Tăng T-14 Armata được trang bị một khẩu pháo nòng trơn 125mm, có thể bắn nhiều loại đạn, gồm đạn xuyên giáp có guốc giảm cỡ nòng, tên lửa có điều khiển, đạn xuyên lõm và nhiều loại đạn khác.
Theo Diplomat, năng lượng đầu nòng của pháo tăng T-14 được cho là lớn hơn mẫu pháo Rheinmetall 120 mm gắn trên xe tăng chủ lực Leopard 2 của Đức.
Ngoài pháo chính, T-14 còn trang bị một khẩu pháo 30mm để bắn hạ các mục tiêu bay ở độ cao thấp, gồm máy bay cánh cố định và trực thăng các loại.
Văn phòng nghiên cứu quân sự nước ngoài Mỹ (FSMO) từng nói rằng Armata có thể được coi như "một đạo quân nhỏ." Chiếc xe tăng có thể tự vệ trước gần như mọi thứ. Ngay cả những chiếc trực thăng vũ trang Apache hiện đại nhất (của Mỹ) cũng không thể chắc chắn tiêu diệt được tăng T-14.
Sức mạnh của T-14 còn tăng lên gấp bội nhờ được trang bị hệ thống nạp đạn tự động và hệ thống ngắm bắn được điều khiển bằng máy tính.
Theo giới phân tích, T-14 cho thấy một bước nhảy khổng lồ về mặt công nghệ so với các thiết bị quân sự có từ thời Liên Xô.
"Các mẫu xe mới về cơ bản đều là những thiết kế mới mẻ, đại diện cho sự thay đổi lớn nhất trong các dòng tăng thiết giáp của Nga, kể từ những năm 1960 và 1970," tờ tạp chí quốc phòng Jane's 360 Defense Weekly đánh giá.
Yếu tố quan trọng nhất của chiếc xe tăng mới là phần tháp pháo được điều khiển từ xa. Tổ lái sẽ ngồi trong một khoang bọc thép nằm ở phần phía trước của thân xe - khu vực được bảo vệ tốt nhất.
Tăng Armata dự kiến sẽ bắt đầu đi vào thử nghiệm hoạt động trong quân đội Nga từ năm 2016. Tới năm 2020, công ty Uralvagonzavod sẽ cung cấp cho quân đội Nga khoảng 2.300 chiếc xe tăng loại này.