Vẫn nhiều Tây An Nam

Vẫn nhiều Tây An Nam
TP - Khoảng năm 1930, nhà văn Nam Xương viết vở kịch Ông Tây An Nam, kể chuyện một anh khá giả tên là Lân được du học sang Pháp, trở về thì làm như không biết tiếng Việt.

Từ đó, ông Tây An Nam đã trở thành một thành ngữ, chỉ những ông những bà cứ làm ra vẻ quên tiếng Việt, ngòng ngọng, lơ lớ, nói một câu là đệm một câu. Không phải đệm câu nói tục, mà là đệm tiếng nước ngoài.

Tôi thấy một vài người dẫn chương trình truyền hình, cao hứng lên, muốn chứng tỏ với người xem rằng mình biết ngoại ngữ, đã dùng ngữ điệu Anh - Mỹ để áp vào câu tiếng Việt: Đến với chương trình, bạn có càm xúc gì đắc biết khống?

Tôi tin rằng anh chị này một khi đã nói tiếng Việt như tiếng Anh, rồi khi nói tiếng Anh sẽ dùng ngữ điệu giống như nói tiếng Việt, chiu chiu như tiếng bồ câu tiếng bồi.

Tiếng Anh có chữ if, thông thường có nghĩa là nếu, nếu như. Nhưng ở câu này, nó không hẳn là nếu nữa: cháu cứ mong ngày ấy nếu cháu gặp được bác. Không còn là nếu. Nó có nghĩa là giá như, giá mà: ngày ấy giá mà cháu gặp được bác.

Bản dịch cuốn Moon Palace (Cao Việt Dũng dịch) có những câu trong văn cảnh nghiêm chỉnh, không hề muốn gây hài, vậy mà lại ra thế này:

- Tuy nhiên không phải khó để mà yêu bác Victor (tr. 16)

- Ông ấy làm kinh ngạc vì sự ngu xuẩn lớn lao của mình (tr. 286). 

Còn đây là ở cuốn Kẻ trộm sách (Cao Xuân Việt Khương dịch):

- Những quả táo được nhặt lên bởi không ai khác ngoài Andy (tr. 293)

- Ngày này qua ngày khác, cân nặng bắt đầu rời bỏ anh (tr. 331)

- Sang đầu tháng hai, Max đã ở trong một thân hình tiều tụy đáng lo ngại (tr. 331)

- Và con bé không phải đợi một chút nào để bàn tay của người giáo viên tát lên má nó (tr. 350).

Nói những người dịch này là ông Tây An Nam chỉ để giễu vui, cũng chỉ muốn để họ chịu khó nghĩ ngợi cân nhắc hơn nữa với tiếng Việt. Họ hoàn toàn có thể tìm cách thay chữ thay câu hoặc xoay chuyển cấu trúc câu để cải thiện những câu không ra tiếng Việt ở trên.

Người đọc hãy kiên nhẫn, đọc thêm một câu này nữa: 

- Ném vào vợ ông ta, con gái ông ta và con mèo của chị ấy (Triệu phú khu ổ chuột, Nguyễn Bích Lan dịch, tr. 87). Ta sẽ không đưa ra gợi ý thay thế để làm cho câu văn trong sáng hơn. Người dịch chắc tự sửa được. Chỉ thấy người dịch thật thà quá, dịch từng chữ, không lược bỏ từ sở hữu mà tiếng Việt nhiều khi không cần đến. Thành ra đọc một câu văn mà cứ như xem trò xiếc tung hứng, A ném cho B, B ném cho C, C ném lại A. Vòng qua vòng lại đến chóng mặt.

Hồi hộp và thiếu tự tin

Hồi hộp và thiếu tự tin. Đấy chính xác là tâm trạng của tôi khi đang viết mà đến chỗ phải dùng một chữ số La Mã. 

Có cảm tưởng người đọc đại trà bây giờ không quen với chữ số La Mã nữa. Có vị cử nhân cầm tài liệu đọc trước cả cơ quan: theo nghị quyết đại hội Vi. Anh ta phát âm hẳn hoi như chữ vi trong cụm từ vi vu. Dường như là gió thổi vi vu trên cái đại hội ấy. 

Từ đấy viết những câu có chữ thế kỷ XXI, hoặc vua Louis XIV, người viết có cảm giác hồi hộp, chẳng biết người đọc có hiểu chữ nghĩa mình đang viết đây không. Rất nhiều báo chí và tài liệu đã chuyển những con số này sang chữ số Arab cho nhanh: thế kỷ 21, vua Louis 14. 

Rất nhiều khi cứ tự hỏi, hay là mình cũng chấp nhận là thiếu tự tin, mình cũng thỏa hiệp như báo chí bây giờ mà viết bằng chữ số Arab cho xong? Ngay cả ở những chỗ nhất thiết phải dùng con số La Mã.

Tiện thì nói thêm: Ta vẫn gọi những con số hay dùng là chữ số Arab. Nhưng chính người Arab thì gọi nó là chữ số Ấn Độ. Nó không phải là sáng tạo của người Arab. Vậy có thể theo họ mà gọi đấy là chữ số Ấn Độ được hay không?

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.