Hành trình nghiệt ngã, tủi nhục của người từng sang Anh “trồng cỏ”

Một bãi ém quân trong rừng của người Việt ở Pháp
Một bãi ém quân trong rừng của người Việt ở Pháp
TP -  “Nếu tôi có đầy đủ thông tin về hành trình đến nước Anh, tôi đã không liều mạng mình như thế. Để đến được nước Anh không như câu chuyện kể, nó tủi nhục, gian khổ, nguy hiểm vô cùng và không ít người đã phải bỏ mạng nơi xứ ngươi” – anh Nguyễn Văn K (Quảng Bình), người từng sang Anh trồng cần sa bắt đầu câu chuyện.

Trong một quán cà phê cóc phố huyện Quảng Bình, anh Nguyễn Văn K bắt đầu câu chuyện, với điều kiện, PV phải giấu thân phận của anh.

Giấc mơ đổi đời

Anh K sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo của tỉnh Quảng Bình. Học hết cấp 3, anh vào bộ đội và trở thành sỹ quan lục quân. Vì một biến cố gia đình, năm 1995 anh ra quân về quê và lấy vợ. Nhờ chí thú làm ăn, vợ chồng anh cũng mua được đất, xây một ngôi nhà nằm ngay trung tâm phố huyện, làm nơi kinh doanh hàng tạp hóa. Cuộc sống của vợ chồng anh vào thời điểm đó là niềm mơ ước của nhiều người. Những tưởng, anh chị sẽ gắn bó với cái nghề buôn bán hàng tạp hóa, dù không giàu nhưng cũng đủ sung túc cho gia đình 4 người…

Năm 2009, nghe bạn bè rủ rê, anh vay mượn thêm tiền đầu tư một “quả lớn”, là sang Anh trồng cỏ (cần sa), với hy vọng nhanh chóng đổi đời. Qua hướng dẫn, anh tìm gặp một người tên T ở TP Đồng Hới.

Chồng đủ 480 triệu đồng tại TP Đồng Hới, anh được đưa ra Hà Nội làm hộ chiếu du lịch Nga. Đoàn anh đi chừng 20 người, chủ yếu đến từ Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An. Từ Hà Nội, nhóm của anh bay quá cảnh ở Thái Lan, sau đó bay thẳng tới Nga. Đến Nga, mọi người được ô tô đón tại sân bay và đưa về một trang trại trồng rau của người Việt nằm ở ngoại ô Moscow. Tại đây đã có mặt hơn chục người đến từ trước đó, họ nhập thành đoàn, trong đó có 4 nữ và được xe ô tô chở tiếp đến khu vực biên giới của Nga - Belarus.

Đến nơi, đoàn nhanh chóng được đưa vào rừng ém quân, đợi trời tối để đi bộ xuyên rừng vượt biên giới. Dẫn đường là một người bản địa nói tiếng Nga, nhanh nhẹn và nóng tính. Mặc dù đã sang mùa xuân, khu rừng vẫn phủ tuyết trắng xóa. Những người từ Việt Nam sang, lần đầu đi trong tuyết, không quen địa hình, lại lạnh cóng, bám không kịp đoàn liền bị người dẫn đường quát nạt, đánh đập. Băng rừng đúng một đêm, mọi người cũng vượt qua được biên giới Belarus.

Để đến được Pháp, nơi “ém quân” trước khi vào Anh, đoàn anh K phải qua Ba Lan, Tiệp Khắc (cũ), Đức… tất cả đều đi bằng ô tô và băng rừng trong đêm tối để vượt biên giới. Đến Pháp, đoàn của anh K được đưa về tá túc ở một khu rừng cạnh bãi đậu xe tải quá cảnh vào Anh. Tại đây, mọi người bị thu hết hộ chiếu để tiêu hủy. Theo giải thích của bọn buôn người, Anh khi bắt được người nhập cư trái phép sẽ trục xuất về lại quốc gia mà từ đó họ nhập cảnh vào Anh. Pháp thì lỏng lẻo và có phần ưu ái hơn đối với người nhập cư trái phép. Nếu bị trả về Pháp, cơ hội trở lại Anh vẫn còn.

Sinh tồn ở “bãi ém quân”

Hành trình nghiệt ngã, tủi nhục của người từng sang Anh “trồng cỏ” ảnh 1

Anh K, một người trong cuộc kể về hành trình sang Anh của mình

Tại “bãi ém quân” này có đến cả trăm người đang chờ cơ hội vào Anh, có người đã chờ đến nửa năm (vì chưa chồng đủ tiền), hoặc có người đã vào Anh cả chục lần nhưng không trót lọt, quay trở lại đây để chờ cơ hội khác. Anh K nói, sống ở “bãi ém quân” mới chứng kiến hết sự tủi cực. “Tôi cứ tưởng băng rừng trong đêm tối, vượt qua ba, bốn biên giới là tận cùng của nguy hiểm rồi, đã có người bị bỏ lại giữa đường vì kiệt sức. Ai ngờ đó chỉ mới là khởi đầu cho một hành trình dài khắc nghiệt tiếp theo”, anh K nói.

Theo anh K đây là một khu rừng tự nhiên, người ta căng bạt che mưa nắng, cũng có chăn, nệm nhưng rách nát và hôi hám vô cùng. Những người mới đến, ban đầu không quen mùi ai cũng lè lưỡi, lắc đầu, nhưng không còn cách nào khác, dần dần rồi cũng quen. Khổ nhất là nước dùng cho sinh hoạt. Cả khu rừng không có một nguồn nước nào từ khe suối. Nước uống được cung cấp bởi nhóm buôn người, nhưng cũng phải dè sẻn, nếu không sẽ phải nhịn khát khi chưa đến kỳ phân phối.

“Cả trăm con người không đánh răng, rửa mặt, không tắm giặt…, phóng uế bừa bãi ngay cạnh lán trại. Cái mùi xú uế ấy đến giờ tôi vẫn rùng mình mỗi khi nhớ lại. Cơm ăn thì bữa đói, bữa no, có khi phải nhịn đói cả mấy ngày liền vì nhóm cung cấp thực phẩm bị cảnh sát bố ráp. Cũng may, thi thoảng có nhóm từ thiện của người Pháp tìm vào, cung cấp lương thực, thuốc men chữa bệnh và đưa về nhà cho tắm giặt, nếu không thì chúng tôi thành người rừng hết” - anh K nhớ lại.

Ở “bãi ém quân”, không chỉ có cuộc sống thiếu thốn, cực khổ, khắc nghiệt mà những người đi tìm giấc mơ đổi đời như anh K còn luôn đối mặt với nguy hiểm từ những cuộc đụng độ giữa các băng nhóm buôn người. Vốn là quân nhân, lại có sức khỏe, anh K được tuyển vào đội gác đêm, phòng băng nhóm khác đến cướp bãi. Những người như anh K chỉ được trang bị vũ khí là những thanh gỗ, còn nhóm buôn người có cả súng và kiếm.

Bọn chúng nói với anh, nếu để băng đảng khác cướp mất bãi, mất người, thì những người bị cướp đi phải chồng thêm tiền cho băng nhóm mới để được sang Anh. “Nghe vậy ai cũng lo sợ. Tiền đâu để chồng tiếp, vậy là chúng tôi liều chết chiến đấu giữ bãi. Không ít anh em bị thương nặng, không thuốc men, cắn răng chịu đựng cơn đau giày vò, chờ nhóm từ thiện người Pháp, có khi mất cả tuần họ mới vào cho thuốc và điều trị” - anh K kể.

Anh K cho biết, bãi đậu xe tải quá cảnh vào Anh nằm gần đường hầm qua eo biển Manche. Ở đây có rất nhiều xe container dừng lại nghỉ trước khi vào Anh. Lợi dụng các lái xe chạy đường dài mệt mỏi, ngủ thiếp đi, trong đêm tối bọn buôn người mở kẹp chì container tuồn người lên. Ai sợ không lên sẽ bị đánh đập, nhưng thông thường mọi người bất chấp nguy hiểm, chen chúc nhau để lên container với hy vọng sang Anh càng sớm càng tốt.

(Còn nữa)

Bộ trưởng Tô Lâm điện đàm với Bộ trưởng Nội vụ Anh 
Ngày 30/10, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã có cuộc điện đàm với bà Priti Patel, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland về công tác phối hợp xác định danh tính 39 nạn nhân nghi là người mang quốc tịch Việt Nam.
Bộ trưởng Tô Lâm nói Bộ Công an Việt Nam và Cảnh sát Anh đang phối hợp tích cực điều tra, xác minh danh tính các nạn nhân. Việc này là rất cấp bách. Vì vậy, Bộ Công an Việt Nam đã sẵn sàng cử đoàn công tác sang Anh phối hợp với Cảnh sát Anh.
Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Vương quốc Anh quan tâm, hỗ trợ đoàn công tác Bộ Công an Việt Nam khi sang làm việc tại Anh. Trong trường hợp có nạn nhân là người Việt Nam, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị, Bộ Nội vụ Anh tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo hộ công dân theo đúng quy trình, thủ tục pháp luật của Anh, Việt Nam, pháp luật và tập quán quốc tế.Minh Đức

K tâm sự: “Với cánh đàn ông chúng tôi như thế cũng đã là tận cùng của sự khổ, nhưng đàn bà, con gái còn khổ gấp vạn lần. Họ thiếu thốn đồ dùng của phụ nữ, thường xuyên bị nhóm buôn người bắt làm nô lệ tình dục. Cô nào có chút nhan sắc, có ngày phải đi với bọn buôn người đến năm, sáu lượt. Chỉ cần chống cự, không nghe lời là bị đánh đập, bỏ đói. Đã có cô dính bầu khi chưa đến được nước Anh”.

MỚI - NÓNG