Sáp nhập đơn vị hành chính
Ông Nguyễn Đức Hà, cho rằng, Nghị quyết của T.Ư đề ra bốn nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2021, bao gồm việc giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015. Hiện có bốn triệu người hưởng lương ngân sách (không tính lực lượng vũ trang), với mục tiêu trên nhiệm vụ của các cơ quan trong bốn năm tới là giảm tối thiểu 400.000 biên chế.
Để thực hiện được mục tiêu trên, ông Hà cho hay, Nghị quyết đã quy định rõ việc sắp xếp lại các tổ chức đơn vị hành chính quá nhỏ bé, manh mún, chia cắt, cứ giảm 1 xã thì giảm được bao nhiêu người và phụ cấp rồi. “Nó là tiền cả chứ. Nhiệm kỳ tới mà giảm được cấp ủy viên, mỗi nơi một tí thì số lượng sơ sơ cũng được nghìn tỷ/năm”, ông Hà nói.
“Một xã có 21- 23 công chức cộng với những người hoạt động bán chuyên trách rất đông. Nếu nhập 100 xã thôi thì gọn lại được bao nhiêu biên chế, giảm được bao nhiêu chi thường xuyên”.
Ông Nguyễn Đức Hà
Phân tích kỹ hơn về điều này, ông Hà cho hay, hiện các đơn vị hành chính của ta rất manh mún, nhỏ lẻ, chia cắt. Năm 1986 ta chỉ có 44 đơn vị hành chính cấp tỉnh, 535 đơn vị hành chính cấp huyện và hơn 10 nghìn đơn vị hành chính cấp xã. Nhưng sau 30 năm đã tăng 19 tỉnh, 178 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.136 đơn vị cấp xã. Hiện nay chúng ta đang có 724 xã không đạt 50% tiêu chí về diện tích tự nhiên và dân số. Vì vậy, mục tiêu đặt ra là những xã nhỏ quá thì nhập lại để tăng nguồn lực và giảm kinh phí. “Một xã có 21- 23 công chức cộng với những người hoạt động bán chuyên trách rất đông. Nếu nhập 100 xã thôi thì gọn lại được bao nhiêu biên chế, giảm được bao nhiêu chi thường xuyên”, ông Hà nói.
Đối với việc sáp nhập bộ, ông Hà cho hay. Nghị quyết của Trung ương yêu cầu tiếp tục nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành, nhất là những cơ quan có chức năng tương đồng, trùng lắp để có giải pháp phù hợp.”Việc nghiên cứu này là cơ sở thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới, như: Ngành Giao thông - Xây dựng; Tài chính - Kế hoạch và Đầu tư; lĩnh vực dân tộc - tôn giáo…”, ông Hà nói.
Ngoài ra, Nghị quyết của Trung ương cũng nhấn mạnh đến việc giảm đầu mối, rõ trách nhiệm. Ví dụ như quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm thì Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Bộ Công Thương cùng quản lý dẫn đến không rõ trách nhiệm. Tương tự, trong một bộ cũng vậy, một việc nhiều cục, vụ làm nhưng cũng không cục, vụ nào chịu trách nhiệm chính. “Nay Nghị quyết quy định, một cơ quan tổ chức có thể làm nhiều việc nhưng 1 việc chỉ có 1 cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Đây là quan điểm mới và dứt khoát phải như thế”, ông Hà nói.
Cùng ủng hộ chủ trương sáp nhập các xã không đạt 50% tiêu chí về diện tích tự nhiên và dân số, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Tháp cho rằng, chủ trương này là hoàn toàn chính xác. Sau khi tiến hành nhập, số lượng các xã sẽ ít đi, qua đó sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí cho bộ máy so với hiện nay. Tương tự, theo ông Hòa có thể tính tiếp đến việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh có quy mô dân số thấp.
“Với tỉnh có quy mô dân số dưới 800 nghìn dân thì có thể tiến hành sáp nhập. Khi sáp nhập sẽ giảm bộ máy hành chính, tiết kiệm trụ sở công, tài sản công và mỗi năm có thể giảm chi thường xuyên lên đến hàng nghìn tỷ đồng”, ông Hòa cho hay.
Chấm dứt hiện tượng “lãnh đạo nhiều hơn nhân viên”
Cũng theo ông Hà, Nghị quyết T.Ư 6 thống nhất yêu cầu tinh gọn đầu mối bên trong, giảm cơ bản số lượng tổng cục, cục, vụ, phòng; không thành lập tổ chức mới, không thành lập phòng trong vụ...”Sau ba nhiệm kỳ, từ khóa 11 đến nay nay, số tổng cục tăng gấp đôi, lên 42 đơn vị. Nghĩa là bộ máy có 42 tổng cục trưởng, khoảng 200 tổng cục phó, chưa kể các đơn vị bên trong tổng cục cũng phát sinh theo”, ông Hà nhấn mạnh.
Số lượng tổng cục, phòng, vụ… tăng cao, song theo ông Hà lại không đồng nhất với việc tăng hiệu quả thực hiện công việc. “Ở địa phương có tình trạng, một sở có đến 44/46 lãnh đạo. Ở cấp bộ cũng thế, có cục, vụ toàn làm lãnh đạo hết, chẳng có ai là nhân viên cả. Thế nên mới có tranh biếm hoạ người dân cầm cặp hồ sơ đi vào làm việc nhưng đến ngơ ngác vì không biết tìm người nào làm việc, vì toàn thứ trưởng, tổng cục trưởng, cục trưởng, cục phó, trưởng phòng, phó phòng. Toàn thấy lãnh đạo chứ không tìm ra ông chuyên viên nào”, ông Hà nói.
Để giải quyết những hạn chế trên, ông Hà cho hay, Nghị quyết nêu rõ Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của toàn hệ thống chính trị; ở Trung ương trực tiếp là Bộ Chính trị; ở địa phương trực tiếp là ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh.”Bộ ngành nào muốn tăng thêm một vụ, cục hoặc tương đương trở lên thì phải xin ý kiến Bộ Chính trị. Như vậy là không thể tự tiện phát sinh bộ máy và biên chế”, ông Hà phân tích.
Ông Hà cũng khẳng định, lần này Trung ương sẽ quyết liệt thực hiện việc sắp xếp lại bộ máy, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động hiệu quả. “Việc sắp xếp tổ chức bộ máy lần này phải đặt trong tổng thể xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Hơn nữa, Nghị quyết cũng đã nêu rõ, việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế sẽ là một trong những tiêu chí quan trọng để kiểm điểm, đánh giá, giới thiệu bầu cử, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ. Như vậy đòi hòi các cấp ngành cần phải thực hiện nghiêm và có hiệu quả việc sắp xếp tổ chức, bộ máy theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 6”, ông Hà nói.
Về việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, trao đổi với phóng viên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, sẽ xây dựng chương trình hành động cụ thể để thực hiện các nội dung mà Nghị quyết T.Ư 6 đề ra. Trong đó có những nội dung sẽ áp dụng làm ngay, cũng có lĩnh vực nghiên cứu định hướng làm thí điểm và cũng có những cái chuẩn bị cho nhiệm kỳ mới.
Theo ông Tân, lĩnh vực có thể làm ngay được là sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bên trong các bộ ngành, địa phương. Đồng thời rà soát lại lại chức năng nhiệm vụ của các cơ quan không bị chồng lấn, sắp xếp lại các bộ ngành, đảm bảo đơn vị sự nghiệp công trong mỗi một cơ quan chuyên môn cấp tỉnh chỉ còn lại một đơn vị sự nghiệp công.
“Với các cơ quan chuyên môn của các ngành cũng phải sắp xếp lại cho phù hợp. Một số nhiệm vụ có thể chuyển giao phân cấp từ trung ương cho cấp tỉnh, cấp tỉnh cho cấp huyện để giảm bớt đầu mối”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nêu.