Việt hóa lẫn lộn

Việt hóa lẫn lộn
TP - Khoảng đầu thập kỷ bảy mươi của thế kỷ XX, tôi còn ở tuổi thiếu niên, chưa đến tuổi đua đòi mặc quần tuýp để đầu đít vịt như đám thanh niên. Chính mắt tôi đã chứng kiến một cuộc đuổi bắt những kẻ đầu đít vịt quần ống tuýp trên đường phố.

Đám thanh niên bị lực lượng công an và cờ đỏ rình chộp trên phố, trong những cái ngõ hẻm. Họ chạy như vịt, luồn lách từ phố này sang phố khác. Họ bị bắt bị chộp, bị dong phố bị dẫn về đồn. Trẻ con người lớn bám theo như xem kẻ cắp kẻ trộm bị bắt.

Con trai tóc để dài, ở chỗ hõm gáy phần tóc dài không cụp vào mà uốn cong ra, trông như cái đít vịt. Quần thì ống chật, bó sát vào chân, gọi là quần ống tuýp. Từ chữ tube là cái ống, phát âm là tuýp. Như cái đèn tuýp là đèn ống.

Chắc chắn là chữ tuýp phải khác với chữ típ trong câu: Anh ta thuộc típ người thích phô trương. Típ là Việt hóa từ chữ type (kiểu, loại). Tiếng Anh phát âm type là taip, nhưng người Việt đọc theo âm Pháp là típ. Ấy vậy, gần đây nhiều người cứ nói típ thành tuýp, câu trên bị nói sai thành: Anh ta thuộc tuýp người thích phô trương.

Từ rất lâu rồi, người ta thường dùng từ mốt để chỉ một cái gì hiện đại. Anh ấy rất mốt, tác phong ấy thật mốt, tức là thật hiện đại. Xuất phát từ âm đầu của chữ modern, phát âm không theo Anh mà theo kiểu Pháp: môđéc. Dần dần sau mấy chục năm, chữ mốt không chỉ còn nghĩa hiện đại, mà chuyển sang để chỉ cái gì đang là thời trang.

Đấy là mốt mới chẳng hạn. Rồi thỉnh thoảng có người viết muốn ra vẻ mình biết ngoại ngữ, lại chuyển chữ mốt tiếng Việt ấy ngược lại tiếng Anh: đấy là mode mới. Người đọc không khỏi buồn cười. Chữ mode không có nghĩa là thời trang, là mốt. Chữ mode này nghĩa là cách, cách thức, cung cách…

Vào một quán ăn ở nước ngoài, định gọi món trứng ốp lếp, mang máng tin rằng nó phiên âm từ chữ omelet (phát âm: omlít), bèn tự tin gọi.

Cũng tin rằng đó là món ốp lếp như vẫn ăn ở nhà: quả trứng đập ra, để nguyên thế, cái lòng đỏ tròn nằm giữa lòng trắng rồi rán chín dở. Nhưng không, omelet người phục vụ nước ngoài bê ra là món trứng rán, phương ngữ Nam bộ gọi là trứng chiên.

Còn muốn ăn món trứng ốp lếp như cách gọi Việt Nam, ta phải gọi món sunny-rise-up. Rất hình ảnh, lòng đỏ trứng gà trên đĩa như cái mặt trời con con đang mọc lên.

Chỉ còn biết trách ai là người đầu tiên du nhập chữ omelet vào, Việt hóa nó thành lời ăn tiếng nói hằng ngày, nhưng lại thao tác ngược.

Trái tim hay tấm lòng?

Văn cũng như đời. Đời có người điệu thì văn cũng có văn điệu. Người nào văn ấy. Thôi thì điệu cũng chẳng hại ai, chỉ có điều đừng đến mức giả tạo, gây khó chịu.

Nhân đây cũng nên nói, thơ tình chẳng hạn, khi nó đã là thơ tình thì người làm thơ tình dùng chữ tình yêu, chữ thương nhớ, chữ hôn, chữ trái tim… là người mới giỏi một. Người giỏi gấp đôi thì không cần dùng mấy chữ ấy mà nó vẫn ra thơ tình.

Chữ trái tim chẳng hạn. Trái tim. Nó chẳng có tội tình gì, chỉ vì bị các nhà thơ lạm dụng mà nó thành ra mòn sáo. Ai mà lôi trái tim ra cam kết thề thốt, trong văn chương, đều gây ra nghi ngại. Gây ra ngờ vực. Ví dụ hai câu đối đáp này:

- Anh tin là anh hiểu trái tim em.

- Nếu anh hiểu trái tim em thì dạo ấy anh đã đến.

Tiếng Việt có chữ tấm lòng. Không phải là lòng ruột phủ tạng, mà nó mang nghĩa là trái tim. Chữ trái tim của một ngôn ngữ nước ngoài, khi dịch sang tiếng Việt, ta có thể dùng chữ tấm lòng. Tấm lòng. Nghe dung dị hơn, êm hơn, vừa tai hơn. Ngày trước có một bộ phim nước ngoài, cái tên có nghĩa là với tất cả trái tim. Với tất cả trái tim, nghe sến và thô mòn. Người dịch đã chuyển nó sang tiếng Việt nghe êm hơn một chút: Với cả tâm tình.

MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.