Ngày 21/2, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức tọa đàm liên quan đến vấn đề giám định tư pháp. Thượng tá Lê Đức Trường – Phó Trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an cho rằng, kết luận giám định là nguồn chứng cứ rất quan trọng, nhiều trường hợp không thể thiếu để làm căn cứ đánh giá, kết luận điều tra vụ án.
Ông ví dụ về tội phạm tham nhũng, kinh tế rất khó có chứng cứ trực tiếp để chứng minh tội phạm. Kết luận giám định về thiệt hại, về nghi vấn trục lợi….về những trường hợp này chính là những chứng cứ tốt nhất để chứng minh tội phạm.
Theo ông Trường, thời gian qua, hầu hết các vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng đều phải sử dụng triệt để quy định về những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định theo Điều 4 Thông tư Liên tịch số 1 năm 2017 của các cơ quan tư pháp Trung ương. Song các nội dung cần giám định là về tiền lãi suất vay ngân hàng phát sinh khi các đối tượng vi phạm quy định trong sử dụng vốn nhà nước dẫn tới dự án bị chậm tiến độ, kéo dài, gây thiệt hại.
Trong đó, vụ cố ý làm trái, tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí (PVN) và Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PVC) cần sự tham gia của cả giám định viên Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Xây dựng khi giám định thiệt hại của việc thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Từ đó, các cơ quan xác định được ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch PVN đã chỉ đạo việc ký hợp đồng trái quy định của pháp luật, tạm ứng trái quy định số tiền hơn 6,6 triệu USD và 1.300 tỷ đồng. Cùng với đó, Giám định viên xây dựng kết luận được các nhà thầu sử dụng sai mục đích số tiền hơn 1.100 tỷ đồng được tạm ứng…
Tuy nhiên, theo Thượng tá Lê Đức Trường, trong nhiều trường hợp, các cơ quan còn có biểu hiện đùn đẩy, né trách nhiệm giám định. Có vụ việc khi C03 trưng cầu giám định, cả Bộ Tài chính, Bộ GTVT đều từ chối giám định dù đó là vấn đề về quản lý giá cước vận tải. Chỉ sau khi có sức ép từ cơ quan tư pháp Trung ương, Bộ trưởng GTVT mới chấp nhận tái cử giám định việc thực hiện yêu cầu của cơ quan cảnh sát điều tra.
Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát án kinh tế (V03), VKSND Tối cao Đào Thịnh Cường cũng nêu nhiều khó khăn trong công tác giám định khiến không ít vụ án tham nhũng bị kéo dài, bế tắc. Theo ông Cường, các khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các vụ án kinh tế, nhất là các vụ án tham nhũng thường là do công tác trưng cầu giám định. Các vụ án có thời gian giám định bị kéo dài, đều phải gia hạn điều tra hoặc tạm đình chỉ, dẫn đến việc giải quyết vụ án cũng bị kéo dài.
Là người tham gia tranh tụng tại phiên tòa xét xử vụ án về dự án nhiệt điện Thái Bình 2, Giám định viên tư pháp Bộ Tài chính Phạm Đức Hưng cho biết, trong phiên xử, từ công tố viên tới các luật sư đều tập trung vào vấn đề thiệt hại gây ra của dự án. Song trên thực tế việc đánh giá mức độ thiệt hại hiện còn khoảng trống pháp lý rất lớn, giám định khó mà làm một cách rõ ràng và thuyết phục, nhiều vấn đề còn gây tranh cãi.