Việt Nam, điểm nóng các bệnh truyền nhiễm mới nổi

TP - Thông tin từ Hội thảo “Quản lý lâm sàng bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính nặng và bệnh truyền nhiễm mới nổi” do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới, Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức cho hay, Việt Nam là điểm nóng đối với các bệnh truyền nhiễm mới nổi có nguy cơ trở thành đại dịch.

Những năm gần đây, Việt Nam liên tục phải đối mặt với những dịch bệnh như SARS, cúm gia cầm H1N1, H5N1, sởi, tay chân miệng, và sốt xuất huyết (SXH). Đặc biệt từ đầu năm đến nay dịch SXH bùng phát trên cả nước khiến hàng chục người tử vong.

PGS.TS  Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý, Khám chữa bệnh nhấn mạnh, giai đoạn 1986 – 2006 tỷ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở y tế công lập giảm đáng kể nhưng đến năm 2010 bắt đầu tăng trở lại, chiếm 30% các ca tử vong tại các bệnh viện. Theo ông Khuê, các cơ sở khám chữa bệnh luôn trong tình trạng quá tải, năng lực quản lý, tiếp nhận, điều trị, thêm nữa các cơ sở khám chữa bệnh giữa các tuyến còn chênh lệch nhau khá lớn khiến các bệnh viện tuyến cuối liên tục phải đối mặt với tình trạng quá tải, nhất là trong các đợt dịch.

Thành lập hội đồng đánh giá việc phòng chống SXH

Liên quan đến bệnh truyền nhiễm, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết từ ngày 4-10/9, Hà Nội ghi nhận 2.325 trường hợp mắc SXH, giảm 1.244 trường hợp so với tuần cao điểm. Đến nay, toàn thành phố ghi nhận hơn 27.000 trường hợp, 7 ca tử vong.

Tuy nhiên một số quận/ huyện  như: Hoài Đức, Thường Tín, Ứng Hòa, Bắc Từ Liêm, Phú Xuyên tăng từ 10-20 ca/tuần. Nguyên nhân được chỉ ra là do người lao động mang bệnh từ nội thành về, cộng thêm số bệnh nhân tại chỗ. Ông Hạnh nhận định, dù dịch đã có dấu hiệu chững lại nhưng do thời tiết nắng-mưa thất thường, một số huyện ngoại thành có số ca mắc tăng nếu công tác chống dịch không tiếp tục quyết liệt, nguy cơ dịch lại bùng lên trong thời gian tới.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết thêm, công tác phòng chống dịch SXH vẫn tồn tại yếu kém ở 2 khâu, đó là diệt bọ gậy và phun hoá chất chưa triệt để.

TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho hay, qua kết quả giám sát tại 8 xã/phường của 8 quận/huyện, nhiều nơi tỷ lệ phun hoá chất đạt rất thấp, số hộ gia đình còn ổ bọ gậy vẫn cao.

Để có những biện pháp chống dịch có hiệu quả, ông Hạnh cho biết, Bộ Y tế vừa thành lập hội đồng gồm 20 giáo sư, chuyên gia trong đó có sự tham gia của đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) và GS. TS Trịnh Quân Huấn, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế là Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng này cũng đã họp nhằm xem xét, đánh giá toàn bộ công tác phòng chống dịch trên địa bàn thành phố hiện tại và tương lai để tiếp tục đưa ra các giải pháp.

Hiện Hà Nội có 40 máy phun mù nóng, bảo đảm ít nhất mỗi quận/huyện có 1 máy. Thời gian tới, công tác diệt bọ gậy và phun hoá chất tiếp tục được triển khai.

MỚI - NÓNG