Thực trạng hơn 1.000 căn nhà sở hữu nhà nước tại Hà Nội- Bài 3:

Vì sao vi phạm dây dưa, kéo dài?

Công ty CP Vật liệu xây dựng Hà Nội thu được từ 70 đến 78 triệu đồng/tháng nhờ mang cửa hàng 17 Hàng Ngang “liên doanh liên kết”. Ảnh: Hà Anh.
Công ty CP Vật liệu xây dựng Hà Nội thu được từ 70 đến 78 triệu đồng/tháng nhờ mang cửa hàng 17 Hàng Ngang “liên doanh liên kết”. Ảnh: Hà Anh.
TP - Nguyên nhân quan trọng dẫn đến những vi phạm trong quản lý, sử dụng, chây ỳ tiền thuê nhà chuyên dùng là do kỷ cương, kỷ luật không nghiêm. Nhiều trường hợp vi phạm nhưng không được báo cáo kịp thời, thậm chí còn dây dưa trong xử lý.

Quyền lợi của “thế lực ngầm” phức tạp

Điển hình như tình trạng “liên doanh liên kết” giữa Công ty CP Vật liệu xây dựng Hà Nội với một cá nhân là ông Khổng Viết Tiến (Hà Nội) để kinh doanh cửa hàng quần áo may sẵn tại 17 Hàng Ngang. Với quan hệ “liên kết” này, ông Tiến phải trả cho Công ty CP Vật liệu xây dựng Hà Nội 70-78 triệu đồng/tháng tùy thời điểm và đổi lại, ông Tiến được quyền sử dụng cửa hàng diện tích 58,27m2 để tự chủ kinh doanh. Việc “liên kết” giữa hai bên đã được nhiều cơ quan biết rõ nhưng không hề bị xử lý.

Một trường hợp khác, Công ty CP tập đoàn vật liệu điện và cơ khí khi thuê của thành phố Hà Nội 1.778 m2 tại 240-242 Tôn Đức Thắng nợ đến 2,39 tỷ đồng (chưa tính lãi). Tình trạng nợ đọng tại đây đã diễn ra nhiều năm qua với số tiền nợ lớn nhưng hiện cơ quan quản lý vẫn mới chỉ dừng lại ở việc ra thông báo!

“Chúng tôi  đã ra thông báo ba lần yêu cầu trả tiền thuê, thậm chí kiến nghị cấp trên xem xét thu hồi nhưng…không có hồi âm”, đại diện lãnh đạo Xí nghiệp Quản lý nhà Đống Đa cho biết. Một số trường hợp khác như HTX May Trúc Bạch nợ hơn 400 triệu đồng tiền thuê nhà từ năm 2009 đến nay nhưng vẫn chưa biết đến khi nào mới xử lý được.

Đại diện một Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà của thành phố từ chối cung cấp thông tin cho phóng viên và cho rằng, đây là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan đến quyền lợi của nhiều “thế lực” phức tạp. “Thôi, đừng phỏng vấn gì anh! Khó lắm, thanh tra, kiểm tra nhiều rồi đấy nhưng có xử lý được đâu?”.

Một cán bộ khác làm công tác quản lý nhà cho rằng, hợp đồng mặc dù đã quy định rất rõ các điều khoản, trong đó có việc xử lý thu hồi nhưng không dễ gì mà làm được đúng như vậy, bởi những mối quan hệ chồng chéo. Vị cán bộ này đưa ra cho phóng viên danh sách hàng loạt các hội của thành phố nợ tiền thuê nhà nhưng rất khó thu, vì lãnh đạo một số hội này nguyên là lãnh đạo thành phố, lãnh đạo một số sở ngành!

“Về thẩm quyền, thành phố là cơ quan duyệt doanh nghiệp nào được thuê nhà đất sau đó chuyển xuống để Công ty Quản lý và Phát triển nhà làm thủ tục ký hợp đồng. Phê duyệt thu hồi nhà đất cũng do UBND thành phố quyết định”, một cán bộ nói.

Đại diện lãnh đạo một Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà của thành phố từ chối cung cấp thông tin cho phóng viên và cho rằng đây là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan đến quyền lợi của nhiều “thế lực” phức tạp…

Nguyên nhân dẫn đến vi phạm ngày càng phức tạp và khó xử lý đó là nhiều trường hợp vi phạm nhưng chậm được phát hiện. Nhiều trường hợp sau khi biến tướng nhà thuê kinh doanh thành nhà ở đã mua bán trao tay qua nhiều người nên càng khó giải quyết. Hậu quả là, hiện còn tới 176 địa điểm đang có tranh chấp, khiếu nại, vướng mắc. 89 địa điểm đã tự chuyển sang mục đích để ở toàn bộ hoặc một phần.

Ngay cả đơn vị được thành phố giao trực tiếp quản lý quỹ nhà là Công ty TNHH nhà nước MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cũng tự ý bố trí cho 14 doanh nghiệp vào sử dụng khoảng 4.137m2 tại quỹ nhà kinh doanh dịch vụ khu chung cư, tái định cư khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Số tiền tạm thu từ các doanh nghiệp này chưa được công ty báo cáo kịp thời, chưa xác định đúng và đủ theo quy định (số tạm thu được khoảng 2,2 tỷ đồng, số tiền còn phải thu gần 6 tỷ đồng).

Buông lỏng trách nhiệm

Kết luận của đoàn giám sát HĐND thành phố vào tháng 12/2014 khẳng định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng là cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn cơ quan, đơn vị được giao quản lý buông lỏng quản lý trong thời gian dài, sử dụng trực tiếp.

Ngay cả một số đơn vị đoàn đến giám sát trực tiếp (Sở VH-TT&DL, Tổng Công ty Thương mại Hapro, Công ty Quản lý và Phát triển nhà…) cũng thiếu kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm như chấm dứt hợp đồng thuê, liên doanh, liên kết trái phép, kiên quyết thu hồi các cơ sở nhà đất sử dụng sai mục đích. Sở Xây dựng Hà Nội chưa chủ động kiểm tra, kịp thời phát hiện các vi phạm của Công ty Quản lý và Phát triển nhà trong quá trình quản lý quỹ nhà kinh doanh dịch vụ.

Một minh chứng điển hình cho tình trạng quản lý “đánh trống bỏ dùi” của thành phố Hà Nội đó là giải quyết những kết luận trái chiều giữa Thanh tra Nhà nước với Sở Xây dựng trong năm 2013 về những sai phạm trong quản lý, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng tại Công ty XNK Lương thực, thực phẩm Hà Nội. Cụ thể, sau khi liên ngành của thành phố do Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì kiểm tra kết luận về hàng loạt vi phạm của doanh nghiệp này thì Thanh tra Nhà nước thành phố Hà Nội “vào cuộc” và chủ yếu lại đi “diễn giải” về tính hợp lý của các điểm kinh doanh này!

Trước sự mâu thuẫn trong kết luận của hai cơ quan, UBND thành phố đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu thanh tra làm việc với liên ngành để xem xét lại kết luận thanh tra. Tuy nhiên, sau đó sự việc đã bị thả nổi, rơi vào quên lãng cho đến nay!

Phải chăng khi mà quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước này còn là “con gà đẻ trứng vàng” thì việc xử lý vi phạm tại đây vẫn là câu hỏi rất khó tìm được lời giải đáp?

 (Còn nữa)

Hà Nội chỉ đạo làm rõ, xử lý vi phạm

Ngày 10/4, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh có văn bản yêu cầu Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý kiên quyết theo quy định của pháp luật đối với các địa điểm nhà chuyên dùng có vi phạm theo phản ánh của báo Tiền Phong. Ông Khanh cũng yêu cầu các sở, ngành báo cáo UBND thành phố kết quả giải quyết và thông tin cho báo Tiền Phong biết trước ngày 15/5.

Theo chỉ đạo của lãnh đạo Hà Nội, Sở Xây dựng phải khẩn trương tổng hợp kết quả thực hiện “Đề án Tăng cường công tác quản lý, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố” ban hành kèm theo Quyết định số 6988 ngày 19/11/2013 của UBND thành phố; kết quả thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về quản lý, sử dụng, thanh tra, kiểm tra đối với quỹ nhà chuyên dùng thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn Hà Nội, báo cáo UBND thành phố trước ngày 31/5.

Thành phố cũng giao Sở Nội vụ báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về việc tham mưu, đề xuất địa vị pháp lý, mô hình tổ chức bộ máy của Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, cơ chế quản lý quỹ nhà chuyên dùng, báo cáo thành phố trước ngày 15/5/2015. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Sơn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cho biết, ngay sau khi báo Tiền Phong đăng bài về vấn đề này, ông Sơn đã chỉ đạo các bộ phận chức năng, các xí nghiệp có liên quan lập đoàn kiểm tra, xử lý các vi phạm tại những địa điểm mà báo Tiền Phong đã nêu, công khai thông tin về các doanh nghiệp vi phạm. “Khi có kết quả kiểm tra, chúng tôi sẽ thông tin ngay tới báo Tiền Phong”, một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội nói.

Minh Tuấn

MỚI - NÓNG