Vì sao ông Tập Cận Bình muốn nhà giàu Trung Quốc ‘trả lại của cải cho xã hội’?

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Xinhua
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Xinhua
TPO - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa cam kết tái phân bổ của cải trong xã hội, gia tăng áp lực với các doanh nghiệp và công dân giàu có của nước này.

Tại cuộc họp của Ủy ban Tài chính & Kinh tế của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 17/8, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng, chính phủ phải thành lập một hệ thống để tái phân bổ của cải vì lợi ích “công bằng xã hội”, theo bản tóm tắt bài phát biểu của ông Tập được Xinhua đăng tải. Cần điều tiết một cách hợp lý những nguồn thu nhập quá cao và “khuyến khích doanh nghiệp, người có thu nhập cao trả lại nhiều hơn cho xã hội”, ông nói.

Vì sao ông Tập Cận Bình muốn nhà giàu Trung Quốc ‘trả lại của cải cho xã hội’? ảnh 1

Màn hình lớn bên ngoài một trung tâm mua sắm đang phát hình ảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trong lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 1/7/2021. Ảnh: AP

Không phải kế hoạch kiểu Robin Hood

Bài viết của Xinhua không đề cập chi tiết cách thức đạt được mục tiêu tái phân bổ của cải, nhưng gợi ý rằng, chính phủ Trung Quốc có thể xem xét vấn đề thuế hoặc các biện pháp khác để tái phân bổ thu nhập và của cải.

Trong cuộc họp, các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc bàn về cách kế hoạch liên quan thay đổi về thuế và chi trả an sinh xã hội cho người có thu nhập trung bình, ban hành chính sách mới giúp tăng thu nhập cho người có thu nhập thấp, triệt phá các tập quán, lỗ hổng có thể làm gia tăng thu nhập phi pháp…, báo Hong Kong South China Morning Post đưa tin ngày 18/8.

Hệ thống thịnh vượng chung sẽ khuyến khích việc tạo cơ hội cho người có thu nhập cao và doanh nghiệp trả lại nhiều của cải hơn cho xã hội thông qua tặng quà tự nguyện và đóng góp từ thiện. Vì vậy, các nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc sẽ có các chính sách mới, đặc biệt là liên quan thuế, phí.

Xiong Yuan, nhà phân tích vĩ mô của Công ty Chứng khoán Guosheng, nói rằng, chính phủ Trung Quốc có thể giảm mức thuế thu nhập cá nhân, tăng thuế đối với người giàu, ví dụ thuế liên quan tài sản, thừa kế, lợi nhuận doanh nghiệp, hoặc ra các chính sách ưu đãi cho các quỹ từ thiện, hoạt động đóng góp cho phúc lợi công cộng.

Vì sao ông Tập Cận Bình muốn nhà giàu Trung Quốc ‘trả lại của cải cho xã hội’? ảnh 2

Người già ở một vùng quê nghèo tỉnh Hà Nam, Trung Quốc khâu dép để kiếm thu nhập. Ảnh: Thái An.

Tại cuộc họp, ông Tập Cận Bình kêu gọi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và tài sản. Ông cũng cho rằng, nhu cầu “thịnh vượng chung” của người dân có vai trò quan trọng đối với sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc và chuyển đổi Trung Quốc thành nước giàu mạnh, phát triển vào năm 2049 nhân dịp 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

“Thịnh vượng chung là thịnh vượng cho tất cả mọi người. Không phải là thịnh vượng của một số người”, Chủ tịch Trung Quốc phát biểu.

Tuy nhiên, bài phát biểu của ông Tập không gợi ý một kế hoạch kiểu Robin Hood là lấy của người giàu chia cho người nghèo, mà là kêu gọi quản trị tốt hơn, cân bằng hơn trong nền kinh tế, tập trung vào tiêu thụ cấp cơ sở, coi đây là một nhân tố kinh tế trọng yếu, thay vì đầu tư thâm dụng vốn – một mô hình rất phổ biến trong những thập kỷ qua, South China Morning Post đưa tin ngày 18/8.

Vì sao ông Tập Cận Bình muốn nhà giàu Trung Quốc ‘trả lại của cải cho xã hội’? ảnh 3

Thành phố Thượng Hải, Trung Quốc với 6-7 tầng đường trên cao đan xen. Ảnh: Thái An.

Bất bình đẳng gia tăng

Trong khi khu vực kinh tế tư nhân và khối của cải ở Trung Quốc bùng nổ (năm 2019, số người giàu Trung Quốc lần đầu tiên vượt số người giàu Mỹ), khoảng cách giàu-nghèo, nông thôn-thành thị ở Trung Quốc rộng ra đáng kể. Vấn đề này dường như khiến ông Tập bực bội, CNN nhận định ngày 18/8.

Tại cuộc họp hôm 17/8, ông Tập công nhận rằng, Đảng Cộng sản Trung Quốc “từng cho phép một số người, một số khu vực làm giàu trước” theo mô hình cải cách kinh tế những năm 1970.

Vì sao ông Tập Cận Bình muốn nhà giàu Trung Quốc ‘trả lại của cải cho xã hội’? ảnh 4

Tượng người rùa trong khuôn viên tổng hành dinh tập đoàn công nghệ Alibaba của Trung Quốc ở thành phố Hàng Châu. Ảnh: Thái An.

Nhưng kể từ năm 2012 (khi ông Tập lên nắm quyền), ông nói rằng, chính phủ Trung Quốc coi “việc đạt được thịnh vượng chung cho tất cả mọi người có vị trí quan trọng hơn”.

Sự tập trung của ông Tập vào việc tái phân phối của cải gắn với các mục tiêu rộng lớn hơn của chính phủ Trung Quốc đối với nền kinh tế. Những tháng gần đây, Trung Quốc có sự siết chặt chưa từng có tiền lệ đối với các lĩnh vực như công nghệ, tài chính, giáo dục… với lý do giảm rủi ro tài chính, bảo vệ nền kinh tế và loại trừ tham nhũng.

Các cơ quan quản lý đổ lỗi cho khu vực tư nhân tạo ra các vấn đề kinh tế-xã hội có thể gây mất ổn định xã hội. Việc siết quản lý doanh nghiệp tư nhân khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại. Người ta cũng lo cho triển vọng đổi mới sáng tạo và tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc.

Kinh tế Trung Quốc gần đây đã có dấu hiệu suy yếu. Số liệu được công bố đầu tuần này cho thấy sự hồi phục kinh tế đang chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên Trung Quốc tăng lên mức cao nhất. Các nhà kinh tế cho rằng, tăng trưởng chậm lại là do nhiều yếu tố, bao gồm biến thể Delta lây lan nhanh, thiên tai, nguy cơ nợ gia tăng, nhà đầu tư lo lắng về điều chỉnh chính sách…

Vì sao ông Tập Cận Bình muốn nhà giàu Trung Quốc ‘trả lại của cải cho xã hội’? ảnh 5

Một trạm dừng trên tuyến đường sắt cao tốc nối Bắc Kinh với nhiều tỉnh thành khác của Trung Quốc. Ảnh: Thái An.

Ý nghĩa khác của “thịnh vượng chung”

Cụm từ “thịnh vượng chung” mang nhiều ý nghĩa lịch sử ở Trung Quốc. Việc ông Tập sử dụng “thịnh vượng chung” với ý tái phân bổ của cải làm người ta nhớ đến cách dùng cụm từ này của Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông hồi giữa thế kỷ trước. Ông Mao chủ trương cải cách kinh tế để xóa quyền lực của nông dân, chủ đất giàu có.

Ông Mao lãnh đạo Trung Quốc qua thời kỳ biến động, chuyển đổi lớn về kinh tế-xã hội. Ông qua đời năm 1976, đánh dấu sự kết thúc của Cách mạng Văn hóa. Sau đó, Trung Quốc bước vào nhiều thập kỷ tự do hóa kinh tế dưới thời ông Đặng Tiểu Bình.

Ông Đặng sử dụng cụm từ “thịnh vượng chung” theo cách riêng, khi mà Trung Quốc chấp nhận các nguyên tắc thị trường tự do và mở cửa cho phương Tây. Năm 1985, ông nói với một đoàn lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ rằng, “một số lĩnh vực và một số người có thể trở nên giàu có trước tiên, sau đó dẫn dắt và giúp đỡ các khu vực và người khác (trở nên giàu có), và dần dần (chúng tôi) đạt được sự thịnh vượng chung”.

Những năm qua, Trung Quốc đã chuyển đổi từ một nước nghèo thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, rất mạnh về kinh doanh và công nghệ. Tăng trưởng nhanh có thể giúp Trung Quốc vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng một thập kỷ, CNN đưa tin ngày 18/8.

Vì sao ông Tập Cận Bình muốn nhà giàu Trung Quốc ‘trả lại của cải cho xã hội’? ảnh 6

Robot chào khách trong một nhà hàng ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Thái An.

Trước đây, ông Mao Trạch Đông lấy đấu tranh giai cấp làm cương lĩnh dẫn đến Cách mạng Văn hóa; ông Đặng Tiểu Bình chủ trương lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm. Sau Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nước này tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, thúc đẩy cải cách hệ thống quản trị quốc gia, đề cao mục tiêu lấy nhân dân làm trung tâm, nâng cao vị thế quốc tế. Đại hội XIX nêu chủ trương xây dựng cộng đồng chung vận mệnh của nhân loại. Đó là một ý tưởng tốt đẹp, nhưng từ lời nói đến việc làm và kết quả còn là một khoảng cách xa với nhiều trở ngại, đặc biệt là chủ nghĩa dân tộc cực đoan và cường quyền, giới quan sát nhận định.

MỚI - NÓNG
Các nhà hoạt động biểu tình tại hội nghị khí hậu COP29 ở Azerbaijan ngày 23/11. (Ảnh: AP)
Nhiều nước bất bình với quỹ khí hậu 300 tỷ USD
TPO - Hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc vừa thông qua một thỏa thuận cung cấp ít nhất 300 tỷ USD hằng năm cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của nhân loại và giúp các quốc gia đang phát triển đối phó với sự tàn phá của thiên tai do nhiệt độ toàn cầu nóng lên.