Giao dịch thị trường trái phiếu Chính phủ đạt 9.000 tỷ đồng/phiên ​

Giao dịch thị trường trái phiếu Chính phủ đạt 9.000 tỷ đồng/phiên. ảnh minh hoạ ​
Giao dịch thị trường trái phiếu Chính phủ đạt 9.000 tỷ đồng/phiên. ảnh minh hoạ ​
TPO - Khối lượng giao dịch bình quân phiên trong 11 tháng đầu năm 2019 đạt 9.000 tỷ đồng/phiên; tăng 24 lần so với năm 2009. 

Quy mô thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) đến hết tháng 11/2019 bằng 25,1% GDP năm 2019. Thị trường TPCP Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 27%/năm trong thập kỷ vừa qua là mức tăng cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á.

Đây là thông tin được Bộ Tài chính đưa ra tại Hội nghị 10 năm hoạt động và phát triển của thị trường trái phiếu Chính phủ, ngày 10/12.

Theo Bộ Tài chính, thị trường trái phiếu Chính phủ chuyên biệt chính thức đi vào hoạt động tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) từ ngày 24/09/2009. Qua 10 năm hoạt động, thị trường trái phiếu Chính phủ đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho đầu tư phát triển.

Đến nay, thị trường trái phiếu Chính phủ đã có sự phát triển cả về quy mô và tính thanh khoản, đóng vai trò then chốt để phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu. Hoạt động của thị trường trái phiếu Chính phủ đã được chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế từ khâu công bố kế hoạch phát hành, sản phẩm hàng hóa, phương thức và quy trình phát hành đến đăng ký, lưu ký, niêm yết, giao dịch trên thị trường thứ cấp. 

“Thị trường TPCP đã ngày càng trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn có hiệu quả cho NSNN, công tác phát hành TPCP đã gắn với tái cơ cấu nợ Chính phủ theo hướng bền vững . Trong giai đoạn 2009-2019, kênh phát hành TPCP đã huy động được 1,96 triệu tỷ đồng cho NSNN. Bình quân đạt khoảng 175 nghìn tỷ đồng/năm”, bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết. 

Theo bà Hiền, công tác phát hành TPCP đã gắn kết với việc tái cơ cấu nợ Chính phủ, thông qua việc tập trung phát hành các kỳ hạn dài khi thị trường thuận lợi, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư. Theo đó, kỳ hạn phát hành bình quân TPCP đã được kéo dài qua từng năm, đạt 13,6 năm vào cuối tháng 11/2019, cao hơn 9 -10 năm so với giai đoạn 2009 – 2014.

Lãi suất phát hành bình quân ở mức 4,58%/năm, thấp hơn 6,4% - 7,6%/năm so với giai đoạn 2009 - 2014. Việc tập trung phát hành TPCP kỳ hạn dài với chi phí huy động vốn hợp lý đã tạo điều kiện cho Chính phủ tăng vay nợ tại thị trường trong nước, giảm vay nợ nước ngoài, góp phần giảm rủi ro của danh mục nợ công. 

Đại diện Bộ Tài chính đánh giá, sản phẩm TPCP được phát triển ngày càng đa dạng, là công cụ đầu tư an toàn, hiệu quả cho mọi loại hình nhà đầu tư. Trên thị trường TPCP, đã xuất hiện nhiều nhà đầu tư mới bên cạnh các NHTM. Năm 2009, trên thị trường TPCP chỉ có các sản phẩm kỳ hạn từ dưới một năm cho đến 10 năm; đến nay trên thị trường TPCP có đầy đủ các kỳ hạn từ ngắn hạn đến kỳ hạn 20 năm, 30 năm. 

Cùng với sự phát triển đa dạng về sản phẩm, trên thị trường TPCP ngày càng xuất hiện nhiều nhà đầu tư mới như các loại hình quỹ đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài; Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm ngày càng tham gia tích cực trên thị trường TPCP.

Đặc biệt trên thị trường TPCP đã có sự tham gia của nhà đầu tư 100% vốn nước ngoài. Đến cuối tháng 11 năm 2019, tỷ lệ nắm giữ TPCP của các nhà đầu tư dài hạn đạt 55% (tăng 35% so với cuối năm 2009), của các NHTM giảm xuống mức khoảng 45% (giảm 35% so với cuối năm 2009). Đồng thời, TPCP đã trở thành công cụ hỗ trợ NHNN điều hành chính sách tiền tệ thông qua nghiệp vụ thị trường mở, hoạt động tái cấp vốn. 

MỚI - NÓNG