Vì sao trái phiếu Chính phủ phát hành giảm?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Từ đầu năm đến nay, trái phiếu Chính phủ phát hành chỉ đạt 46% kế hoạch đề ra. Theo chuyên gia, nguyên nhân bởi tốc độ giải ngân đầu tư công chậm là một phần khiến trái phiếu Chính phủ phát hành giảm.

Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán MB, trong tháng 11, khối lượng giao dịch trái phiếu Chính phủ tăng so với cùng kỳ tháng 10. Kho bạc Nhà nước tập trung chào bán trái phiếu Chính phủ hai kỳ hạn chính là 10 năm và 15 năm. Trong số 59.500 tỷ đồng trái phiếu được chào bán, có 42.790 tỷ đồng được huy động, tỷ lệ 72%.

Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách Xã hội chào bán 3.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm và 5 năm trong tháng, trong đó có 2.600 tỷ đồng được huy động với lãi suất 4,69-4,8%/năm.

Vì sao trái phiếu Chính phủ phát hành giảm? ảnh 1

Trái phiếu Chính phủ phát hành với lãi suất chỉ từ 4,8- 4,9%/năm.

Lãi suất kỳ hạn 10 năm và 15 năm lần lượt là 4,8%/năm và 4,9%/năm, hai kỳ hạn đều tăng 0,8% so với cuối tháng 10. Dù lượng phát hành thành công trong tháng đã tăng lên nhưng tỷ lệ phát hành trong năm vẫn rất thấp.

Tính từ đầu năm đến nay, Kho bạc Nhà nước mới chỉ phát hành được tổng cộng 182.222 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, tốc độ phát hành trái phiếu của Kho bạc Nhà nước đang khá chậm khi mới chỉ đạt 46% kế hoạch đề ra. Trong khi đó, trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 11 phát hành được 234,7 tỷ đồng ở thị trường trong nước.

Theo một chuyên gia, phát hành trái phiếu doanh nghiệp không hấp dẫn nhà đầu tư vì niềm tin trái phiếu doanh nghiệp sụt giảm. Vị chuyên gia này cho rằng, trái phiếu Chính phủ phục vụ cho đầu tư công. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân đầu tư công đến nay chậm là một trong những nguyên nhân khiến trái phiếu Chính phủ phát hành chậm.

Bộ Tài chính cho biết, ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước 11 tháng năm 2022 mới đạt 52,43% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân đạt 58,33%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (63,86%).

Hiện có 16 Bộ và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60%. Một số Bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Thanh tra Chính phủ (100%), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (100%), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (99,47%), Ngân hàng Nhà nước (84,42%), Quảng Ngãi (83,1%), Tiền Giang (82%), Bình Định (81,5%)…

Tuy nhiên, vẫn còn 27 Bộ và 18 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%, trong đó có 12 Bộ và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30% như: TPHCM (trên 25%); Hà Giang (31,4%); Cao Bằng (32,6%); Quảng Trị (trên 40%); Hòa Bình (44,8%).

Theo báo cáo của các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương, ngoài các nguyên nhân chung ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án như giá cả nguyên vật liệu tăng cao, tình hình thời tiết, khó khăn vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng… thì tại nhiều địa phương hiện đang triển khai thực hiện lập quy hoạch. Do đó, nhiều địa bàn thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch cục bộ đối với khu đất được giới thiệu, chấp thuận địa điểm của dự án nên ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.

MỚI - NÓNG