Việc xuyên suốt sau ngày thống nhất

Kỳ họp thứ nhất, QH Việt Nam thống nhất (ảnh tư liệu).
Kỳ họp thứ nhất, QH Việt Nam thống nhất (ảnh tư liệu).
TP - Kể từ sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975), việc đổi mới, hoàn thiện, xây dựng tổ chức bộ máy Nhà nước đã được thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm hướng đến mục tiêu tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu bảo vệ, xây dựng Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới.

Việc quan trọng sau ngày thống nhất

Theo ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước thống nhất về mặt lãnh thổ nhưng ở mỗi miền lại tồn tại một hình thức tổ chức nhà nước khác nhau. Trong khi đó, ý nguyện của dân không chỉ là sự thống nhất về lãnh thổ mà là sự thống nhất trọn vẹn trên tất cả các mặt. Mặt khác, công cuộc xây dựng đất nước chỉ có thể hiệu quả khi thống nhất về mặt Nhà nước.

Do đó, sau khi nước nhà thống nhất, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hội nghị đại biểu nhân dân miền Nam Việt Nam phê chuẩn kết quả Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất và quyết định tổ chức cuộc Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội chung của cả nước. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Quốc hội thống nhất tiến hành cùng một ngày trên cả hai miền, vào cuối tháng 4/1976. “Đây thực sự là một ngày hội toàn dân, một dấu son quan trọng nhất trong lịch sử Quốc hội Việt Nam. Nó là biểu trưng lớn lao cho tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, là nơi hội tụ những con người ưu tú của tất cả vùng miền trong cả nước”, ông Vũ Mão kể.

Theo ông Mão, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa VI đã thông qua Nghị quyết về tên nước, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca và tổ chức Nhà nước khi chưa có Hiến pháp mới. Quốc hội quyết định đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội cũng quyết định chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn-Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh. Quốc hội cũng đã bầu các vị lãnh đạo cơ quan cao nhất của Nhà nước và thành lập Chính phủ mới để điều hành công việc. Theo đó, Quốc hội cũng đã biểu quyết và thông qua việc thành lập 6 Ủy ban của Quốc hội và các bộ trưởng, chủ nhiệm ủy ban Nhà nước thuộc Chính phủ.

Việc xuyên suốt sau ngày thống nhất ảnh 1 Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: Như Ý.

Cồng kềnh vì nặng tư duy làm thay

Theo ông Vũ Mão, trong quá trình phát triển của đất nước, quá trình tìm tòi, đổi mới tổ chức bộ máy được Đảng quan tâm đặc biệt. Bởi trong quá trình phát triển, nhất là kể từ khi thực hiện đường lối đổi mới kinh tế, hội nhập thì thấy rằng, bộ máy của chúng ta rất cồng kềnh, nhiều nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp. Do đó, Đảng, Chính phủ, Quốc hội nhiều lần bàn về tổ chức bộ máy và quyết định sáp nhập, chia tách… Nhiều bộ, ngành được sáp nhập theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đơn cử như tại Quốc hội khóa IX quyết định thành lập Bộ NN&PTNT trên cơ sở hợp nhất 3 Bộ Lâm nghiệp, Thủy lợi, Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm. Đến khóa XII thì quyết định hợp nhất Bộ Thủy sản vào Bộ NN&PTNT.

“Trong chống tham nhũng, Tổng Bí thư nói rằng “ai nhụt chí thì dẹp sang một bên để người khác làm” thì việc đổi mới tổ chức bộ máy cũng phải như vậy. Những ai chần chừ, thiếu quyết liệt thực hiện cải cách bộ máy thì không nên bố trí vào vị trí lãnh đạo. Có như thế thì mới tạo ra sự đột phá trong cải cách tổ chức bộ máy”.

Ông Thang Văn Phúc

Tuy vậy, ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, quá trình đổi mới tổ chức bộ máy vẫn diễn ra chậm chạp so với yêu cầu phát triển.

“Trước đây chúng ta theo mô hình quản lý tập trung bao cấp nên các bộ không chỉ thực hiện việc xây dựng thể chế, quản lý, mà còn lo cả “cái kim sợi chỉ”. Tuy nhiên, khi chuyển sang kinh tế thị trường, tư duy quản lý kiểu cũ đã không còn phù hợp.

“Từ Hội nghị T.Ư 7, khoá 8 năm 1999, Đảng đặt ra vấn đề hợp nhất các bộ theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Nhưng rồi chúng ta làm chậm nên để lại hậu quả nặng nề là bộ máy ngày càng cồng kềnh, chồng chéo, tiêu tốn nhiều ngân sách. Nhiều nhiệm vụ lẽ ra để người dân, thị trường làm thì các bộ lại ôm vào, rất bất cập”, ông Phúc nói.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng khẳng định, bộ máy càng có nhiều cơ quan quản lý thì lại càng dẫn đến tình trạng “thích làm thay”. “Quản lý nhà nước mà cứ “ôm” việc, cứ nghĩ, cứ làm thay cho dân, cho doanh nghiệp thì làm sao mà phát triển được. Khoán 10 trong nông nghiệp là minh chứng rất sinh động cho thấy, chỉ cần có chính sách đúng, không cần cơ quan chỉ đạo nhiều là phát huy hiệu quả ngay”, ông Phúc nói.

Việc xuyên suốt sau ngày thống nhất ảnh 2 Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc. Ảnh: Petrotimes.

Lan tỏa tinh thần cải cách

Trước tình trạng trên, ông Nguyễn Đình Hương, Nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, việc tiếp tục đổi mới tổ chức, bộ máy là một yêu cầu cấp thiết. “Sắp xếp, sáp nhập, thu gọn đầu mối các đơn vị có chức năng nhiệm vụ tương đồng nhau không làm cho bộ máy yếu đi mà là mạnh lên. Không chỉ tinh gọn, giảm đầu mối, giảm biên chế mà việc phục vụ cho người dân và doanh nghiệp cũng sẽ ngày càng tốt hơn”, ông Hương nói.

Theo ông Thang Văn Phúc, sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết 18 thì không khí cải cách bộ máy đang dần lan tỏa. Tại trung ương, Ban Chấp hành đã quyết định dừng hoạt động của 3 ban chỉ đạo là Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Trung ương cũng yêu cầu các cơ quan nghiên cứu việc sáp nhập, hợp nhất các bộ, ngành, thực hiện nhất thể hóa Bí thư kiêm Chủ tịch ở một số đơn vị cấp cơ sở. Ở khối mặt trận, các cơ quan cũng đang nghiên cứu để tinh giản bộ máy theo hướng sáp nhập các đơn vị lại với nhau, hoặc thực hiện nhất thể hóa để tinh gọn bộ máy.

Việc xuyên suốt sau ngày thống nhất ảnh 3 Hội nghị Trung ương 6 đã thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp tổ chức bộ máy để mở đường cho sự đổi mới.

Đặc biệt, theo ông Phúc, mới đây Bộ Nội vụ đã có Dự thảo Tờ trình về việc hoàn thiện Nghị định của Chính phủ quy định tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó đề xuất phương án sáp nhập hàng loạt các sở, ngành lại với nhau. “Tuy muộn nhưng việc sáp nhập các sở lại với nhau nhất định phải làm, không thể chậm trễ được nữa. Đồng thời, sau này cũng phải tính toán sáp nhập lại các bộ với nhau”, ông Phúc nói và cho hay, ở các nước phát triển cũng chỉ có 12- 15 bộ, ngành nhưng quản lý hiệu quả. Do đó việc hợp nhất, sáp nhập các bộ, ngành, sở, ngành có chức năng nhiệm vụ gần tương đồng với nhau là hoàn toàn phù hợp. Dẫn chứng về ví dụ sáp nhập Sở KH&ĐT với Sở Tài chính, ông Phúc cho rằng, cơ quan quyết định đầu tư dự án thì phải biết mình trong tay có bao nhiêu tiền, chứ tiền không có trong tay mà cứ lập kế hoạch ào ào thì sao chuẩn được.“Có rất nhiều dự án cứ quyết đầu tư nhưng rồi không có tiền nên dự án kéo dài lê thê, không hiệu quả, chậm tiến độ. Nay nhập vào chung một sở thì “tiền có đến đâu làm đến đấy”, chứ không phải quyết dự án rồi mới đi hỏi nơi khác “có tiền không”, ông Phúc bình luận.

Tuy nhiên, theo ông Phúc để việc cải cách, tinh giản bộ máy có hiệu quả cần phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu. “Trong chống tham nhũng, Tổng Bí thư nói rằng “ai nhụt chí thì dẹp sang một bên để người khác làm” thì việc đổi mới tổ chức bộ máy cũng phải như vậy. Những ai chần chừ, thiếu quyết liệt thực hiện cải cách bộ máy thì không nên bố trí vào vị trí lãnh đạo. Có như thế thì mới tạo ra sự đột phá trong cải cách tổ chức bộ máy”, ông Phúc nói.

MỚI - NÓNG