Đồi chè “vạn người mê” nằm dọc theo tuyến Quốc lộ 37 Tuyên Quang đi Yên Bái thuộc địa phận phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang) và xã Mỹ Bằng (Yên Sơn). Mỹ Bằng có địa hình đồi bát úp, thuận lợi cho cây chè phát triển. Chính sự ưu ái của thiên nhiên và khí hậu nên những đồi chè nơi đây lúc nào cũng xanh mướt. |
Đồi chè ở đây mênh mông, trải dài tít tắp với hình dáng uốn lượn như những thửa ruộng bậc thang đầy quyến rũ. Người nông dân đã dành ra cả hàng chục năm để có được những thửa ruộng đẹp như ngày hôm nay. |
Hiện nay, tại xã Mỹ Bằng, bà con hầu hết trồng chè theo mô hình sản xuất tập thể kết hợp với doanh nghiệp. Công nhân sẽ chia về từng tổ đội để sản xuất và thu hoạch. |
Trên nông trường trồng chè tại Mỹ Bằng (Mỹ Lâm, Yên Sơn, Tuyên Quang) những ngày gần đây nhộn nhịp bước vào vụ thu hoạch chè lớp hai. Bà con nông dân, công nhân nông trường tay kéo máy, tay cầm tải để đựng chè vừa mới thu hoạch. |
Người trồng chè cho biết ở giai đoạn cây mới trồng người dân sẽ rắc vôi bột khử khuẩn và bón lót với phân lân. Ở mỗi tổ đều có đội bảo vệ thực vật riêng nên khi có bệnh phát sinh sẽ có người đến kiểm tra ngay, nếu cần thiết sẽ tiến hành phun thuốc và cách ly đúng ngày. |
Đến giai đoạn thu hoạch, người thầu vườn sẽ thuê nhân viên về để cắt. Hiện nay, các đồi chè ở khu vực này đều được thu hoạch bằng máy. |
Mỗi máy cắt sẽ có 5 người đi kèm hỗ trợ cắt và một người phụ trách vác chè đã cắt về nơi tập kết. |
Ông Nguyễn Quốc Hùng (thôn Làng Ngòi, Mỹ Bằng) cho biết :"Ở đây trước là đồi chè mini của nông trường, trồng mô hình chè sạch để xuất khẩu nước ngoài. Sau đó công ty chia cho các hộ công nhân để thầu khoán, nhận chăm sóc và thu hoạch trong vòng 50 năm. Khu vực đội 23 có khoảng gần 200 hộ khoán, mỗi nhà thầu diện tích khoảng dưới 1 ha". |
Năm nay, thửa đồi rộng khoảng 8.000 m2 nhà anh Hùng thầu đã cho thu hoạch được hơn 1 tấn lớp một và lớp thứ hai dự kiến thu hoạch được khoảng 5 tấn. |
Chè được chăm sóc cẩn thận sẽ cho sản lượng cao và khoảng 45 ngày sẽ cho thu hoạch một lứa. |
Một chủ thầu cho biết vụ thu hoạch lớp hai này có sản lượng cao nên thành ra phải thu hoạch từ từ vì nhà máy làm không kịp. Theo ông, một ngày công ty chè nhập về khoảng 100 tấn, nếu để lâu chè sẽ hỏng nên người dân không thu hoạch luôn một mạch mà vừa làm vừa đợi, lúc nào phía công ty thông báo thu hoạch thì người dân mới tiếp tục thu hoạch. |
Thường sau khi cắt bằng máy sẽ có người đi sau để "mót" những phần chè đến độ thu hoạch mà máy không cắt tới được. |
Việc chăm sóc chè khá đơn giản. Người chăm chè sẽ bón phân lân theo thời kỳ một tháng/lần. Bên cạnh đó, việc làm sạch cỏ cũng góp phần quan trọng trong quá trình sinh trưởng của cây. |
Chè năm nay được người trồng chè đánh giá là đẹp hơn mong đợi và cho sản lượng cao. Sau khi thu hoạch, chè sẽ được nhập về công ty với giá dao động từ 4.700-4.800 đồng/kg. |
Hiện nay, đồi chè còn thu hút rất nhiều lượng khách du lịch đến check-in. Theo người dân, những năm gần đây nhiều người còn đầu tư trồng thêm những cây lấy bóng mát và có hoa như bằng lăng, phong linh, hoa ban để phục vụ nhu cầu chụp hình của du khách. Nếu đến đồi chè vào mùa hoa nở, mọi người sẽ tha hồ chụp ảnh đồi chè xanh mướt và thêm vào đó còn được điểm xuyến bằng sắc hoa. |