Chị Thùy (Cầu Giấy, Hà Nội) chuẩn bị mua căn hộ tại một chung cư ngoại ô và đã được Ngân hàng Ngoại thương - Vietcombank đồng ý về nguyên tắc cho vay dưới hình thức thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở (tài sản hình thành trong tương lai) do chưa có giấy chứng nhận quyền tài sản. Tuy nhiên, sau đó chị nhận được thông báo không thể cho vay bởi nhiều vướng mắc về pháp lý do bên công chứng không hoàn tất thủ tục đăng ký tài sản đảm bảo.
Tương tự chị Thùy, nhiều khách hàng khác cũng bị từ chối vay mua nhà ở Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng vì lý do này. Một tuần qua, nhiều khách hàng tại TP HCM cho biết, họ được nhân viên thông báo tạm thời ngưng giải ngân với các trường hợp vay vốn thế chấp tài sản bằng nhà ở hình thành trong tương lai dù trước đó nhà băng này cho vay bình thường.
"Tầm một tuần trở lại đây thì ngân hàng vẫn tiếp nhận hồ sơ, nhưng khách phải chờ vì hiện tại BIDV sẽ chưa giải ngân mà đợi hướng dẫn cụ thể từ Hội sở", một nhân viên tín dụng tại sở giao dịch 2 của BIDV cho biết.
Thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai là nhu cầu chính đáng của người mua hoặc chủ đầu tư để huy động vốn. Đối với ngân hàng, đây là một nguồn tài sản bảo đảm phổ biến và có giá trị, góp phần đáng kể vào việc tăng trưởng tín dụng và thu hút khách hàng. Tuy nhiên, việc pháp luật vẫn chưa quy định một cách thỏa đáng về biện pháp bảo đảm này vô tình đang tạo ra rào cản pháp lý cho việc thế chấp khiến một số ngân hàng phải tạm dừng cho vay.
Trao đổi với PV, đại diện hai ngân hàng trên cho biết lý do tạm dừng cho vay vì việc nhận thế chấp một số tài sản đảm bảo là nhà ở đã nghiệm thu sử dụng nhưng chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu gặp vướng mắc sau khi Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực. Ngược lại, các trường hợp cho vay mua nhà khác vẫn diễn ra bình thường.
Theo đó, các trường hợp nhận thế chấp Quyền tài sản liên quan đến dự án đầu tư xây dựng nhà ở/nhà ở hình thành trong tương lai không đúng với quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 99 thì không có giá trị pháp lý và không được pháp luật công nhận. Tuy nhiên, Luật nhà ở, Nghị định 99 và Thông tư số 26 của Ngân hàng Nhà nước đều chưa có hướng dẫn cụ thể trong việc nhận thế chấp này. Mặt khác, do các hướng dẫn và quy định của pháp luật chưa cụ thể nên phần lớn các văn phòng đăng ký đất đai địa phương từ chối xác nhận đăng ký giao dịch bảo đảm.
"Do đó, BIDV tạm thời dừng nhận thế chấp với các tài sản này mà chỉ nhận làm tài sản đảm bảo bổ sung trong thời gian chờ Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan khác hướng dẫn cụ thể nhằm tránh rủi ro pháp lý", đại diện BIDV nói.
Theo khảo sát của phóng viên, nhiều ngân hàng khác vẫn cho vay mua nhà dưới hình thức này bình thường. Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) ban đầu cũng phải tạm dừng cho vay mua nhà thế chấp bằng các quyền tài sản hình thành trong tương lai vì lý do này. Tuy nhiên, đến nay nhà băng vẫn linh động cho vay trở lại sau khi được một số cơ quan liên quan cho phép "nợ" một vài thủ tục trong thời gian chờ hướng dẫn.
"Thời hạn cho nợ các thủ tục đến ngày 30/6 nhưng nếu sau ngày này, các cơ quan vẫn chưa có những hướng dẫn chung sẽ rất khó cho ngân hàng", vị này nói.
Tương tự, lãnh đạo Eximbank, VPBank, TPBank, Sacombank, HDBank cho biết vẫn tiếp nhận và giải ngân với các trường hợp này. Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết, nếu chiếu theo quy định của Luật thì các nhà băng cũng có lý do để "run" khi cho vay bởi những quy định chưa rõ ràng.
Tuy nhiên, để không ảnh hưởng tới khách hàng, các nhà băng có thể xét duyệt, thẩm định hồ sơ thận trọng để có thể giải ngân bình thường. Quan trọng là khâu xét duyệt, thẩm định hồ sơ dự án vay. Nếu tất cả đều tốt thì sẽ được cho vay bình thường.
"Chúng tôi không thấy có trở ngại gì ngoài việc lưu ý về vấn đề khả năng trả nợ, tức độ ổn định của nguồn thu nhập của khách hàng - đặc biệt với người đi vay có thu nhập từ lương", đại diện HDBank chia sẻ.