Vì sao nên có luật đăng ký tài sản?

0:00 / 0:00
0:00
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí
TP - Nói về việc thu hồi tài sản trong các vụ tham nhũng, kinh tế, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao Lê Minh Trí thừa nhận “cái mất và cái lấy lại chưa tương xứng”, bởi với hệ thống pháp luật hiện hành không phải lúc nào cũng có thể niêm phong, kê biên tài sản khi nó đã được “ẩn nấp”, che giấu ở ngoài xã hội, hay nhờ người khác đứng tên. Vì thế, để xử lý “khoảng trống” trên, ông Trí đề nghị xây dựng Luật Đăng ký tài sản làm căn cứ để xử lý tài sản bất minh.

“Xác minh thì tài sản bị tẩu tán mất rồi”

Sáng 24/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về báo cáo của Chính phủ và các cơ quan tư pháp về công tác phòng, chống tội phạm, truy tố, xét xử và phòng, chống tham nhũng. Theo đó, việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đạt thấp (trên 5%) là vấn đề được đại biểu (ĐB) đặc biệt quan tâm.

Theo ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh), đối tượng phạm tội tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn, có chuyên môn, nghiệp vụ nên thường sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau để che giấu đường đi của dòng tiền. Vì thế, trong nhiều đại án số tiền bị thất thoát, chiếm dụng là rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng nhưng không thu hồi được. Nguyên nhân là do chậm trễ hoặc bỏ qua việc kê biên, phong tỏa tài sản trong giai đoạn điều tra, truy tố, dẫn đến để đối tượng tẩu tán tài sản. Từ đó, ông Bình đề nghị cho phép kê biên tài sản ngay từ khi tiếp nhận tin báo tội phạm, hay trong giai đoạn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra…, nếu thấy có dấu hiệu phạm tội tham nhũng.

Vì sao nên có luật đăng ký tài sản? ảnh 1

Bị cáo Trương Minh Tuấn, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông từng bị xét xử về tội “nhận hối lộ”

Thừa nhận “cái mất và cái lấy lại chưa tương xứng”, song Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho rằng, dù có quyết tâm kê biên, thu hồi tài sản đến đâu cũng phải theo pháp luật. “Kê biên không đúng, người bị kê biên có quyền khởi kiện chúng ta. Làm thì khẩn trương, quyết tâm chính trị, nhưng cũng phải chặt chẽ, chính xác. Không phải dễ gì muốn thu là thu”, ông Trí nói.

Để thực hiện tốt hơn việc này, ông Trí một lần nữa đề nghị Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng Luật Đăng ký tài sản. Lý do được ông nêu ra là, hiện nay mới kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị, còn tài sản của mọi người ngoài xã hội có chứng minh nguồn gốc hợp pháp hay không thì là “khoảng trống rất lớn”.

Khẳng định quyết tâm chính trị rất lớn trong việc thu hồi tài sản tham nhũng nhưng ông Trí cũng chia sẻ “vừa làm vừa lo. Bởi không thu không được, nhưng thu cũng không được, sợ người ta kiện, phải xác minh mà trong quá trình xác minh tài sản bị tẩu tán.

“Nếu chưa có Luật Đăng ký tài sản thì tài sản tham nhũng ẩn nấp ở ngoài xã hội, nhờ người khác đứng tên thì rất khó “đụng” vào được. Mặc dù, biết khi không giải trình được nguồn gốc thì tài sản đó là tài sản bất minh nhưng chúng ta cũng không thu hồi được. Nên không có luật thì chỗ trống đó vẫn còn là một cái hết sức khó khăn”, ông Trí nói, đồng thời kiến nghị Chính phủ nên có lộ trình cho việc hạn chế sử dụng tiền mặt ở mức độ ngày càng tốt nhất, các hoạt động kinh tế minh bạch thì chống tham nhũng, thu hồi tài sản mới tốt được.

Có biểu hiện “rung dọa” để chung chi tiền sai phạm

Một nội dung khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm là vấn đề phòng, chống tham nhũng trong chính lực lượng phòng, chống tham nhũng. Theo ĐB Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu), công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” được nhân dân và cử tri đồng lòng ủng hộ. Tuy nhiên, cử tri cũng đề nghị làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống trong các lực lượng chuyên trách phòng, chống tham nhũng.

“Thời gian qua có nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có biểu hiện nhũng nhiễu, “rung dọa” để chung chi tiền sai phạm, việc này rất khó phát hiện. Các đối tượng bị thanh tra, kiểm tra không dám tố cáo vì sợ ảnh hưởng đến địa phương, đơn vị và sợ bị trù dập. Để rõ hơn nội dung này, tôi đề nghị Chính phủ cần bổ sung trong báo cáo đánh giá kỹ hơn về các biện pháp phòng, ngừa tham nhũng đối với cơ quan, lực lượng làm phòng, chống tham nhũng”, ông Khánh đề nghị.

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho rằng, dù có quyết tâm kê biên, thu hồi tài sản đến đâu cũng phải theo pháp luật. “Kê biên không đúng, người bị kê biên có quyền khởi kiện chúng ta. Làm thì khẩn trương, quyết tâm chính trị, nhưng cũng phải chặt chẽ, chính xác. Không phải dễ gì muốn thu là thu”, ông Trí nói.

Giải trình ý kiến đại biểu nêu ra, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, công tác kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng vẫn còn có những hạn chế, tồn tại. Vì vậy, Bộ Chính trị đã giao Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành hoặc chỉ đạo ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng.

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Thanh tra Chính phủ tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Thanh tra sửa đổi; xây dựng cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn... “Thanh tra Chính phủ tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng để từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, không thể tham nhũng”, ông Phong nói.

MỚI - NÓNG