Viện Kiểm sát đề nghị bác kháng cáo của vợ chồng cựu CEO Công ty Alibaba

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hai người em ruột của Nguyễn Thái Luyện là Nguyễn Thái Lĩnh và Nguyễn Thái Lực được đề nghị giảm án, vì nộp lại một số tiền khắc phục hậu quả.

Sáng 15/5, tại phiên tòa phúc thẩm của TAND cấp cao tại TPHCM, xét xử vụ án xảy ra tại Công ty Alibaba, đại diện Viện Kiểm sát cùng cấp giữ quyền công tố đã nêu quan điểm giải quyết vụ án.

Theo đại diện Viện Kiểm sát, tại phiên tòa phúc thẩm có 3 bị cáo rút kháng cáo hợp lệ, đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) đình chỉ xét xử đối với những trường hợp này.

Về bị cáo Nguyễn Thái Luyện, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, bị cáo Luyện đã thành lập 22 pháp nhân rồi bán các dự án không có thật, chiếm đoạt hơn 2.466 tỷ đồng của khách hàng. Bị cáo Luyện dùng các thủ đoạn gian dối, thực hiện theo 5 bước. Để tạo lòng tin, bị cáo cam kết mua lại, thuê lại đất khách hàng đã mua với lãi suất cao. Hành vi của bị cáo Luyện đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Chiếm đoạt số tiền rất lớn, bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thái Luyện tù chung thân là tương xứng nên không có căn cứ để xem xét.

Theo đại diện Viện Kiểm sát, bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ bị cáo Luyện) bị án sơ thẩm phạt 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là phù hợp. Về tội “Rửa tiền”, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Mai cam kết nộp lại số tiền hơn 12 tỷ đồng nhưng hiện chưa thực hiện nên đại diện Viện Kiểm sát xác định không có tình tiết mới.

Viện Kiểm sát đề nghị bác kháng cáo của vợ chồng cựu CEO Công ty Alibaba ảnh 1

Bị cáo Võ Thị Thanh Mai tại phiên tòa.

Hai em trai của bị cáo Luyện là Nguyễn Thái Lực, Nguyễn Thái Lĩnh và một số bị cáo khác đã nộp lại một số tiền để khắc phục hậu quả. Đại diện Viện Kiểm sát xác định đây là tình tiết mới nên đề nghị HĐXX xem xét, giảm nhẹ cho các bị cáo với mức án từ 1 – 3 năm tù.

Đối với những kháng cáo còn lại, đại diện Viện Kiểm sát xác định không có tình tiết mới nên đề nghị HĐXX bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm.

Đối với kháng cáo của 97 bị hại, người liên quan, Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo, tăng số tiền của 31 người, số còn lại đề nghị bác kháng cáo.

Viện Kiểm sát đề nghị bác kháng cáo của vợ chồng cựu CEO Công ty Alibaba ảnh 2

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm.

Phiên tòa phúc thẩm được mở sau khi bản án sơ thẩm của TAND TPHCM tuyên vào tháng 12/2022 có kháng cáo của một số bị cáo và bị hại.

Bản án sơ thẩm của TAND TPHCM tuyên vào tháng 12/2022, đã phạt tù 23 bị cáo thuộc Công ty Alibaba về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”. Trong 20 bị cáo thuộc nhóm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Nguyễn Thái Luyện được xác định cầm đầu, bị tuyên án tù chung thân; Nguyễn Thái Lĩnh (SN 1989, Giám đốc Công ty Alibaba, em trai Luyện): 17 năm tù. 18 bị cáo cùng tội danh với Luyện có mức án từ 10 - 19 năm tù…

Bị cáo Võ Thị Thanh Mai bị án sơ thẩm phạt 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 12 năm tù về tội “Rửa tiền”, tổng hợp hình phạt là 30 năm tù. Cùng 2 tội danh với bị cáo Mai là bị cáo Nguyễn Thái Lực (SN 1999, em trai Luyện) bị tuyên phạt 27 năm tù. Huỳnh Thị Kim Thắng (SN 1995, nhân viên kế toán) bị tuyên 3 năm tù về tội “Rửa tiền” nhưng được hưởng án treo. Thời gian thử thách là 5 năm.

Án sơ thẩm cũng tuyên buộc vợ chồng bị cáo Luyện - Mai bồi thường hơn 2.445 tỷ đồng cho 4.548 bị hại. Bản án sơ thẩm yêu cầu tiếp tục kê biên các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tiền mặt và tài sản khác để đảm bảo thi hành án.

MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.