Sáng 5/11, tại Phú Thọ diễn ra Diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao” hướng tới mục tiêu chuyển đổi 70% diện tích sang các giống chè mới vào năm 2025.
Các đại biểu trao đổi tại Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao. |
Theo Cục trồng trọt, diện tích chè cả nước năm 2023 đạt hơn 122.000 ha, giảm khoảng 12.000 ha so với năm 2015, tốc độ giảm bình quân 0,32%/năm. Nguyên nhân do Lâm Đồng và một số tỉnh miền núi phía Bắc đã chuyển đổi diện tích chè già cỗi, giống cũ, năng suất và chất lượng thấp sang cây trồng khác, đặc biệt chuyển đổi sang cây ăn quả tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Trái ngược với diện tích, năng suất chè tăng từ gần 86 tạ/ha lên hơn 100 tạ/ha, điều này đạt được là do thay đổi cơ cấu giống và kỹ thuật canh tác.
Tuy diện tích giảm nhưng do năng suất tăng nên sản lượng chè năm 2022 đạt hơn 1,1 triệu tấn, tăng 125.000 tấn so với năm 2015.
Các sản phẩm chè của Việt Nam. |
Năm 2023, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt hơn 120.000 tấn, trị giá hơn 210 triệu USD, giảm 17% về lượng và 11% về giá trị so với năm 2022. Giá chè xuất khẩu trung bình trong năm 2023 ước đạt 1.737 USD/tấn, tăng 7,3% so với năm 2022.
6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu chè đạt 62.000 tấn, trị giá 106 triệu USD, tăng 28,3% về lượng và tăng 30% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá bình quân chè xuất khẩu đạt 1.710,0 USD/tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Phát biểu tại diễn đàn, Ông Hoàng Vĩnh Long - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam - cho biết: “Việt Nam là một nước sản xuất và xuất khẩu chè đứng thứ 5 trên thế giới. Ngành chè nước ta có trên 1,5 triệu người trực tiếp tham gia trồng và sản xuất chè và khoảng 2,5 triệu người gián tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè”.
Ông Hoàng Vĩnh Long - Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam - phát biểu tại diễn đàn. |
Đáng nói, giá chè xuất khẩu bình quân của nước ta chỉ đạt khoảng 65% so với mức bình quân của thế giới và chỉ bằng 55% giá bình quân của chè xuất khẩu từ Ấn Độ và Sri Lanka. Nguyên nhân bởi phần lớn chè xuất khẩu của Việt Nam là hàng thô, chưa qua chế biến sâu, đóng gói đơn giản, thiếu nhãn mác, thương hiệu rõ ràng.
Hiện nay, sản phẩm chè Việt Nam đã xuất khẩu đi nhiều nước và vùng lãnh thổ, trong đó Pakistan, Đài Loan (Trung Quốc), Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU là những thị trường trọng điểm, chiếm khoảng 70% về lượng và hơn 70% về trị giá xuất khẩu.
Tuy nhiên, thị trường chè thế giới còn khó tính, đòi hỏi sự an toàn và chất lượng sản phẩm. Do đó, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất chè phải chịu trách nhiệm về an toàn đối với thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh theo đúng quy chuẩn do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp phép trên 260 thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam để phòng trừ sâu, bệnh đối với cây chè. Với thành phẩm đầu ra, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 50/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016 quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm chè. Dư lượng kim loại nặng trên chè cũng được quy định chi tiết.