Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí |
Tội phạm tham nhũng tăng cao
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí vừa có báo cáo công tác gửi tới Quốc hội.
Theo báo cáo, trong thời gian qua hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý thị trường chứng khoán diễn ra với thủ đoạn tinh vi, phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nhà đầu tư, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, chứng khoán Việt Nam. Điển hình: Vụ án Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan.
Cùng với đó là hành vi phát hành trái phiếu trái quy định nhằm chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn như: Vụ án Đỗ Anh Dũng-Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng đồng phạm đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư, nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.
Về con số cụ thể, Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết, tội phạm tham nhũng, chức vụ, đã khởi tố mới 219 vụ (tăng 48,9%). Trong đó, chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai, đầu tư các dự án, y tế...
Đặc biệt, nhiều đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 để thực hiện hành vi phạm tội; nhiều vụ tham nhũng, chức vụ xảy ra trong lĩnh vực y tế. Điển hình: Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty Việt Á và các địa phương liên quan; vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Bệnh viện Thủ Đức; vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại Công ty Cổ phần đầu tư phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ…
Tiếp tục đề xuất xây dựng Luật Đăng ký tài sản
Về nguyên nhân của việc phát hiện và xử lý tội phạm về tham nhũng tăng, Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết, do các cơ quan bảo vệ pháp luật trên toàn quốc đã bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động nhận diện, dự báo sát tình hình, đúng, trúng hành vi vi phạm về tham nhũng, nhất là trong lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, cổ phần hoá, y tế, giáo dục, ngoại giao để phát hiện, xử lý sai phạm và đã đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý loại tội phạm này.
VKSND Tối cao đã thực hiện nghiêm, hiệu quả những nhiệm vụ, yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra trong việc áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, TAND tối cao trong phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn .
Để khắc phục nguyên nhân phát sinh các vụ án tham nhũng, kinh tế xảy ra trong lĩnh vực đầu tư công, việc đấu thầu mua sắm tài sản, trang thiết bị, thực hiện các dự án, đề nghị Quốc hội tiếp tục chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, chính sách, cơ chế quản lý kinh tế nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm những vi phạm trong các lĩnh vực này.
Đặc biệt, Viện trưởng VKSND tối cao tiếp tục đề xuất xem xét, bổ sung xây dựng Luật Đăng ký tài sản vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội trong nhiệm kỳ XV.