Vì sao Trung Quốc ủng hộ nghị quyết trừng phạt Triều Tiên

Vì sao Trung Quốc ủng hộ nghị quyết trừng phạt Triều Tiên
Sự ủng hộ của Trung Quốc đối với một nghị quyết của LHQ do Mỹ bảo trợ thể hiện mong muốn tìm kiếm tiếng nói chung với Washington, đồng thời bày tỏ mối quan ngại ngày một gia tăng về các hành động của Bình Nhưỡng.

> Mỹ-Trung đồng thuận về Triều Tiên, dọa cắt viện trợ
> Triều Tiên: ‘Thử hạt nhân là nhu cầu của người dân’
> Mỹ ‘quan ngại’ đe dọa của Triều Tiên

Bản nghị quyết, được tất cả 15 nước Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc thông qua chiều 22-1, siết chặt hơn các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên bằng cách đưa thêm cơ quan vũ trụ Triều Tiên và một danh sách các cá nhân, kể cả giám đốc cơ quan này, vào diện bị trừng phạt.

Bình Nhưỡng cho rằng vụ phóng tháng 12 vừa qua nhằm đưa một vệ tinh viễn thông vào vũ trụ, nhưng Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản nói rằng đây thực chất là vụ thử công nghệ tên lửa tầm xa mà Triều Tiên bị cấm không theo các nghị quyết hiện hành của Liên Hợp Quốc.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, Susan Rice, gọi nghị quyết ngày 22-1 là một "trả lời chắc chắn, thống nhất và thích hợp đối với hành động liều lĩnh của Triều Tiên".

Bà Rice nói rằng sự thống nhất của hội đồng "cho thấy rõ rằng nếu Triều Tiên lại chọn cách bất chấp cộng đồng quốc tế, như tiến hành một lần phóng nữa hoặc thử hạt nhân, thì hội đồng sẽ có hành động đáng kể".

Đại sứ Rice nói rằng các điều quy định của bản nghị quyết, mà bà miêu tả "vừa là các biện pháp trừng phạt mới cũng như siết chặt hơn và mở rộng hơn các biện pháp hiện tại", là rất có ý nghĩa.

Lý do là vì những biện pháp này "thực sự giúp ngăn cản sự phát triển chương trình phổ biến vũ khí giết người hàng loạt của Triều Tiên và giảm thiểu mối đe dọa việc phổ biến hạt nhân thông qua cách nhằm vào các cơ quan và cá nhân trực tiếp dính líu đến chương trình này."

Mỹ ban đầu muốn đưa thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên sau vụ phóng tên lửa, và điều này không nhận được sự đồng tình của Bắc Kinh.

Nhưng các nhà ngoại giao ở Liên Hợp Quốc nói rằng cuối cùng Mỹ đã thuyết phục được Bắc Kinh đồng ý với một nghị quyết nhẹ nhàng hơn, nhưng vẫn là một nghị quyết lên án Bình Nhưỡng.

Các nhà ngoại giao Trung Quốc nói rằng họ muốn một bản nghị quyết "ôn hòa" và "thận trọng" trong khi vẫn đủ mạnh để ngăn cản Triều Tiên không có thêm các hành động có thể làm bất ổn khu vực.

Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc tán thành bản nghị quyết lần này là một sự trả lời mạnh mẽ nhất từ trước đến nay đối với vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Sau vụ thử năm 2006, Trung Quốc tán thành với một cảnh báo của Hội đồng bảo an, trong khi năm 2009 Trung Quốc chỉ bằng lòng với một tuyên bố của Chủ tịch, văn bản ít uy lực hơn và giải thích rằng vụ phóng năm đó chỉ là một "vụ thử vệ tinh" cho dù Mỹ và một số nước khác cho rằng vụ thử hàm chứa công nghệ tên lửa đạn đạo.

Lá phiếu của Trung Quốc lần này cũng cho thấy có sự thay đổi về thái độ so với năm 2010, khi Trung Quốc không nhất trí một phản ứng của Hội đồng Bảo an đối với nghi án Triều Tiên đánh chìm một tàu hải quân Hàn Quốc và pháo kích lên đảo của nước này.

Vào thời điểm đó, Bắc Kinh lo ngại rằng một phản ứng của hội đồng sẽ dẫn đến việc làm cho tình hình trầm trọng hơn nữa.

Giới phân tích cho rằng chắc chắn Trung Quốc sẽ cố gắng làm giảm nhẹ tình hình hiện nay để bản nghị quyết không nhằm vào nền kinh tế dân sự của Triều Tiên.

Đây là một lập trường nhất quán của Trung Quốc đối với các quốc gia khác, như Sudan và Iran, trong đó Trung Quốc nhấn mạnh rằng quan hệ thương mại bình thường (kể cả với Trung Quốc) không nên bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, nội dung của bản nghị quyết vẫn có ý nghĩa quan trọng, như tuyên bố của đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc đưa ra sau khi bỏ phiếu, rằng bản nghị quyết cần phải "thận trọng, cân nhắc, cân đối và có lợi cho ổn định".

Các nhà phân tích cho rằng điều mà bản nghị quyết vừa qua đã không nhằm tới là một sự chuyển hướng cơ bản trong chủ trương của Trung Quốc nhằm tăng cường quan hệ kinh tế với Triều Tiên.

Một nhà phân tích chỉ rõ rằng Trung Quốc là đối tác thương mại "hàng đầu và cuối cùng" của Triều Tiên thông qua việc gần đây hai nước đã thành lập "các khu kinh tế đặc biệt" cho luồng đầu tư của Trung Quốc vào Triều Tiên.

Một số nhà phân tích châu Á nói rằng thông qua việc ủng hộ bản nghị quyết này Trung Quốc còn đánh tín hiệu cho Washington về mong muốn thúc đẩy hợp tác hơn nữa của họ. Họ nói rằng chính phủ Trung Quốc cũng để ý đến Hàn Quốc, vốn là một động lực kinh tế của khu vực.

Các nhà ngoại giao ở Liên Hợp Quốc nói rằng ý nghĩa của nghị quyết ra ngày 22-1 trước tiên là dấu hiệu để Bình Nhưỡng thấy Bắc Kinh không khoanh tay đứng nhìn nữa. Sự hợp tác của Trung Quốc về bản nghị quyết này cũng được xem như một phần nỗ lực của nước này trong việc cải thiện quan hệ với Hàn Quốc.

Bắc Kinh gần đây đã cử các nhà ngoại giao đến gặp tổng thống vừa đắc cử của Hàn Quốc, bà Park Guen-hye, và bà Park đã đáp lễ bằng việc cử một đoàn đại biểu sang thăm Trung Quốc 4 ngày bắt đầu từ ngày 21-1.

Theo Phạm Ngọc Uyển
VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.