vì sao nhiều ngân hàng được tăng tín dụng?

vì sao nhiều ngân hàng được tăng tín dụng?
TP - Thắt chặt, phân nhóm cao nhất 17%, thấp hơn chỉ 15% hay 12%/năm rồi đột ngột... nới tới 25- 27%/năm, động thái ồ ạt cho “mở” van tín dụng với nhiều ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước đang gây bất ngờ.

> Chuyên gia quốc tế nói về tăng trưởng, lạm phát, nợ xấu

Nới tín dụng, thêm cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, nhưng ngân hàng cũng phải lưu ý hệ số an toàn vốn (CAR)
Nới tín dụng, thêm cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, nhưng ngân hàng cũng phải lưu ý hệ số an toàn vốn (CAR).

Đằng sau câu chuyện này sẽ là gì. Việc “dồn toa” nới cung tiền cho vay bằng mọi giá có làm gia tăng nguy cơ tăng lạm phát và nợ xấu?

Ồ ạt “chỉnh”

Là ngân hàng đầu tiên công bố được NHNN chấp thuận điều chỉnh tăng trưởng tín dụng lên tối đa 27%, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TienPhongBank cho biết, sự điều chỉnh này dựa trên nền tảng tài chính của ngân hàng tốt hơn.

Trong quý II/2012, dư nợ cho vay của TienPhong Bank đã tăng 6,8% so với quý I. “Ngân hàng cũng cam kết, ưu tiên hàng đầu trong dư nợ tăng thêm thời gian tới là đảm bảo chất lượng tín dụng. Nên ngân hàng chỉ tập trung ngắn hạn và cho vay những khách hàng có tài chính tốt, có tài sản đảm bảo...”- ông Hưng khẳng định.

Tại buổi giao lưu trực tuyến trên Vneconomy, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho hay: tính đến ngày 25-7, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 0,57% so với cuối năm 2011.

Về việc cho phép một số tổ chức tín dụng được tăng trưởng tín dụng 25 - 27%, vị này cho biết điều này phù hợp với điều kiện tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đang rất thấp

Để đảm bảo mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, NHNN chỉ cho phép đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị và có hoạt động tài chính lành mạnh.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết: Riêng trong tháng 6, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này tăng gần 10%, hiện tín dụng vẫn tiếp tục tăng.

Do vậy, ngân hàng đang đề xuất được tăng trưởng tín dụng để phù hợp với tình hình thị trường nhất là chuẩn bị tốt cho mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.

“Trong tình hình tăng trưởng tín dụng thấp như hiện nay, những ngân hàng nào cần mức “room” lớn hơn cho phép để có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng của ngân hàng là điều đáng khuyến khích” - ông Tùng nói.

Theo tìm hiểu của PV, ngoài TiênPhongbank, Oceanbank, MB, một số NH TMCP đang gửi đơn đề nghị được nới room tín dụng như HDBank, OCB... Lãnh đạo một ngân hàng nhận định: “Khả năng NHNN sẽ tiếp tục có quyết định nới mức tăng trưởng tín dụng với một số ngân hàng trong vài ngày tới” - Vì sao Ngân hàng Nhà nước lại có động thái “mở” tín dụng cho một số ngân hàng? Một đại diện NHNN chi nhánh Hà Nội nhìn nhận: “Đây là việc bình thường, hợp lẽ”.

Bởi theo ông, từ đầu năm đến nay, có những ngân hàng đã bị “thắt” chỉ tiêu tín dụng theo phân nhóm xếp loại do xuất phát một số khoản nợ xấu lớn hay mạnh tay cho vay vượt từ trước, tuy nhiên thời gian qua, cũng chính những ngân hàng này đã tự làm sạch mình, đạt các chỉ số xếp loại tốt nên việc “mở” tín dụng để ngân hàng cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay là điều hoàn toàn cần thiết.

Phân tích của một chuyên gia khác cũng cho thấy, thời điểm mở van tín dụng này rất hợp lý ở chỗ dư nợ tín dụng sẽ được cải thiện tốt hơn trong những tháng còn lại nhất là vào quý IV, khi doanh nghiệp bước vào mùa kinh doanh cao điểm, nhiều ngân hàng đã được xin cấp quota tín dụng. Tăng trưởng bao nhiêu là vấn đề của mỗi ngân hàng phải tự định đoạt dựa trên năng lực tài chính của mình.

Lo lạm phát và nợ xấu

Đồng tình việc tăng tín dụng thì tăng trưởng kinh tế mới đạt như mong muốn, nhưng theo Phó tổng giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ, phải kiểm soát hướng đi dòng tiền.

Ông Thọ phân tích: Tín dụng tăng cao chưa chắc kinh tế tăng trưởng tương ứng vì hiệu quả sử dụng vốn không cao do tín dụng đưa ra thêm mà chưa điều phối dòng vốn vào khu vực sản xuất, DN hiệu quả... Như vậy rất có thể lạm phát sẽ quay trở lại khi tín dụng dồn toa.

Về những điều chỉnh tăng trưởng tăng trưởng tín dụng cao sẽ tác động thế nào đến chính ngân hàng đó? Với việc sẽ được tăng trưởng tín dụng tối đa 27% từ nay đến hết năm, bà Nguyễn Minh Thu, Tổng giám đốc OceanBank chia sẻ rằng ngân hàng này luôn đảm bảo các điều kiện về thanh khoản, chỉ số an toàn hoạt động ở mức cao.

Tuy nhiên, lãnh đạo một NHTM lớn khác lưu ý: “Ngân hàng nào tăng cần suy xét hết sức thận trọng. Bởi việc tăng trưởng tín dụng cao sẽ dẫn đến nhu cầu “khát” tiền và từ đó, ngân hàng có thể đẩy vốn bằng mọi giá”.

Theo chuyên gia ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu, mức tăng trưởng tín dụng cao hay thấp đều có thể chấp nhận được nhưng luôn đi kèm điều kiện cần thẩm định kỹ càng và hợp lý nhất là dựa trên sức khỏe tài chính lành mạnh của khách hàng.

Ông Hiếu lưu ý hai yếu tố đối với các ngân hàng muốn tăng room đó là: chỉ số cho vay/huy động tỷ lệ giữ ở mức 80%; hệ số an toàn vốn (CAR) không thể dưới 9%.

Bên cạnh đó, ngân hàng phải tính toán kỹ và ước lượng khả năng quản trị rủi ro tín dụng. Vì khi một lượng vốn đổ ra ào ạt nếu không có sự quản lý chặt chẽ dòng tiền thì sẽ rất rủi ro khi mà sức khỏe hệ thống ngân hàng vẫn chưa thực sự tốt. Đây cũng là yếu tố quan trọng vừa nâng cao chất lượng tín dụng đẩy vốn đúng địa chỉ đồng thời kiểm soát rủi ro.

Cuối cùng, ông Hiếu cũng cảnh báo: “Ngành ngân hàng phải nhớ hậu quả nhãn tiền của việc tăng trưởng tín dụng nóng những năm qua (có thời điểm lên tới gần 35%/năm - PV) ít nhiều là “thủ phạm” của những món nợ xấu vẫn đang hiện hữu và lực cản cho việc khơi thông dòng vốn”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG