65% và không cần nắm cổ phần chi phối đã được ban hành, nhưng điều đáng nói là ngay cả khi đã có văn bản, vốn vẫn không bán được nhiều. Một trong những nguyên nhân được vị này chỉ ra là nhà đầu tư nước ngoài nghiên cứu quá kỹ lưỡng, có thương vụ phải mất đến 4-5 năm mới hoàn thành.
“Nhà đầu tư nước ngoài nghiên cứu kỹ quá, mà kỹ quá thì mất cơ hội. Đây cũng là cái khó”, vị này nhận định.
Tuy nhiên, nhà đầu tư ngoại cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế của Việt Nam, chủ yếu liên quan đến sự minh bạch thông tin, quản trị doanh nghiệp. Một báo cáo mới đây cho biết nhiều doanh nghiệp Nhà nước chưa thực hiện nghiêm túc việc công khai thông tin, khiến nhà đầu tư cảm thấy không chắc chắn khi rót vốn. Bản thân ông Muôn cũng thừa nhận làm sao để nhà đầu tư cảm thấy thông tin minh bạch là một trong những điều doanh nghiệp Việt Nam chưa làm được và cần cải thiện trong thời gian tới.
Ngoài ra, hàng hóa chất lượng trên thị trường là "của hiếm", gây khó khăn cho người mua, ví dụ Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) chỉ chào bán ra ngoài gần 3,5% cổ phần, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với hơn 4%... "Nhiều công ty tỷ lệ bán ra rất thấp. Trong hai năm vừa qua chỉ có một phần ba số cổ phần trong quá trình tư nhân hóa được bán thực sự", ông Andy Ho - Giám đốc một quỹ đầu tư của VinaCapital cho biết.
Trong thương vụ IPO cảng Hải Phòng, do miếng bánh có quá nhiều người để ý, Quỹ dự trữ Quốc gia quốc vương Oman (SGRF) phải gửi văn bản đến Thủ tướng đề xuất mua toàn bộ phần vốn Nhà nước muốn thoái tại cảng biển lớn nhất miền Bắc này. Thậm chí nếu mức thoái vốn tiếp theo vượt quá tỷ lệ cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu, quỹ cũng sẵn lòng hợp tác với các công ty trong nước được Chính phủ giới thiệu hoặc chỉ định.
Trước vấn đề này, ông Đặng Quyết Tiến - Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho hay hiện Chính phủ đã tạo một khung pháp lý về công khai thông tin đối với doanh nghiệp Nhà nước như công ty đại chúng. Với những doanh nghiệp chưa bán được hết vốn, cơ quan quản lý đang rà soát lại để bán nốt cổ phần đã được phê duyệt theo phương án cổ phần hóa, trong đó tính tới bán cả lô cho cổ đông chiến lược và được quyền yêu cầu doanh nghiệp công khai thông tin.
"Tôi rất mong muốn nhà đầu tư chiến lược mua mạnh hơn nữa. Chúng tôi đẩy ra thị trường khoảng 200.000 tỷ đồng, tương ứng 10 tỷ USD. Dần dần đầu tư và chúng tôi phải đứng cùng một bên chiến hào, chứ không phải hai bên nữa", ông Muôn nhấn mạnh.
Trong tâm thế một nhà đầu tư đã từng mua cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hóa, ông Phạm Quang Dũng - Phó chủ tịch Tổng Công ty Thăng Long cho hay đây là thời điểm thuận lợi nhất cho nhà đầu tư nước ngoài vì Chính phủ đang tạo mọi điều kiện, mở rộng cửa và sẵn sàng sửa đổi chính sách cho phù hợp để thu hút vốn. "Nhà đầu tư nước ngoài nên nghiên cứu đầu tư vào doanh nghiệp Nhà nước không nắm giữ, còn Nhà nước mà giữ quyền chi phối thì phải nghiên cứu", ông khuyến nghị.
Bằng kinh nghiệm của mình, ông cho hay người mua có quyền được mặc cả với bên bán, ví dụ như chỉ mua khi được giữ ghế trong Hội đồng quản trị. "Nhà đầu tư nước ngoài được mở hết cỡ đó, các bạn nên cân nhắc", ông kêu gọi.
Trước 700 nhà đầu tư toàn cầu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng gửi đi thông điệp Việt Nam luôn hoan nghênh các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư lâu dài và mong muốn đối thoại để hai bên cùng thành công.