Diễn đàn Du lịch Mê Công 2022, chủ đề “Tái thiết ngành du lịch, kiên cường phục hồi du lịch” được khai mạc tại Quảng Nam ngày 12/10 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam (VHTT&DL) chủ trì tổ chức, với sự phối hợp với Văn phòng Điều phối Du lịch Mê Công, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Sự kiện quy tụ các nhà lãnh đạo, chuyên gia du lịch trong khu vực thảo luận việc xây dựng lại ngành du lịch của GMS bằng cách áp dụng các phương pháp tiếp cận dựa vào khả năng phục hồi và tận dụng hiệu quả công nghệ để tạo ra một ngành du lịch bền vững và toàn diện hơn.
Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch, Bộ VHTT&DL phát biểu tại diễn đàn (ảnh: Hoài Văn). |
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết, du lịch Việt Nam đã chủ động, thích ứng triển khai nhiều giải pháp ứng phó với đại dịch COVID-19, vượt qua gần hai năm biến động.
Quyết định mở cửa lại du lịch quốc tế với các biện pháp mạnh mẽ được triển khai từ 15/3 là hết sức quan trọng, đúng thời điểm, được đưa ra trên cơ sở những nền tảng vững chắc và những bài học quan trọng rút ra trong công tác phòng chống dịch thời gian vừa qua.
“Có thể khẳng định, Việt Nam đã thành công khi mở cửa trở lại du lịch quốc tế, được UNWTO ghi nhận là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên dỡ bỏ hoàn toàn các rào cản đi lại liên quan đến COVID-19” - ông Khánh nói.
9 tháng năm 2022, Việt Nam đã đón hơn 1,6 triệu lượt khách quốc tế đến, phục vụ gần 87 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu khoảng 16,5 tỷ USD. Riêng trong Tiểu vùng Mê Công mở rộng, Việt Nam đã đón hơn 110.000 lượt khách từ các nước GMS.
Diễn đàn du lịch Mê Công 2022. |
Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch kêu gọi các bên liên quan nhìn nhận và định hình lại ngành du lịch để hướng tới một tương lai bền vững và toàn diện hơn. Mặc dù có những xu hướng tích cực trong phục hồi du lịch, môi trường kinh tế đầy thách thức do giá nhiên liệu tăng cao, lạm phát và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đã dẫn đến chi phí vận chuyển và lưu trú cho ngành du lịch tăng cao. Điều này tạo thêm áp lực cho các doanh nghiệp du lịch và ảnh hưởng tới mức chi tiêu của khách du lịch, làm trì hoãn sự phục hồi du lịch Tiểu vùng.
Ông Khánh cũng kiến nghị một số giải pháp ưu tiên cần quan tâm triển khai như tăng cường liên kết, hợp tác nội khối; thúc đẩy hiệu quả hợp tác công - tư và xây dựng quan hệ đối tác mới; đẩy mạnh truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch chung; phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch.
Ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - khẳng định, tỉnh đang nỗ lực để giúp ngành du lịch phục hồi do tầm quan trọng về kinh tế, cũng như các giá trị xã hội và môi trường mà du lịch mang lại. Địa phương cũng cam kết tăng trưởng bền vững ngành du lịch bằng cách tận dụng công nghệ để giảm thiểu tác động tiêu cực đồng thời thúc đẩy bảo vệ môi trường tự nhiên.
Trong khi đó, chuyên gia cao cấp về du lịch bền vững của Ngân hàng ADB - ông Wouterus Schalken - nhấn mạnh, các chính sách, quy định và đầu tư liên quan cần thiết để đảm bảo khả năng phục hồi và tính bền vững của du lịch, tập trung vào cơ sở hạ tầng chất lượng, các giải pháp dựa vào thiên nhiên và áp dụng các thực tiễn điều hành và đa dạng hóa thân thiện với môi trường trong toàn ngành du lịch.
Khách quốc tế tham quan phố cổ Hội An sau dịch COVID-19. |