Giới trẻ không ai theo nghề
Ông K’Wơn (69 tuổi), trú tại bon N’Jriêng, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa đang xếp gói hàng 5 bộ quần áo thổ cẩm, được một khách hàng ở tỉnh Lâm Đồng đặt. Người dân cho biết, ở xã Đắk Nia chỉ có gia đình ông K’Wơn còn “trung thành” với nghề dệt thổ cẩm, những người còn lại đã nản do sản phẩm làm ra không bán được.
“Lâu lâu mới có một đơn hàng của khách du lịch. Thổ cẩm của gia đình tôi làm ra, chủ yếu phục vụ cho mùa lễ hội do phía Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh nhà đặt hàng, mới bán được. Nghề này, chúng tôi không mấy mặn mà nữa. Làm không bán được, khiến chúng tôi chán nản” - ông K’Wơn thở dài.
Người Mạ ở Đắk Nông tập trung ở huyện Đắk G’Long và xã Đắk Nia. Sản phẩm dệt thổ cẩm của họ có tiết tấu hoa văn khá độc đáo, mang đặc trưng riêng của đồng bào dân tộc thiểu số. Theo những nghệ nhân sống lâu năm ở xã Đắk Nia, ngày xưa thổ cẩm được nhiều người dân sử dụng, trong các ngày tết, lễ hội như cầu mưa, cúng cơm mới, tạ ơn trời đất… Tuy nhiên, ngày nay trong các lễ hội (trừ các lễ hội có tổ chức bài bản) người dân không mấy ai sử dụng đồ thổ cẩm. Thay vào đó, họ sử dụng đồ áo của người Kinh.
“Làm một bộ thổ cẩm đủ bộ mất những hơn một tuần lễ. Phải đặt chỉ ở phía bắc và nhiều nơi khác mới có. Sau đó, chúng tôi sẽ lên khung, lựa chọn tông màu phù hợp, để làm nổi bật tiết tấu hoa văn. Nghệ nhân sẽ sử dụng khung gỗ dệt.
Trong quá trình làm, chỉ cần một sai sót nhỏ sẽ làm lệch đi tất cả công đoạn. Làm nghề này đòi hỏi rất kỳ công. Giới trẻ hiện nay không thấy ai theo nghề này nữa. Chúng tôi đang lo lắng, một mai lớp già cội mất đi ai sẽ là người lưu giữ nghề truyền thống của cha ông để lại” - nghệ nhân H’Bạch (66 tuổi - vợ ông K’Wơn) tâm sự.
Đắt đỏ, khó bán
Hiện nay, những nghệ nhân còn làm nghề này chỉ đếm đầu ngón tay, vì sản phẩm làm ra không biết bán cho ai. Gia đình ông K’Wơn có 3 người làm nghề dệt thổ cẩm, gồm vợ, con gái và em gái. Đây cũng là gia đình duy nhất, còn làm ra sản phẩm để bán, do ông K’Wơn có nhiều “mối” làm ăn ở Lâm Đồng và nhiều tỉnh thành khác.
“Công việc không đều đặn, thi thoảng có dăm ba khách đặt hàng, chúng tôi mới ra chợ mua nguyên liệu thô về làm. Điều đáng buồn nhất, người Mạ ở xã Đắk Nia hiện nay, nhất là thế hệ trẻ rất ít khi sử dụng đồ truyền thống. Đồ thổ cẩm chỉ được sử dụng trong các ngày lễ, tết.
Họ quan niệm, dệt một bộ đồ thổ cẩm mất những trên dưới 10 ngày, chi phí cao. Trong khi đó ra chợ, mua bộ áo quần vừa nhanh và rẻ hơn” - bà H’Bạch chia sẻ. Một tấm vải thổ cẩm sau khi hoàn thiện đến tay người tiêu dùng có giá thành dao động từ 1 triệu đến 2 triệu đồng. Với giá thành đắt đỏ như vậy nên rất khó tiêu thụ.
Năm 2008, nhằm duy trì nghề truyền thống và góp phần quảng bá một số nét văn hóa đặc trưng của địa phương đến với du khách trong nước và quốc tế, tỉnh Đắk Nông đã cho xây dựng khu du lịch tại xã Đắk Nia. Đồng thời, mời một số nghệ nhân dệt thổ cẩm có kinh nghiệm truyền dạy cho các học viên, kết hợp bán sản phẩm. Tuy nhiên, việc làm này không mang lại hiệu quả, do không tìm được đầu ra ổn định.
“Ban đầu mới làm cũng có một số khách nước ngoài đặt mua. Tuy nhiên, thời gian về sau sản phẩm làm ra nhiều, nhưng không có người mua. Hơn nữa, du khách đến đây vừa đìu hiu, lại không mấy ai quan tâm đến thổ cẩm” - chị H’Tuyết (33 tuổi - con gái bà H’Bạch), thở dài.
“Thu nhập chính của gia đình tôi là làm rẫy, nếu sống dựa vào nghề thổ cẩm là điều không thể thực hiện. Làm ra sản phẩm đã cực, bán được nó là cả vấn đề. Vì yêu nghề, không muốn nghề truyền thống của cha ông để lại bị mai một, chúng tôi vừa làm cầm chừng, vừa để truyền nghề lại cho con cháu, quyết tâm không để nghề này mai một” - ông K’Wơn tâm sự.
Đứng trước nguy cơ đó, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông đã có các đề án nhằm phát huy và bảo tồn nghề dệt thổ cẩm người Mạ. “Chúng tôi đã liên hệ với một số nghệ nhân gạo cội của người Mạ ở xã Đắk Nia và ở huyện Đắk G’Long lên lớp, dạy truyền nghề cho một số thanh thiếu niên tại địa phương và cho các học viên ở các trường đào tạo nghề.
Với sự năng nổ, nhiệt tình của các nghệ nhân, con số người biết làm thành thạo nghề thổ cẩm sẽ tăng lên trong thời gian tới. Nhưng, khó khăn nhất trong việc bảo tồn nghề này, chúng tôi chưa tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm. Để đảm bảo cho sự phát triển lâu dài, cần có sự chung tay, vào cuộc của các cơ quan ban ngành” - một lãnh đạo Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông cho biết.