Vì sao tiêm kích Su-30 Ấn Độ đắt gấp đôi phiên bản hiện đại nhất của Nga?

Tiêm kích SU-30MKI
Tiêm kích SU-30MKI
TPO - Đi vào hoạt động từ năm 2002, Su-30MKI là máy bay chiến đấu hạng nặng nhất và có năng lực nhất trong Không quân Ấn Độ và ngày nay trở thành xương sống của phi đội Ấn Độ với hơn 270 máy bay đang phục vụ. Các máy bay chiến đấu này đi vào hoạt động tương đối nhanh chóng, với 50 chiếc bắt đầu hoạt động vào đầu năm 2005, thay thế các tiêm kích MiG-23, MiG-27 và các biến thể cũ hơn là MiG-21 trong biên chế tiền tuyến.

Nhưng mặc dù chương trình Su-30MKI thành công, cho đến nay được coi là máy bay chiến đấu quan trọng nhất đối với nền quốc phòng của Ấn Độ do nó dẫn đầu cả về số lượng và chất lượng so với các máy bay khác trong phi đội, một số nhà phân tích nhấn mạnh rằng các máy bay chiến đấu này có giá cao bất thường. So với các biến thể Su-30 khác như Su-30MKK do nước láng giềng Trung Quốc triển khai, hay thậm chí là nền tảng Su-30SM mới nhất của Nga, Su-30MKI cực kỳ đắt đỏ với giá gần gấp đôi Su -30SM.

Mặc dù chương trình Su-30MKI ít gây tranh cãi hơn nhiều so với việc Bộ Quốc phòng Ấn Độ gần đây mua một phi đội máy bay chiến đấu hạng nhẹ Rafale của Pháp, với hơn 240 triệu USD cho mỗi chiếc và là nguồn cơn một vụ bê bối tham nhũng nghiêm trọng, nhưng giá thành cao của Su-30MKI vẫn là câu hỏi đáng để khám phá.

Một trong những lý do chính khiến chi phí của Su-30MKI cao hơn so với các biến thể Su-30 khác là do quy mô sản xuất nhỏ hơn nhiều và dây chuyền sản xuất kém hiệu quả hơn ở Ấn Độ, nơi chúng được sản xuất theo giấy phép, so với Su-30MKK, Su -30SM và các biến thể khác được chế tạo tại Nga.

Như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ, Subhash Bhamre, đã lưu ý: “Do số lượng sản xuất thấp của SU-30 MKI Ấn Độ so với các biến thể SU-30 khác của Nga, quy luật bất lợi về quy mô sẽ phát huy tác dụng.” Thỏa thuận cấp phép sản xuất giữa Nga và Ấn Độ cũng bao gồm phí chuyển giao công nghệ, mang lại lợi ích cho ngành quốc phòng Ấn Độ nhưng phát sinh chi phí lớn hơn so với trường hợp máy bay được mua từ Nga, theo Military Watch.

Một lý do khác là Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã tìm cách tích hợp nhiều công nghệ từ một số quốc gia vào máy bay SU-30MKI - hầu hết trong số đó đến từ các nền công nghiệp quốc phòng có chi phí sản xuất kém hiệu quả hơn của Nga (vì sản xuất số lượng nhỏ), nghĩa là các hệ thống mới cực kỳ đắt đỏ. Chúng bao gồm các loại tên lửa MICA của Pháp và ASRAAM của Anh, bom và thiết bị điện tử dẫn đường GPS của Israel, tên lửa Astra và BrahMos của Ấn Độ.

Trong nhiều trường hợp, chúng ít phức tạp hơn so với các loại tương tự được triển khai trên các nền tảng như Su-30SM hoặc Su-35, nhưng chúng có tác động rất đáng kể đến giá thành của mỗi máy bay SU-30MKI. Chi phí cao của Su-30MKI so với tất cả các biến thể Su-30 khác, bao gồm cả Su-30SM tiên tiến hơn nhiều, đã đặt ra câu hỏi gay gắt trong quốc hội Ấn Độ, khi giá mua mỗi chiếc lên tới 62 triệu USD. Mặc dù vẫn rất hiệu quả về mặt chi phí so với các máy bay chiến đấu của phương Tây như Rafale, nhưng chi phí vẫn cao so với máy bay chiến đấu được sản xuất tại Nga như Su-30SM - có giá khoảng 35-37 triệu USD và có chi phí vận hành cơ bản ước tính dưới 25 triệu USD.

Ấn Độ hiện đang xem xét mua thế hệ kế nhiệm tiếp theo của Su-30 là Su-57 và tranh cãi về giá thành cao của Su-30MKI có khả năng ảnh hưởng đến quyết định cuối cùng về việc liệu có nên mua nguyên chiếcd SU-57 từ Nga hay sẽ được sản xuất trong nước theo giấy phép.

Sản xuất theo giấy phép sản xuất có khả năng hiệu quả hơn đáng kể so với hiện tại nếu Ấn Độ sản xuất Su-30 theo các thông số kỹ thuật của Nga - giống như họ đã làm với tiêm kích MiG-27, như Trung Quốc đã làm với Su-27 trong thời gian ngắn, và như Triều Tiên đã làm với MiG-29.

Su-30 MKI cũng gây tranh cãi vì tỷ lệ sẵn sàng chiến đấu tương đối thấp. Điều này được nhiều người cho là do Không quân Ấn Độ gây ra chứ không phải vấn đề với chính dòng máy bay SU-30MKI: Các máy bay trong phi đội của Ấn Độ có nguồn gốc từ nhiều quốc gia, và chúng đều gặp vấn đề về tỷ lệ sẵn sàng chiến đấu. Máy bay chiến đấu Su-30 do Trung Quốc và Algeria vận hành không gặp phải vấn đề tương tự và có tỷ lệ sẵn sàng cao hơn nhiều.

MỚI - NÓNG