Nhận định trên được Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an đưa ra tại báo cáo kết quả thực hiện Đề án “Hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người” 6 tháng đầu năm 2019.
Theo thống kê, từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng đã phát hiện 1.059 vụ, với 1.432 đối tượng, lừa bán 2.674 nạn nhân trên toàn quốc. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, xảy ra 89 vụ, liên quan đến 142 đối tượng, lừa bán 169 nạn nhân.
So cùng kỳ năm 2018, giảm 10,1% số vụ, tăng 12,7% số đối tượng và giảm 28,4% số nạn nhân. Trong đó, mua bán người sang Trung Quốc (chiếm hơn 80%), sang Lào và Campuchia (10%), còn lại là đưa sang các nước khác qua đường hàng không và đường biển, với tính chất, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, để lừa bán ép hoạt động mại dâm, bán làm vợ, đẻ thuê.
Đáng chú ý, thời gian gần đây xuất hiện các đường dây tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài với quy mô lớn thông qua đường du lịch như vụ 149 công dân Việt Nam trốn sang Đài Loan lao động từ ngày 21/12 đến ngày 23/12/2018 thông qua đường du lịch. Đây được xem là trường hợp khách du lịch “mất tích” lớn nhất tại Đài Loan. Tháng 5/2019, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 5 đối tượng về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài”.
Cách đây ít ngày, Công an Nghệ An đã khởi tố vụ án “Tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài” để điều tra, truy bắt một nghi can tên Loan do liên quan việc đưa lao động trái phép sang Pháp.
Theo Cục CSHS - Bộ Công an, các đường dây tiếp nhận, đưa người từ Việt Nam sang Trung Quốc bằng hộ chiếu phổ thông (hoặc xin giấy thông hành) với mục đích du lịch, sau đó, sử dụng hộ chiếu giả của Trung Quốc xin cấp thị thực Schengen nhập cảnh vào châu Âu; hoặc tổ chức đưa người xuất cảnh từ Việt Nam sang Nga qua đường hàng không và trốn trong các xe thùng để vào các nước Đông Âu, Bỉ hoặc Pháp.