Vì sao quy định về xử phạt xả rác vẫn nằm trên giấy?

Công nhân Cty Urenco Hà Nội đi dọn vệ sinh vỉa hè trên phố Phủ Doãn. Ảnh: Trường Phong.
Công nhân Cty Urenco Hà Nội đi dọn vệ sinh vỉa hè trên phố Phủ Doãn. Ảnh: Trường Phong.
TP - Từ tháng 2/2017, Hà Nội áp dụng việc xử phạt hành vi xả rác bừa bãi theo Nghị định 155, trong đó có quy định mức phạt tiền rất cao đối với các tập thể, tổ chức, cá nhân vi phạm. Tuy nhiên, cho đến nay, việc xử phạt gần như không có kết quả...

Một ngày tháng 7, hai nữ công nhân của Cty Urenco Hà Nội hì hục đạp xe giữa trời nắng gắt dọc hai bên phố Phủ Doãn dọn rác thải của người dân hai bên đường vứt bừa bãi ra vỉa hè. Vỏ đồ ăn có, vỏ đồ uống, nhiều rác thải sinh hoạt người dân chất đống bên đường. Người phụ nữ này cho biết, trước đây, khi thành phố và quận ra quân rầm rộ, đi kiểm tra thường xuyên, hành vi xả rác bừa bãi ra đường đã được hạn chế nhiều. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các chị làm không hết việc vì chỗ nào cũng thấy rác.

Ðâu lại vào đấy

“Họ vẫn vứt ra bình thường. Hầu như có xử phạt được đâu”, người phụ nữ này than thở, khi phóng viên đặt vấn đề có quy định xử phạt tại Nghị định 155. Người phụ nữ này cũng cho biết, người dân hầu như không sợ, vì chẳng có ai phạt, chẳng ai nhắc nhở. Chỉ có công nhân vệ sinh phải dọn dẹp, vất vả. “Đợt trước tuyên truyền nhiều trên hệ thống loa. Giờ không thấy nữa”, người này nói. Theo ghi nhận của phóng viên Tin Phong, hầu hết các tuyến phố trong khu vực phố cổ Hà Nội, dù đã gọn gàng, vệ sinh hơn so với thời điểm năm 2017, tuy nhiên, việc để, vứt rác ra vỉa hè đang tái diễn. Đặc biệt, nhiều vị trí trước cửa các quán ăn, lượng rác thải đổ ra nhiều, bốc mùi cả góc phố. Nhiều vị trí đặt thùng rác không được người dân sử dụng, trái lại, rác thải vứt bừa bộn dưới gốc cây, cạnh bốt điện...

Về công tác quản lý trật tự đô thị, vệ sinh môi trường 6 tháng đầu năm 2018, UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, thời gian qua, mặc dù đã nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, tuy nhiên, các đơn vị chức năng đã lập hồ sơ xử phạt hành chính đối với 171 vụ, 171 đối tượng vi phạm trong lĩnh vực môi trường với tổng số tiền phạt 780 triệu đồng. Quận Hoàn Kiếm cũng cho biết, còn một số tồn tại, hạn chế trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Hàng Giấy và 6 tuyến phố đi bộ mở rộng trong khu vực bảo tồn cấp I - Khu phố cổ Hà Nội như tình trạng bán hàng rong, cho thuê xe; tình trạng các phương tiện đi lại trong không gian đi bộ.

Chủ yếu vẫn ... tuyên truyền

Không riêng gì Hoàn Kiếm, đại diện UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, cũng gặp nhiều khó khăn trong việc xử phạt hành vi xả rác bừa bãi theo Nghị định 155. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2018, quận cũng thành lập nhóm gồm lãnh đạo UBND quận; lãnh đạo, cán bộ ban quản lý dy án đầu tư xây dựng quận; lãnh đạo và cán bộ UBND 11 phường phụ trách vệ sinh môi trường; nhà thầu thực hiện duy trì vệ sinh môi trường trên ứng dụng Zalo để chỉ đạo xử lý các nội dung liên quan đến thu gom chất thải, xử lý vệ sinh môi trường trên địa bàn quận. Đại diện lãnh đạo quận Thanh Xuân cho biết, đã lắp đặt bổ sung 30 thùng rác di động tại các tuyến đường, phố chính và ngõ ngách để hạn chế tình trạng xả rác bừa bãi. Dù thế, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều tuyến phố trên địa bàn quận đang tái diễn tình trạng vi phạm về vệ sinh môi trường. Đơn cử như tuyến phố Nguyễn Quý Đức, nhiều hộ dân để rác thải ra vỉa hè, gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường.

Liên quan đến việc thực hiện quy định của Nghị định 155 trong vấn đề vệ sinh môi trường, ông Đặng Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, đối với dân cư hiện nay, quận vẫn tập trung vào tuyên truyền, vận động. “Chúng tôi có một hệ thống chính trị như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh. Nếu vị trí nào mất vệ sinh, mất mỹ quan, chúng tôi sẽ quy trách nhiệm cho các hội đó”, ông Thái nói. Theo ông Thái, hiện nay, vấn đề môi trường đang rất được quan tâm. Trên địa bàn quận có nhiều dự án, nhiều công trường, quận đều tăng cường kiểm tra, xử phạt rất nhiều, yêu cầu phải đảm bảo tường chắn, che kín, không để rác thải nguy hại ra môi trường, xe từ công trường ra ngoài phố phải được rửa sạch... “Quận đã kiểm tra, xử lý các trường hợp thi công, vận chuyển vật liệu không đảm bảo vệ sinh môi trường, lập 6 biên bản làm việc với Cty bê tông Việt Tiệp, 3 biên bản đối với Cty bê tông Việt Đức...”, ông Thái nói. 

Nghị định 155/2016/NÐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ ngày 1/2/2017 tăng mức phạt tiền đối với hành vi gây mất vệ sinh khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng. Cụ thể, phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng. Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định. Phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định. Ðặc biệt, phạt tiền từ 5 triệu đến 7 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.

MỚI - NÓNG