Không khoan nhượng
Ngày 30/10, Quốc hội dành cả ngày thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016. Đánh giá về chất lượng công chức hiện nay, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có cùng nhận định, hàng năm ngân sách nhà nước phải chi lượng tiền rất lớn, nhưng hiệu quả làm việc của bộ máy chưa cao, chủ trương tinh giản biên chế không đạt mục tiêu đề ra.
Trước thực trạng bộ máy cồng kềnh hiện nay, ĐB Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho biết, trước đây, nhiều ĐBQH so sánh ngân sách nhà nước như cái bánh, chia kiểu nào cũng không đủ. “Từ khi Đảng chủ trương đổi mới việc gì nhà nước ôm không nổi thì nên để xã hội chung lo. Tuy nhiên, sau 40 năm thống nhất đất nước, hơn 30 năm đổi mới toàn diện nhưng cái bánh ngân sách dù cho có trở thành nồi cơm của Thạch Sanh cũng khó có thể bao bọc nổi nền hành chính cồng kềnh như hiện nay”, ĐB Sơn lo ngại. Ông đề nghị rà soát, tính toán một cách tổng thể để tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy với tinh thần “không khoan nhượng”.
Theo ĐB Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp), tinh giản biên chế là đụng đến con người nên rất khó khăn, dễ bị phản ứng, do vậy, cần bắt đầu bằng thiết kế lại hệ thống chính trị, đối với các nhiệm vụ nhà nước không cần thiết phải thực hiện thì đẩy mạnh xã hội hóa. Đáng lưu ý, ĐB Hòa đề xuất nghiên cứu hợp nhất một số bộ, ngành, cũng như các tỉnh ít đơn vị hành chính, quy mô dân số thấp. “Việt Nam có 63 tỉnh, thành như hiện nay là quá nhiều, khiến các bộ, ngành quản lý rất vất vả. Cần nghiên cứu hợp nhất một số tỉnh cũng như một số bộ, ngành có điểm tương đồng về chức năng, nhiệm vụ”, ông Hòa nêu.
Nhắc đến thực tế cồng kềnh của bộ máy, ĐB Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ An cho rằng, đoàn giám sát nhiều lần đề cập đến “tầng nấc trung gian”, tình trạng “bộ trong bộ”, tuy nhiên đó là cấp nào, bộ nào lại chưa được chỉ rõ. “Số lượng tổng cục hiện nay của 17 bộ là 40, dưới tổng cục có các cục, vụ, văn phòng, phòng, chi cục. Trong bộ máy của các bộ này vừa có văn phòng bộ, vừa có văn phòng tổng cục mà văn phòng thì rõ ràng là phục vụ”, ĐB Nguyễn Hữu Cầu chỉ rõ. Đã đến lúc QH phải mạnh dạn chỉ ra các cấp trung gian trong các bộ, ngành trung ương chính là cấp tổng cục và cấp phòng trong các vụ, cục, cần phải giảm.
Siết kỷ luật cán bộ, công chức
Đánh giá về việc cải cách tổ chức bộ máy, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, kết quả mang lại vẫn chưa thực sự vững chắc, còn tình trạng cấp trên ôm đồm, cấp dưới đẩy việc, dẫn đến quá tải. Đã vậy, đạo đức công vụ của một bộ phận công chức rất kém, chưa ý thức rằng mình là công bộc của dân. Bà Thúy đề xuất, quan chức chính trị cần được dân trực tiếp bầu hoặc phải được giới thiệu từ cơ sở. Cùng với đó, cần xây dựng phương pháp đánh giá công chức trên cơ sở sự hài lòng của người dân. Nghĩa là dân bầu cán bộ và chấm điểm công chức.
Chỉ khi nào chúng ta coi việc tăng biên chế, phình bộ máy là một dạng tham nhũng thì đến lúc đó chúng ta mới có đủ quyết tâm xử lý và thực hiện hiệu quả”.
ĐB Phạm Trọng Nhân quả quyết
Lấy ví dụ từ điểm sáng Quảng Ninh, ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đề nghị cần có giải pháp mạnh mẽ, coi việc để biên chế phình to là một loại tham nhũng để quyết tâm ngăn chặn, điều chỉnh. “Cải cách bộ máy hành chính nhà nước tưởng dễ hóa ra lại quá khó, cái khó ở đây chủ yếu là lòng người. Nếu lợi ích cục bộ và lợi ích nhóm vẫn còn quá lớn, lấn áp cả nhận thức và tư duy cũ kỹ lạc hậu thì cần thiết phải có một bàn tay sắt, đủ cứng rắn như Đảng đã và đang làm trong phòng, chống tham nhũng hiện nay. Chỉ khi nào chúng ta coi việc tăng biên chế, phình bộ máy là một dạng tham nhũng thì đến lúc đó chúng ta mới có đủ quyết tâm xử lý và thực hiện hiệu quả”, ĐB Phạm Trọng Nhân quả quyết.
ĐB Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) đề nghị đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sai phạm trong việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định, thực hiện kỷ luật hành chính chưa nghiêm, tránh tình trạng xử lý kỷ luật kiểu “nhẹ trên, nặng dưới”.
Hợp nhất một số bộ, khắc phục chồng chéo
Báo cáo Quốc hội, Đoàn giám sát cho rằng, việc tổ chức bộ máy của Chính phủ vẫn chậm được điều chỉnh theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, còn tồn tại nhiều tổ chức phối hợp liên ngành. Nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính chưa được phát huy mạnh mẽ nên vẫn phải hội họp nhiều, thủ tục hành chính còn rườm rà, quy trình xử lý công việc còn chậm.
Cùng với đó, mô hình tổ chức tổng cục, cục, vụ không thống nhất, vẫn duy trì nhiều phòng trong các vụ tham mưu. Thống kê cho thấy, ngoài Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT không tổ chức phòng trong vụ, vẫn có 16 bộ, cơ quan duy trì phòng trong vụ, với tổng số phòng là 320. Ngoài ra, vẫn còn 11 địa phương sử dụng vượt quá số biên chế được giao. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tuy đã được nâng lên một bước nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, cơ cấu chưa hợp lý, còn mất cân đối giữa người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý với số công chức tham mưu…
Đoàn giám sát đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế. Nghiên cứu hợp nhất một số bộ có chức năng, đối tượng và phạm vi lĩnh vực quản lý gần nhau, khắc phục tình trạng cắt khúc, chồng chéo hoặc bỏ trống trong quản lý nhà nước.
Đoàn giám sát cũng đề nghị sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bên trong bộ, cơ quan ngang bộ tinh gọn, giảm cấp trung gian, giảm số lượng đầu mối, giảm biên chế và cấp phó; không duy trì phòng trong vụ, trừ một số ít trường hợp đặc biệt thì phải có tiêu chí cụ thể do Chính phủ quy định. Các quyết định thành lập đơn vị, bổ nhiệm cán bộ không đúng tiêu chí phải bị thu hồi, hủy bỏ.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải:
Tinh giản biên chế phải đảm bảo minh bạch
Khi sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, không tránh khỏi tâm tư. Nhưng nếu làm tốt công tác tuyên truyền thì mọi người đều nhận thức được thực trạng số lượng người ngồi chơi nhiều hơn người làm. Nên khi thực hiện tinh giản biên chế, mọi người cùng thấy hợp lý, cùng chia sẻ. Ví dụ như khi tinh giản ở Ban quản lý dự án, có đồng chí nói là hợp lý bởi “cả Ban chúng tôi một năm có một hai dự án, nuôi mấy chục con người thế này. Lấy người vào rất dễ nhưng việc không có, rồi không có tiền trả lương”.
Điều quan trọng nữa trong công tác tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy là tính minh bạch. Hà Nội làm được vấn đề này minh bạch thì anh em mới không tâm tư. Tâm tư chính là khi loại những người làm được việc ra hoặc vì người này mà hạ người khác xuống, khiến người ta cảm thấy bị đối xử không công bằng.
Văn Kiên (ghi)
Chiều 30/10, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ, số lượng cấp phó giảm, như cấp thứ trưởng cuối nhiệm kỳ bình quân 5,55 thì nhiệm kỳ này còn 4,7/người/bộ. Hay phó trưởng phòng thuộc sở, cuối nhiệm kỳ từ 1,46 giảm còn 1,4, cấp huyện từ 1,73 tăng lên 1,74. Do biên chế ít nên một số phòng có số lượng cán bộ lãnh lạo, quản lý nhiều hơn nhân viên.
Về tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, Chính phủ tiếp thu và khẩn trương ban hành các nghị định, quy định về tiêu chí xác định biên chế bộ, ngành, địa phương trên cơ sở phân loại cơ quan đơn vị hành chính, giao cho bộ ngành địa phương chủ động sử dụng biên chế theo phê duyệt. Về quá trình sắp xếp, tổ chức bộ máy, không tăng thêm biên chế, trường hợp đặc biệt thành lập mới phải có ý kiến của cơ quan thẩm quyền đồng ý nhưng không được tăng biên chế. Đồng thời đẩy mạnh cơ cấu lại đội ngũ công chức viên chức theo đề án vị trí việc làm để nâng cao năng suất lao động và giảm áp lực tăng biên chế.