Trung tâm Thính học (Bệnh viện Nhi T.Ư) như ngôi nhà nhỏ thứ 2 của nhiều trẻ không may mắc bệnh khiếm thính. Bé N.T.P. (5 tuổi, Nam Định) đã gắn bó với các cô giáo ở đây được gần 3 năm. Anh Nguyễn Khắc Trường, bố bé P. cho biết, khi bé khoảng 10 tháng tuổi, anh nhận thấy con trai chậm nói, không phản ứng với các tiếng động ở phía sau. Khi ấy, cả gia đình cứ nghĩ bé chỉ chậm bình thường nên không đưa cháu đi khám ngay. Đến khi con được 2 tuổi, thấy con không đáp lời khi bố mẹ gọi, không hứng thú chơi với các bạn cùng tuổi, phải nói rất to thì con mới nghe thấy, anh Trường mới đưa bé đến khám tại Trung tâm thính học. Bé P. được chẩn đoán nghe kém, được điều trị và luyện nghe nói từ đó.
Sàng lọc thính giác cho trẻ sơ sinh nên được tiến hành trong vòng 1 tháng sau khi sinh, chẩn đoán xác định trong vòng 3 tháng sau sinh và tiến hành can thiệp (nếu trẻ bị nghe kém) trong vòng 6 tháng sau sinh.
Bệnh nhi L.P.Th. (Hà Nội) cũng là một trường hợp như bé P., khi bé được 15 tháng tuổi, bố mẹ bắt đầu lo lắng vì thấy con trầm lặng khác thường. Th. không quay lại khi người khác gọi tên, không giật mình khi có tiếng động lớn và cũng không bi bô những tiếng quen thuộc như trẻ cùng lứa tuổi. Gia đình đưa con đến khám tại Bệnh viện Nhi T.Ư và Bệnh viện Tai Mũi Họng T.Ư và đều được chẩn đoán điếc mức độ sâu.
Bác sĩ Lại Thu Hà, khoa Tai Mũi Họng (Bệnh viện Nhi T.Ư), cho biết, cả hai trường hợp bệnh nhi kể trên nằm trong nhóm nguy cơ cao do mẹ các cháu đều mắc rubella trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Ngoài ra, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghe kém ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Những yếu tố nguy cơ được xác định trên trẻ sơ sinh có thể kể đến: Trẻ sơ sinh dưới 28 ngày tuổi, trong gia đình có người bị nghe kém bẩm sinh hoặc tiến triển, bị nhiễm trùng trong thời kì mang thai, những bệnh liên quan đến nghe kém như: toxoplasmosis, rubella, herpes, giang mai. Bất thường sọ mặt bao gồm những bất thường về hình thái học của vành tai, ống tai, không có nhân trung, đường chân tóc thấp. Cân nặng khi sinh dưới 1.500 g. Bilirubin máu cao ở ngưỡng phải chỉ định thay máu. Dùng kháng sinh nhóm aminoglycosis hơn 5 ngày (gentamycin, tobramycin, kanamycin, streptomycin) và dùng thuốc lợi niệu phối hợp với nhóm aminoglycosis, Viêm màng não mủ. Những trẻ rất yếu khi sinh, có thể bao gồm những trẻ không tự thở trong 10 phút, những trẻ thở máy kéo dài từ 10 ngày trở lên.
Đối với trẻ từ 29 ngày đến 2 tuổi thì nguy cơ nghe kém có thể là bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ có vấn đề về nghe, nói, ngôn ngữ hoặc chậm phát triển, Viêm màng não mủ. Những yếu tố nguy cơ từ thời kì sơ sinh có liên quan đến nghe kém tiếp nhận (thở máy kéo dài và các bệnh di truyền). Chấn thương đầu đặc biệt với những chấn thương gẫy dọc và ngang xương thái dương. Có dấu hiệu hoặc những triệu chứng liên quan đến những hội chứng có suy giảm sức nghe như hội chứng Waardenburg hoặc Usher. Dùng kháng sinh nhóm aminoglycosis hơn 5 ngày (gentamycin, tobramycin, kanamycin, streptomycin) và dùng thuốc lợi niệu phối hợp với nhóm aminoglycosis. Trẻ có những bệnh thoái hóa thần kinh như u xơ thần kinh, động kinh, những trẻ mắc các bệnh nhiễm trùng có gây ra nghe kém như quai bị, sởi.
Cần sàng lọc nghe kém sớm
Bác sĩ Hà cho biết, trẻ bị suy giảm thính lực nếu không được phát hiện và can thiệp sớm (tốt nhất là trước 2 tuổi) sẽ không thể phục hồi ngôn ngữ như trẻ bình thường. Đây là nguyên nhân dẫn tới khó khăn trong học tập, giao tiếp và ảnh hưởng đến tâm lý xã hội của trẻ. Vì vậy, sàng lọc nghe kém sớm là vô cùng cần thiết đối với quá trình phát triển của trẻ. Sàng lọc thính giác cho trẻ sơ sinh nên được tiến hành trong vòng 1 tháng sau khi sinh, chẩn đoán xác định trong vòng 3 tháng sau sinh và tiến hành can thiệp (nếu trẻ bị nghe kém) trong vòng 6 tháng sau sinh.
Theo bác sĩ TS Nguyễn Tuyết Xương, Trưởng khoa Tai-Mũi-Họng (Bệnh viện Nhi T.Ư), các bác sĩ đã tiến hành sàng lọc khiếm thính bằng phương pháp đo âm ốc tai (OAE) kết hợp điện thính giác thân não (ABR). Nếu trẻ được phát hiện mất thính lực muộn (từ 2 – 3 tuổi) có thể gặp khó khăn trong phát âm, phát triển ngôn ngữ và nhận thức so với các trẻ bình thường, có thể phải gánh chịu những khuyết tật vĩnh viễn như bị câm, điếc. Theo nhận định của các chuyên gia thính học, đối với các gia đình có con bị khiếm thính, hành trình tìm kiếm lại âm thanh, khôi phục lại âm thanh để trẻ nghe được nói được thực sự rất kỳ công và đòi hỏi sự kiên trì của các bậc làm cha mẹ. Bác sĩ Xương khuyến cáo, gia đình nên cho bé tham gia sàng lọc khiếm thính sớm. Trong trường hợp nghi ngờ trẻ khiếm thính phải đi khám chuyên sâu để được những chuyên gia về thính học tư vấn chứ không tự ý tìm hiểu nghe tin xung quanh bởi thời gian để chăm sóc trẻ hiệu quả chỉ khoảng 3 đến 5 năm đầu đời.