Toàn bộ thời gian của phiên giao dịch hôm nay (15/11), VN-Index ngập trong sắc đỏ, diễn biến tiêu cực bao trùm toàn thị trường. Hoạt động bán giải chấp sớm diễn ra đầu phiên, đẩy loạt cổ phiếu giảm sàn. Tình trạng ngày càng tiêu cực hơn, thêm cả trăm cổ phiếu bị kéo về giá sàn sau đó.
Các chỉ số đại diện chứng khoán Việt thêm lần "đội sổ" trên bảng xếp hạng thế giới |
Không nhóm ngành nào đủ lực đi ngược thị trường chung, từ cổ phiếu vốn hóa lớn, đến các mã nhỏ và vừa. Tại rổ VN30, 26 mã giảm giá, trong đó có 11 cổ phiếu giảm sàn. Chỉ số đại diện VN30-Index có thời điểm rơi thủng mốc 1.000 điểm. Ảnh hưởng tiêu cực nhất đến thị trường là BID, VPB, SAB, FPT, TCB, NVL, MBB, GAS...
Bất động sản tiếp tục là nhóm giao dịch tiêu cực nhất. Nhà đầu tư cầm cổ phiếu bất động sản không khỏi xót xa, khi cứ mỗi ngày lại giảm đều đặn 7-15%, do cổ phiếu liên tục nằm sàn, mất thanh khoản. Tình trạng này đã kéo dài tới 8-9 phiên ở nhiều cổ phiếu. Doanh nghiệp bất động sản liên tục giải trình về việc cổ phiếu lao dốc. Câu trả lời chỉ xoay quanh lý do về tâm lý nhà đầu tư cũng như các chính sách điều hành liên quan tới ngành.
Lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản liên tục bị call margin. Công ty chứng khoán MB (MBS) vừa báo cáo kết quả giải chấp 446.200 cổ phiếu của ông Nguyễn Văn Đạt. Chủ tịch HĐQT PDR vào ngày 10/11. Công ty chứng khoán Yuanta (YSVN) cũng thông báo bán giải chấp 1.041.237 cổ phiếu của Chủ tịch HĐQT PDR, từ ngày 10/11 cho đến khi đảm bảo tỷ lệ ký quỹ theo quy định của YSVN.
Trong khi đó, hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản có động thái mua vào, được nhà đầu tư kỳ vọng sẽ đỡ giá cổ phiếu, như KBC, DXG, L14, DIG... Thị giá trượt về vùng đáy, lãnh đạo các doanh nghiệp khác như MWG, DGC, NKG, HDB, VIB... cũng muốn “bắt đáy”.
Quỹ ngoại như Dragon Capital tiếp tục gom cổ phiếu “rẻ”, là KDH đang giao dịch quanh vùng đáy 2 năm, về dưới 20.000 đồng/cổ phiếu. Dragon Capital thông báo đã hoàn tất mua thêm 19 triệu cổ phiếu KDH. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của nhóm Dragon Capital đã tăng từ 4,99% lên 7,64% và trở lại làm cổ đông lớn từ ngày 15/11.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 29,14 điểm (3,1%) xuống 911,9 điểm. HNX-Index giảm 7,67 điểm (4,18%) xuống 175,78 điểm. UPCoM-Index giảm 3,51 điểm (5,25%) xuống 63,3 điểm.
Thanh khoản không ghi nhận đột biến, vẫn ở mức thấp, giá trị khớp lệnh HoSE chỉ hơn 7.820 tỷ đồng. Điểm tích cực là khối ngoại tiếp tục mua ròng, giá trị 1.176 tỷ đồng, tập trung vào STB, HPG, SSI, KBC, GEX, CTG, VND...