Trong cuộc phỏng vấn với tờ Công nghệ Nhật báo có trụ sở tại Bắc Kinh, Guan Wuxiang – Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Virus Vũ Hán cho biết phòng thí nghiệm bắt đầu tìm hiểu về dịch bệnh COVID-19 vào ngày 30/12, khi nhận được mẫu mô phổi bị viêm không rõ nguyên nhân từ bệnh viện Jinyintan.
Theo ông Guan, khoảng 12 nhóm chuyên gia gồm 120 người đã tham gia quá trình phát hiện mầm bệnh, nghiên cứu virus và sàng lọc thuốc điều trị tại phòng thí nghiệm.
Các nhà nghiên cứu làm việc từ 10 đến 12 tiếng/ngày, có lúc làm việc suốt 5 – 6 tiếng không ăn uống.
Từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, phòng thí nghiệm đã tiến hành phân tách virus, phát hiện mầm bệnh, nghiên cứu thuốc kháng virus và vaccine.
6.500 mẫu dịch hầu họng của người nghi mắc COVID-19 đã được xét nghiệm tại phòng thí nghiệm.
Viện Nghiên cứu Virus. Ảnh: Global Times
Phòng thí nghiệm cũng đánh giá hiệu quả điều trị của các kháng thể lấy từ huyết tương bệnh nhân đã khỏi COVID-19.
Toàn bộ trình tự bộ gen của virus đã được xác định. Qua đó, các nhà khoa học nhận định đây là một chủng virus corona mới.
Trình tự bộ gen virus sau đó được đệ trình lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 11/1.
Viện Nghiên cứu Virus tiếp tục phát triển xét nghiệm axit nucleic, sản xuất bộ dụng cụ xét nghiệm axit nucleic với một công ty y tế ở Thâm Quyến.
Ngày 14/3, bộ dụng cụ xét nghiệm huyết thanh do phòng thí nghiệm phát triển được phê duyệt.
Phòng thí nghiệm cũng đã làm việc với các nhà nghiên cứu từ Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Trung Quốc để sàng lọc và đánh giá thuốc điều trị COVID-19.
Kết quả cho thấy thuốc Resochin và Favipiravir có thể kiểm soát virus corona mới ở cấp độ tế bào vitro.
Một loại vaccine COVID-19 do Viện nghiên cứu phát triển với Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc (CNBG) đã được đưa vào thử nghiệm lâm sàng ngày 12/4.
Phó Giám đốc Guan cho biết phòng thí nghiệm đã có thâm niên 10 năm trong việc nghiên cứu virus corona. Những gì phòng thí nghiệm đã làm được đóng vai trò quan trọng trong việc xác định sớm mầm bệnh COVID-19 ở Trung Quốc.
Ông Guan khẳng định Trung Quốc đã cải thiện hệ thống theo dõi bệnh truyền nhiễm kể từ sau khi dịch SARS bùng phát vào năm 2002.
Hiện, hệ thống này chủ yếu tập trung giám sát và cảnh báo sớm các bệnh truyền nhiễm.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Tổng thống Donald Trump từng nhiều lần công khai ủng hộ giả thuyết về việc virus SARS-CoV-2 là sản phẩm của phòng thí nghiệm Vũ Hán (Trung Quốc).
Tuy nhiên, WHO và Bắc Kinh mạnh mẽ bác bỏ các cáo buộc này.