Thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội, ĐB Nguyễn Thị Thủy cho rằng, không ít đơn vị đào tạo, sát hạch lái xe nắm bắt tâm lý của một bộ phận người dân không muốn học mà có bằng nên đã cắt xén chương trình dạy, hoặc dạy tiểu xảo để thi đỗ.
Bà Thủy nêu thực tế nhiều người dân phía nam đăng ký học và thi bằng lái ở phía bắc. "Điều gì đã thu hút các học viên này trong khi đường xa, đi lại vất vả, chi phí ăn ở tốn kém hơn nhiều lần so với học ở tỉnh nhà? Phải chăng có những cơ sở học dễ, thi dễ?"
Clip nguồn VTV
Bà Thủy cũng đề cập đến tình trạng "bao thi, bao đỗ, đóng tiền trọn gói để mua bằng", vì vậy, không thể thanh tra theo kế hoạch mà phải điều tra bằng chuyên án thì mới phát hiện được những cơ sở vi phạm, bởi “mọi hồ sơ đều đã được làm tròn”.
ĐBQH Bắc Kạn cũng thông tin về những tiêu cực trong lực lượng thanh tra giao thông như vụ án nghiêm trọng liên quan đến 7 thanh tra giao thông nhận tiền từ 57 doanh nghiệp kinh doanh vận tải. “Thực tế này đã góp phần hình thành suy nghĩ cứ vi phạm là có thể xin được, hoặc không xin được thì có thể hối lộ”, bà Thủy nói.
Bà Thủy cũng cho rằng, một số cơ sở kinh doanh vận tải chỉ chú trọng lợi nhuận mà vô trách nhiệm với vai trò của người cầm lái. Theo quy định hiện hành, cơ sở kinh doanh vận tải phải tổ chức khám sức khỏe cho lái xe mỗi năm một lần. Tuy nhiên, bà Thủy phản ánh, không ít doanh nghiệp cho phép lái xe tự đi khám sức khỏe bên ngoài và nộp lại giấy tờ lưu hồ sơ. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp không yêu cầu lái xe nộp giấy khám sức khỏe.
Do đó, nhiều vụ việc nghiêm trọng đã xảy ra do lái xe dương tính với ma túy, khiến xã hội bàng hoàng. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm, qua kiểm tra đột xuất đã phát hiện 239 lái xe dương tính với ma túy.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn ép lái xe tăng thời gian làm việc, bất chấp quy định và sức khỏe của người lao động. Bà Thủy nêu dẫn chứng vào các ngày cuối dịp nghỉ lễ, Tết, lái xe thường phải quay vòng liên tục về các tỉnh xa để đón khách đến tỉnh, thành phố lớn, gây hậu quả là nhiều vụ tai nạn thương tâm.
Tiếp tay cho các doanh nghiệp này, theo đại biểu tỉnh Bắc Kạn, là những cơ sở y tế vô trách nhiệm. Bà Thủy đưa ra thực trạng chỉ cần bỏ ra 200.000 đồng và cung cấp thông tin về chiều cao, cân nặng, tài xế có thể nhận được giấy khám sức khỏe đủ điều kiện lái xe. Điều này dẫn đến tình trạng người dương tính với ma túy, người bị tâm thần vẫn được cấp giấy phép lái xe như ở các tỉnh Hòa Bình, Đăk Nông.